Định hướng phát triển theo nhóm ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ngày 14/9/2023, Thủ tướng ban hành Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Định hướng phát triển theo nhóm ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như sau:

- Nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản: Tăng tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường vào sản xuất. Kết hợp phương pháp sản xuất truyền thống và hiện đại nhằm bảo tồn, phát huy các sản phẩm đặc trưng vùng, miền, địa phương. Cải tiến quy trình sản xuất theo chuỗi, đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và hướng tới xuất khẩu.

- Nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ: Tạo các mẫu mã sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; phát triển sản xuất theo hướng làm quà tặng, đồ lưu niệm phục vụ đối tượng khách du lịch. Tăng cường liên kết giữa các làng nghề thủ công mỹ nghệ, kết hợp các nguyên liệu, vật liệu tạo ra các sản phẩm mới, độc đáo, có tính nghệ thuật, có khả năng sử dụng cao. Nghiên cứu, khuyến khích sử dụng nguyên liệu mới có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện với môi trường thay thế cho các nguyên liệu truyền thống đang dần khan hiếm. Tạo điều kiện hỗ trợ nghệ nhân, thợ giỏi và người lao động tham gia các khóa học thiết kế mẫu mã, tạo hình, phối màu, phối hợp chất liệu trong sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

- Nhóm xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn: Nâng cao năng lực các cơ sở xử lý, chế biến tạo ra các loại nguyên liệu mới, phù hợp với xu hướng phát triển của ngành nghề nông thôn; nhất là sản xuất nguyên liệu tái chế, thân thiện với môi trường và thay thế cho nguyên liệu nhập khẩu. Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn được cấp chứng chỉ bền vững gắn với các nhà máy sơ chế, chế biến, sản xuất các sản phẩm ngành nghề nông thôn, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hình thành các điểm sơ chế, chế biến các nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn.

- Nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ: Tập trung sản xuất các sản phẩm có tiềmnăng, có tính thương mại cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Kết hợp các nguyên liệu, vật liệu khác nhau, tạo ra các sản phẩm mới đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, kích thước.

- Nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh: Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh, hướng tới hình thành ngành kinh tế xanh. Đa dạng các sản phẩm mới, độc đáo phù hợp với văn hóa, nhu cầu của người dân. Hình thành các hiệp hội sinh vật cảnh, tạo sân chơi cho nghệ nhân, người chơi chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp sản xuất, kinh doanh. Nghiên cứu, nhân giống, lai tạo, thiết kế và chế tác tạo các sản phẩm đặc sắc, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

- Nhóm sản xuất muối: Hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất muối ở các địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi, hình thành vùng sản xuất muối tập trung, quy mô lớn gắn với chế biến, thu hồi các sản phẩm sau muối. Bảo tồn và phát triển các phương pháp sản xuất, chế biến muối thủ công; giữ gìn giá trị truyền thống và nâng cao giá trị hạt muối. Liên kết các ngành chế biến thực phẩm, y tế, công nghiệp hóa chất, khai thác biển; xây dựng các mô hình đồng muối sạch, đẹp gắn với du lịch làng nghề, du lịch sinh thái. Phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề diêm dân theo hướng liên kết chuỗi giá trị; đa dạng hóa các sản phẩm muối, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu.

- Nhóm dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn: Hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân cung cấp các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh của người dân ở nông thôn. Đa dạng hóa các loại hình và mở rộng quy mô các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống ở khu vực nông thôn; chuyển dịch cơ cấu từ sản xuất nông nghiệp sang cung cấp các loại dịch vụ, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân khu vực nông thôn.

HL.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-sach-moi/dinh-huong-phat-trien-theo-nhom-nganh-nghe-nong-thon-den-nam-2030-tam-nhin-den-nam-2045/179934.htm