Định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng: Những quy định lỗi thời!

Định mức kinh tế - kỹ thuật trong xây dựng là một trong những công cụ để xác định giá xây dựng. Tuy nhiên, nhiều năm nay, tại hầu hết các dự án đầu tư xây dựng, việc áp định mức lại được áp dụng theo những quy định có từ thời Liên Xô cũ, đã lạc hậu và không còn phù hợp. Thực tế này không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến năng suất thi công, chất lượng công trình, mà còn gây thất thoát lãng phí vốn đầu tư lớn tại hầu khắp các dự án đầu tư xây dựng.

Thực tế thi công cho thấy, có quá nhiều định mức kinh tế kỹ thuật không còn phù hợp và cần được điều chỉnh. (Ảnh: TL)

Những quy định thiếu thực tế

Trong những năm qua, hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng đã cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý giá xây dựng chung trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, quá trình thực tế còn bộc lộ nhiều hạn chế. Việc áp dụng các định mức kinh tế kỹ thuật lạc hậu, không phù hợp đã khiến cho việc áp giá vật liệu, chi phí đầu tư xây dựng tại các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, thủy lợi hiện nay phải gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, định mức lu lèn lại mặt đường cũ sau khi cày phá tính theo m2 là không hợp lý và quá cao so với định mức đắp nền đường bằng máy dầm, bởi khi mặt đường cũ đã được cày phá, san phẳng thì chỉ còn công tác lu lèn đạt độ chặt theo yêu cầu. Ví dụ, để rải và lu lèn 100m3 móng cấp phối đá dăm móng (tính với 500m2 đường giao thong, chiều dày lớp cấp phối là 20cm) thì hao phí máy lu rung 25T là 0,21ca, nhưng khi tính lu lèn lại mặt đường cũ sau cày phá cho 100m2 thì hao phí máy lu rung 25T là 0,0075ca/m3. Như vậy, định mức lu lèn mặt đường cũ cao gấp 3 lần so với mặt đường đá dăm làm mới. Đối với định mức vận chuyển bê tông nhựa, bê tông xi măng, cấp phối đá gia cố xi măng cũng cho thấy, hao phí ca máy lớn, không phù hợp với thực tế thi công. Các định mức khác như định mức đào đất trong khung vây trên cạn, định mức lắp dựng, tháo dỡ ván khuôn, hệ treo đỡ ván khuôn dầm đúc hẫng dưới nước cũng chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, hao phí nhân công trong định mức bê tông dầm cầu thi công bằng phương pháp đúc đẩy, đúc hẫng thực tế cho thấy còn quá cao; Hao phí máy ca hàn trong định mức ván khuôn dầm cầu (mã hiệu AG.321-11,21,31) cao bất thường với 0,55 ca/m2, trong đó khối lượng que hàn chỉ có 0,21kg. Trong khi thực tế thi công chỉ hao phí từ 1/5 đến ¼ hao phí định mức nêu trên….

Ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng thừa nhận: Hiện nay, Bộ Xây dựng có khoảng 12.000 định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng để phục vụ cho công tác quản lý giá xây dựng và đã cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý về giá định mức xây dựng đề ra. Tuy nhiên, để phù hợp cơ chế thị trường cũng như yêu cầu thực tế quản lý, hệ thống định mức này cần phải được điều chỉnh, hoàn thiện. Bởi thực tế còn tồn tại nhiều định mức lạc hậu, chưa theo kịp được công nghệ xây dựng mới, dẫn đến quá trình áp dụng gặp nhiều vướng mắc.

Các định mức dự toán của chúng ta hiện nay là định mức bình quân nên khi áp dụng thực tế đã xảy ra tình trạng đúng với một số dự án, một số công trình, nhưng lại không phù hợp với các dự án, công trình có điều kiện thi công và biện pháp thi công thay đổi. Đặc biệt, nó chưa phù hợp với mức bình quân nên chưa đảm bảo được nguyên tắc tính đúng tính đủ đối với các công nghệ khác cũng như điều kiện khác. Bởi trong xây dựng, khi điều kiện thi công khác nhau thì năng suất chênh lệch nhau và khối lượng thi công một công trình khác nhau sẽ dẫn đến năng xuất khác nhau. Điều này cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm xây dựng, bởi nó sẽ đảm bảo việc người công nhân có được làm việc liên tục hay không.

Cần sớm được điều chỉnh

Hiện nay, các vấn đề bất cập trong hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng không chỉ dừng lại ở những quy định lỗi thời, mà tại nhiều hạng mục công trình, các quy định còn thiếu, chưa rõ ràng khiến cho các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư không biết nên áp định mức nào cho phù hợp. Cụ thể, qua quá trình thanh tra, nhiều công tác không có định mức, dẫn đến đơn vị tư vấn và chủ đầu tư phải vận dụng các định mức khác không phù hợp với nội dung, tính chất công việc cũng như biện pháp thi công. Đây cũng chính là căn nguyên khiến cho việc thất thoát vốn diễn ra phổ biến trong các dự án đầu tư xây dựng.

Trước thực tế đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo hoàn thiện đề án xây dựng hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng. Tuy nhiên, do khối lượng công việc lớn, vì có tới 12.000 định mức nên phải mất thời gian khá dài mới có thể thực hiện được.

Ông Phạm Văn Khánh cũng cho biết: Thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng rà soát, hoàn thiện các định mức dự toán xây dựng công trình, từ năm 2013 đến nay, Bộ Xây dựng đã rà soát được gần 10.000 định mức, vậy nhưng, việc rà soát chỉ đáp ứng yêu cầu cấp bách, còn đáp ứng yêu cầu theo cơ chế thị trường là tính đúng, tính đủ theo công nghệ mới, thì phải tiến hành từ phương pháp xây dựng định mức.

Hiện, nhiều nước trên thế giới gọi quy định này là định mức năng suất, còn đối với từng dự án thì căn cứ vào điều kiện thi công, biện pháp thi công, tiến độ thi công để xác định chi phí. Do vậy, chúng ta phải hoàn thiện lại phương pháp xây dựng định mức cho phù hớp với cơ chế thị trường, để từ đó xây dựng lại hệ thống định mức cho phù hợp.

Dự kiến, phương pháp xây dựng định mức này sẽ được hoàn thiện vào cuối năm 2017. Để đáp ứng yêu cầu trước mắt, Bộ Xây dựng cũng đang tiến hành rà soát, dự tính đến hết năm 2017 sẽ tổng hợp, công bố và sẽ áp dụng cho đến khi có định mức mới.

“Theo kế hoạch, đến năm 2018 mới đi xin dự kiến định mức, và phải đến năm 2021 mới có hệ thống định mức mới. Hiện, Vụ cũng đang đặt vấn đề với JICA để hỗ trợ về mặt kỹ thuật, xác định phương pháp nhằm xây dựng định mức”, ông Phạm Văn Khánh cho biết thêm.

Để xây dựng, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng mới, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp cùng các bộ chuyên ngành, các Tổng Công ty tư vấn lớn để hoàn thiện hệ thống định mức sao cho phù hợp yêu cầu thực tế đặt ra.

Kim Thoa

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/dinh-muc-kinh-te-ky-thuat-xay-dung-nhung-quy-dinh-loi-thoi.html