Đình Phú Sen và việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống

Đình Phú Sen tọa lạc tại thôn Phú Sen Tây, xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) là chứng tích quan trọng về quá trình hình thành cộng đồng dân cư Việt tại khu vực phía tây đồng bằng Tuy Hòa trong thời kỳ khẩn hoang mở mang vùng đất Phú Yên dưới thời phong kiến.

Đình Phú Sen nằm giữa quần thể cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi càng gia tăng sự cổ kính, linh thiêng. Ảnh tư liệu

Được xây dựng khá sớm

Thôn Phú Sen nằm ở khu vực tiếp giáp giữa đồng bằng Tuy Hòa và vùng núi phía tây của tỉnh. Theo địa bạ triều Nguyễn, thôn Phú Sen lúc mới lập thuộc tổng Thượng, huyện Tuy Hòa. Đến năm 1832 thuộc tổng Hòa Bình, huyện Tuy Hòa.

Năm 1899, khi huyện Sơn Hòa được thành lập thì thôn Phú Sen được cắt giao cho tổng Sơn Tường của huyện Sơn Hòa. Sau năm 1945, Phú Sen được tách ra khỏi Sơn Hòa trở lại là đơn vị hành chính cấp thôn của phủ Tuy Hòa. Năm 2005, thôn Phú Sen chia làm 2 là Phú Sen Đông và Phú Sen Tây thuộc huyện Phú Hòa.

Nằm án ngữ ở vị trí đường thủy, bộ đi qua nên trong lịch sử phát triển thôn Phú Sen là nơi giao dịch, thương mại giữa vùng đồng bằng và vùng núi. Về đường bộ có quốc lộ 25 đi ngang qua; đường thủy thì có sông Ba chảy dọc phía nam của thôn.

Vào đầu thế kỷ XX, khi hệ thống thủy nông Đồng Cam chính thức đi vào hoạt động, kênh chính phía bắc chảy qua thôn Phú Sen, tưới mát đồng ruộng, góp phần đem lại cuộc sống trù phú ấm no cho người dân nơi đây.

Trong quá trình tụ cư lập làng, cộng đồng cư dân địa phương tạo lập các thiết chế văn hóa, tín ngưỡng, trong đó đình Phú Sen được xây dựng khá sớm. Theo lời truyền của các bậc cao niên ở đây, đình Phú Sen được lập khoảng 150 năm trước. Trải qua thời gian, ngôi đình được lập ban đầu chỉ còn dấu tích nền đình, án phong và rất nhiều cây cổ thụ lên đến hàng trăm năm tuổi.

Trong những năm chiến tranh giải phóng dân tộc, đình không được tu bổ nên đổ sụp. Năm 1995, người dân Phú Sen đã góp công sức phục dựng lại ngôi đình trên nền cũ. Kiến trúc của đình được xây dựng theo kiểu nhà cấp 4 gồm 3 gian 2 chái với chiều dài 7m, chiều rộng 5m trên tổng diện tích 2.263m2.

Đình nằm trên gò đất cao ráo, mặt quay về hướng nam lấy đoạn sông Ba chảy qua làm yếu tố minh đường để đem lại vượng khí cho thôn. Bức án phong và 2 trụ biểu của ngôi đình cũ giữ lại với 2 con nghê đắp nổi bằng xi măng trên đầu trụ biểu. Mặt tiền ngôi chánh điện được viết hai câu đối Hán Nôm có nội dung ca ngợi thần linh, gửi gắm mong ước tốt đẹp của tiền nhân đến thế hệ mai sau:

Thượng cổ tôn nghiêm anh linh thường giám hộ

Đương kim sùng phụng thánh đạo xuất nhân tài

Tạm dịch:

Chốn linh thiêng từ xưa thần linh thường phù hộ

Nơi thờ phụng ngày nay thánh đạo xuất hiện nhân tài

Nơi trang trọng nhất của đình Phú Sen là các ban thờ khu chánh điện. Gian giữa là ban thờ thần Thành hoàng, hai bên là ban thờ tả ban và hữu ban thờ các vị tiền hiền, hậu hiền - những người có công tạo lập làng lúc ban đầu. Hai bên gian thờ có câu đối Hán Nôm:

