Định hướng để An Giang phát triển

Việc lập quy hoạch nói chung và quy hoạch tỉnh nói riêng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt. Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tiền đề, nền tảng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) cho tỉnh trong 30 năm tới.

Hội nghị lấy ý kiến quy hoạch tỉnh An Giang. Ảnh: HỮU HUYNH

Quy hoạch phát triển

UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị báo cáo giữa kỳ lấy ý kiến quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trước đó, tháng 10/2021, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị xây dựng Khung định hướng chiến lược phát triển để tích hợp vào quy hoạch tỉnh An Giang. Về cơ bản, đã xác định được phương án, tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển dài hạn của tỉnh đến năm 2050.

Lần này, đơn vị tư vấn báo cáo dự thảo quy hoạch tỉnh được chuẩn bị khá công phu, toàn diện, hệ thống với các cứ liệu có giá trị thuyết phục. Các nhận xét, đánh giá tương đối đầy đủ hiện trạng, dự báo tình hình và đưa ra định hướng phát triển cho tỉnh thời gian tới. Cùng với ý kiến phản biện của các chuyên gia, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức; góp ý của các sở, ngành, đặc biệt là ý kiến rất sâu sắc của các đồng chí nguyên lãnh đạo Trung ương, tỉnh… Qua đó, đã làm rõ những tiềm năng, lợi thế phát triển, những khó khăn, thách thức đặt ra, để định hướng phát triển tỉnh An Giang phù hợp với tiềm năng, lợi thế.

“Đây là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý để chính quyền các cấp sử dụng trong hoạch định cơ chế, chính sách, xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển KTXH, hướng tới phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường và đảm bảo phát triển bền vững trong dài hạn”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết.

Mục tiêu tổng quát quy hoạch đến năm 2030, An Giang sẽ là tỉnh phát triển khá ở ĐBSCL, kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; không gian KTXH được tổ chức hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại, du lịch. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy; chất lượng môi trường được đảm bảo; tiềm lực quốc phòng - an ninh được giữ vững. Là trung tâm sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản nước ngọt ứng dụng công nghệ cao và là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ ở ĐBSCL…

Quy hoạch đến năm 2050, An Giang trở thành trung tâm công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm của vùng ĐBSCL, dựa trên nền tảng sản xuất nông - thủy sản, hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; đích đến của nhà đầu tư sản xuất - kinh doanh nông nghiệp, chế biến thực phẩm lớn; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của khu vực ĐBSCL với thị trường Campuchia và các nước; giữ gìn và phát huy các đặc sắc về du lịch tâm linh, sinh thái kết hợp với thương mại, nông-thủy sản và các giá trị văn hóa - lịch sử đặc trưng…

Những đóng góp tâm huyết

Là người có nhiều gắn bó với An Giang, ông Nguyễn Văn Giàu (nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) cho rằng, An Giang có vị trí quan trọng trong phát triển vùng và cả nước, nên việc lập quy hoạch cần có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, nâng cao giá trị theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng ĐBSCL, trong đó kết nối với hội nhập quốc tế. Xây dựng quy hoạch cần lựa chọn phương án phù hợp, đồng thời có cơ chế hợp lý. Kiến nghị Trung ương nên xem lại việc phân bổ quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, sơ đồ điện, phân bón… để tạo động lực phát triển cho vùng và địa phương.

Ảnh: NGÔ CHUẨN

PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương) lưu ý, quy hoạch An Giang thì ngoài lịch sử, thực trạng còn phải thể hiện được vị thế đang thay đổi rất mạnh của An Giang. Quy hoạch lần này là cơ hội lịch sử để An Giang phát triển mang tính bước ngoặt, trong đó phải tháo gỡ rào cản. Cần tạo lập chân dung phát triển mới, phù hợp xu thế thời đại, tương xứng tầm nhìn quốc gia và đáp ứng khát vọng của An Giang trong giai đoạn mở cửa hội nhập, cạnh tranh quyết liệt.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, quy hoạch tỉnh lần này được xây dựng trên cơ sở những quy định pháp lý mới, với cách tiếp cận và phương pháp tích hợp liên quan tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương. