Định mức tái chế phải hợp lý, khả thi

Ủng hộ tái chế bao bì, sản phẩm để tận dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường song đại diện các doanh nghiệp cho rằng, định mức tái chế (Fs) phải bảo đảm tính hợp lý. Nếu không, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) sẽ khó được thực thi hiệu quả.

Đề xuất định mức làm khó doanh nghiệp

Theo lộ trình được Chính phủ quy định, từ ngày 1.1.2024, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện EPR. Đây là cơ chế bắt buộc trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu với rác thải từ sản phẩm và được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam.

Theo đề xuất của doanh nghiệp, định mức tái chế (Fs) không nên cao hơn trung bình thế giới. Nguồn: ITN

Theo đề xuất của doanh nghiệp, định mức tái chế (Fs) không nên cao hơn trung bình thế giới. Nguồn: ITN

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nêu rõ: nhà sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm (pin - ắc quy, dầu nhớt, săm lốp, điện - điện tử, phương tiện giao thông) và một số bao bì (thực phẩm, mỹ phẩm; thuốc; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; chất tẩy rửa, chế phẩm gia dụng, nông nghiệp, y tế; xi măng) sẽ có trách nhiệm tái chế các sản phẩm, bao bì đó theo tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy cách tái chế bắt buộc theo lộ trình.

Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể tự mình tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Trường hợp chọn đóng góp tài chính, số tiền đóng góp được tính theo công thức: F = R x V x Fs (F là tổng số tiền mà nhà sản xuất, nhập khẩu phải nộp theo từng loại sản phẩm, bao bì; R là tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì; V là khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu; Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì, bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu).

Như vậy, việc xác định Fs sẽ quyết định đến thực hiện trách nhiệm EPR, là một trong những yếu tố để nhà sản xuất cân nhắc việc thực hiện theo hình thức tự tổ chức tái chế hay đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Xác định Fs ở mức phù hợp là yêu cầu rất lớn đặt ra cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, với vai trò được giao xây dựng Quyết định của Thủ tướng cho vấn đề này.

Tại hội thảo góp ý về dự thảo Quyết định do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, đại diện cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, các mức đề xuất về Fs là quá cao, bất hợp lý. Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) Chu Thị Vân Anh nêu dẫn chứng, theo dự thảo, Fs đối với nhôm là 6.180 đồng/kg, cao hơn 4,94 lần so với trung bình thế giới là 1.250 đồng/kg; Fs đối với giấy hỗn hợp là 10.815 đồng/kg, cao hơn 4,3 lần trung bình thế giới là 2.500 đồng/kg; Fs đối với giấy là 2.750 đồng/kg, cao hơn 1,45 lần so với trung bình thế giới là 1.900 đồng/kg.

Các doanh nghiệp tính toán, nếu đề xuất được thông qua sẽ khiến giá nước đóng chai tăng thêm 1,36%; bia lon tăng 0,6%, bịch sữa tăng 0,2%... Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Không nên cao hơn trung bình thế giới

Dẫn kinh nghiệm quốc tế, ông Nguyễn Hồng Uy, Trưởng Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - EuroCham) cho biết, các nước châu Âu đã thực hiện EPR từ rất lâu nhằm hướng tới nền kinh tế xanh. Ông Uy nhấn mạnh, Fs rất quan trọng để xác định mức đóng góp của doanh nghiệp. Tại nhiều quốc gia châu Âu, chi phí này đã về 0, tức là đã đạt 100% kinh tế tuần hoàn. Thậm chí, tại Na Uy, Fs cho nhôm còn ở mức âm (0,03 Krone) do giá trị vật liệu tái chế cao, doanh nghiệp thu hồi phải trả tiền cho mỗi lon nhôm họ đưa vào hệ thống.

Đối chiếu với Việt Nam, ông Uy đề xuất, nên xác định mức Fs theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, điều kiện thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế. Đối với các bao bì, sản phẩm làm từ vật liệu có giá trị cao như nhôm, kim loại, giấy carton, bao bì nhựa cứng… khi thải bỏ đều ngay lập tức được thu gom nên hầu như không tồn tại ngoài môi trường vì tái chế rất có lãi. Do đó, hệ số điều chỉnh cho Fs nên bằng 0, như kinh nghiệm của Na Uy và Đan Mạch. Đối với những vật liệu giá trị thu hồi thấp như túi ni-lon, bao bì giấy hỗn hợp thường ít được tái chế vì lỗ, trong khi đây là nguy cơ chủ yếu với môi trường, do đó nhà sản xuất cần đóng góp hỗ trợ nhà tái chế; bảo đảm “Fs cần hợp lý, không cao hơn giá trung bình của thế giới”.

Chia sẻ với ý kiến trên, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam bổ sung, cần cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế cho một loại bao bì/sản phẩm trong cùng năm, thay vì bắt buộc chọn một trong 2 hình thức. Thực tế, nhiều loại bao bì, sản phẩm hiện chưa có giải pháp tái chế hiệu quả, chẳng hạn bao bì giấy hỗn hợp, pin lithium... “Các doanh nghiệp vẫn đang tìm giải pháp tái chế phù hợp, quá trình này có thể mất nhiều thời gian để thử nghiệm. Vì thế, việc cho phép doanh nghiệp kết hợp cả 2 hình thức là rất cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp tìm giải pháp tái chế phù hợp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp lưu ý, cần có chính sách ưu đãi cho bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế. Cụ thể, đối với phần bao bì đã sử dụng vật liệu tái chế tại Việt Nam được tính hệ số điều chỉnh Fs bằng 0 để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vật liệu tái chế trong bao bì; xây dựng cơ chế ưu tiên/khuyến khích đối với các loại nguyên vật liệu thân thiện với môi trường làm bao bì được tính hệ số Fs 0,5. Đồng thời, cần bỏ chi phí quản lý hành chính 3% khỏi đề xuất Fs, bởi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã quy định chi phí quản lý hành chính lấy từ tiền lãi ngân hàng.

Để thực hiện EPR hiệu quả, đại diện VBA cho rằng, trong 2 năm đầu tiên (2024 - 2025), nên tập trung vào hướng dẫn thi hành. Lý do là EPR là một chính sách rất mới, đa số các nước châu Á còn chưa áp dụng bắt buộc. Việc thực thi cho hàng ngàn loại bao bì, sản phẩm là rất phức tạp, cần hướng dẫn chi tiết; nhiều loại bao bì, sản phẩm còn chưa có công nghệ tái chế, chưa có nhà tái chế nên nhiều doanh nghiệp không có sẵn giải pháp.

Thiên An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/dinh-muc-tai-che-phai-hop-ly-kha-thi-i336005/