Thần tại đình trung năng hiển hách

Cảm độ uy linh hộ dân an

Tạm dịch:

Thần giữ tại đình nên hiển hách

Cảm nhận linh thiêng hộ an dân

Điểm nổi bật trong tổng thể không gian của đình Phú Sen là quần thể cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đây là loại cây thường trồng ở các đình miếu và một số cây có giá trị kinh tế như gáo, lò bó, cóc, đa, thị, me, gạo, mằng lăng và giáng hương.

Những cây cổ thụ cành lá sum sê, che kín phần lớn khuôn viên của đình làm gia tăng sự tĩnh mịch và linh thiêng cho ngôi đình. Đến thăm đình Phú Sen, du khách như lạc vào công viên cây cổ thụ rợp mát với không khí trong lành, lòng như nhẹ nhõm quên đi bao phiền muộn và đắm mình trong cõi tâm linh.

Nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng

Đình Phú Sen là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng cư dân địa phương. Thời kỳ trước 1945, việc cúng tế cầu cho quốc thái dân an tại đình được tổ chức vào mùa thu, thực hiện theo nghi lễ truyền thống có đọc chúc văn, tấu nhạc và rước sắc thần.

Đây là dịp để người dân trong làng báo cáo các vị thần linh, Thành hoàng làng về kết quả lao động trong năm qua, đồng thời cầu mong thần linh, Thành hoàng làng tiếp tục phù hộ cho dân làng một năm với mưa thuận gió hòa, gặp nhiều may mắn.

Nhiều người dân trong làng đi làm xa nhớ ngày lễ cúng đình cũng tranh thủ về thắp hương cho Thành hoàng làng. Ngày lễ cúng đình cũng là dịp để người dân chia sẻ kinh nghiệm trong đời sống, sản xuất, ôn lại truyền thống tốt đẹp của làng cũng như gia tăng tinh thần đoàn kết, gắn bó tình làng nghĩa xóm.

Ngày nay, việc cúng tế và cầu an tại đình Phú Sen được cộng đồng cư dân địa phương tiếp tục duy trì. Hằng năm, vào dịp tết Nguyên đán, tháng 8 (âm lịch) người dân tổ chức dâng hương và cúng đình trang trọng, thu hút nhiều người tham gia.

Đình Phú Sen còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện liên quan đến phong trào đấu tranh cách mạng của địa phương. Năm 1945, đình Phú Sen là địa điểm tập hợp, luyện tập của lực lượng du kích thôn Phú Sen, và là địa điểm tập kết thanh niên lên đường nhập ngũ tham gia Trung đoàn 84.

Năm 1948, đình Phú Sen là nơi dừng chân của bộ đội chủ lực trước khi hành quân lên Tây Nguyên. Năm 1949, tại đình Phú Sen diễn ra đại hội hợp nhất xã Hòa Nghiệp và Hòa Quý thành xã Hòa Định. Năm 1965, tại đây lực lượng thanh niên xã Hòa Định tham gia huyện đội Tuy Hòa 2 và bổ sung tiểu đoàn 95 Tỉnh đội. Năm 1975, đình Phú Sen là nơi tập kết súng đạn mà quân ta thu được trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975.

Với lịch sử tồn tại của mình, đình Phú Sen là nơi bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư địa phương, trong đó có tín ngưỡng thờ Thành hoàng, thờ tiền hiền, hậu hiền… góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Đình Phú Sen còn là nơi lưu dấu truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Hòa Định Tây trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Với những giá trị đó, ngày 30/12/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3226/QĐ-UBND về việc công nhận và xếp hạng Đình Phú Sen là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

TS ĐÀO NHT KIM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/94/312254/dinh-phu-sen-va-viec-gin-giu-cac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong.html