Đình Mai Dịch - Hà Nội: Di tích lịch sử độc đáo thờ nhân thần hậu Lý Nam Đế

Đình Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) là 1 trong 4 di tích lịch sử độc đáo của địa phương được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận, nơi thờ nhân thần hậu Lý Nam Đế. Lễ hội đình Mai Dịch vì thế thu hút đông đảo du khách thập phương.

Ngày 3/3/2023, Lễ hội truyền thống đình Mai Dịch và đình Dịch Vọng Sở (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) đã long trọng diễn ra được tổ chức với những nghi lễ cùng các trò chơi dân gian độc đáo thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tới tham dự.

Tiết mục trống hội được các nghệ sĩ trình diễn chào mừng lễ hội truyền thống đình Mai Dịch

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Văn Lợi - Chủ tịch UBND phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, đình Mai Dịch là một trong 4 di tích lịch sử độc đáo của địa phương đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật từ năm 1995.

"Với cộng đồng dân cư, đình là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, đình cũng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, nơi duy trì và củng cố các mối quan hệ cộng đồng. Việc duy trì tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm nhằm phát huy và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đạo lý tốt đẹp của quê hương, đất nước", ông Phạm Văn Lợi nói.

Ông Phạm Văn Lợi - Chủ tịch UBND phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) phát biểu tại buổi lễ

Theo sử sách, đình Mai Dịch thờ vị nhân thần hậu Lý Nam Đế (tên húy là Lý Phật Tử) từ thế kỷ thứ VI. Ông chính là người có nhiều công lao đóng góp trong cuộc phát động của Lý Bí nổi lên đấu tranh với quân Lương giành độc lập của dân tộc.

Ngay từ thuở nhỏ, Lý Phật Tử đã là người hùng dũng kì tài, khi trưởng thành thì văn võ song toàn. Năm 543, Lý Bí phát động cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Lương đô hộ nước ta. Vị tướng trẻ Lý Phật Tử là cháu của Lý Bí đã tham gia ngay từ đầu và lập được nhiều chiến công hiển hách.

Năm 544, quân đô hộ nhà Lương bị đánh đuổi khỏi nước ta. Lý Bí lên ngôi vua và lấy hiệu là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên, lập triều đình bá quan văn võ.

Đầu năm 545, nhà Lương cử Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem quân xâm lược nước Vạn Xuân. Lý Nam Đế dẫn ba vạn quân ra chống giặc ở vùng Chu Diên (Hưng Yên) và xây dựng thành lũy ở cửa sông Tô Lịch để chống giặc. Do lực lượng không cân sức nên phải rút quân về động Khuất Lão (Tam Nông, Phú Thọ ngày nay) và mất tại đây.

Sau khi vua Lý Nam Đế mất, Lý Phật Tử cùng với người anh họ là Lý Thiên Bảo ngầm mưu khởi binh giao chiến với vua Triệu Quang Phục. Hai người bị thua ở cửa sông Tô Lịch và Gia Ninh nên đã rút quân về Chương Mỹ dựng đồn lũy phòng ngự.

Màn sử thi tôn vinh công đức nhị vị đức thánh đình Mai Dịch

Sau khi nhận được lời giáo huấn của Thần nhân ở động Hương Tích, Lý Phật Tử và Lý Thiên Bảo liền chỉnh đốn binh mã tiến xuống phía Đông giao chiến với Triệu Việt Vương ở huyện Thái Bình. Quân của cả hai lại thua trận, xin cầu hòa. Triệu Việt Vương không nỡ, bèn cắt đất chia ranh giới cho Phật Tử ở bãi Quân Thần.

Sau đó, Lý Phật Tử cho con trai là Nhã Lang xin cầu hôn với con gái Triệu Việt Vương là Cảo Nương, Việt Vương đồng ý. Nhã Lang lừa dối Cảo Nương lấy cắp móng rồng rồi bày mưu đánh úp Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương thua trận chạy về cửa biển Đại Nha rồi tự vẫn.

Lý Phật Tử lên ngôi đổi niên hiệu là Thiên Đức. Sau đó nhà Tùy sai Lưu Phương dẫn binh sang xâm lược. Lý Phật Tử hội họp văn võ kéo xuống chân thành. Hai vương chia quân làm hai cánh chống lại nhưng bị đại bại và Lý Phật Tử bị bắt về phương Bắc và mất tại đây.

Đến đời vua Lý Thái Tông, các quan trong triều xét công ban thưởng cho trung thần tiết nghĩa giữ nối dòng dõi, bộ Lễ viết sắc phong cho Lý Phật Tử được thờ tại 147 đền thờ trong đó có đình Mai Dịch. Các triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn đều ban sắc phong tặng cho Thượng đẳng phúc thần Lý Phật Tử.

Màn sử thi tôn vinh công đức nhị vị đức thánh đình Mai Dịch

Ngoài Lý Phật Tử, đình Mai Dịch còn phối thờ danh nhân Nguyễn Khả Trạc (1598 - 1672). Ông là một trong những người đầu tiên khai lập nên làng Mai Dịch xưa (nay là phường Mai Dịch).

Vào năm Tân Mùi niên hiệu Đức Long đời Vua Lý Thần Tông (1631), làng có cụ Nguyễn Văn Trạc (hay Khả Trạc) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, sau làm quan đến Công bộ Thượng thư, tước Hầu. Cụ nổi tiếng là vị quan thanh liêm với nhiều công tích phục vụ đất nước và nhân dân trải suốt 4 triều vua Lê. Sau này, khi về hưu cụ Nguyễn Khả Trạc mở trường dạy học ở Mai Dịch.

Cụ cũng được biết đến như người có công rất lớn trong việc củng cố, phát huy thuần phong mỹ tục, tổ chức xây dựng hương ước của làng cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương thời điểm bấy giờ. Năm 1672, cụ Nguyễn Khả Trạc qua đời, thọ 75 tuổi. Cụ được đích thân vua Lê Gia Tông ban sắc viếng và gia phong lên bậc Hộ Bộ Thượng thư.

Đình Mai Dịch đã Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật từ năm 1995

Hiện nay, đình Mai Dịch còn lưu giữ lại được cuốn Thần phả và 9 đạo sắc phong của các triều Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Ngoài ra, đình còn lưu giữ được một bộ di vật văn hóa lịch sử khá phong phú, mang giá trị nghệ thuật và lịch sử cao, thuộc phong cách nghệ thuật thế kỉ XVIII - XIX gồm hương án, long ngai, bài vị, hạc thờ, bát bửu, án văn, cuốn thư, hoành phi, câu đối ...

Một trong những di vật có giá trị đáng lưu ý ở đình là tấm bia đá Cung phụng bi kí có niên đại Cảnh Hưng thập nhất niên, ngũ nguyệt thập nhị bát nhật, dựng năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760).

Nội dung bia là những quy ước về việc cúng tế, chuyển giao phần việc, định lệ bán vé và phân chia “lộc thánh” trong từng kỳ Lễ, Tiết hàng năm ở trong làng. Giá trị lịch sử và kiến trúc của di tích là vốn quý giá trong việc giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước và lòng tự hào về tài năng sáng tạo của cha ông.

Nam Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/dinh-mai-dich-ha-noi-di-tich-lich-su-doc-dao-tho-nhan-than-hau-ly-nam-de-d189380.html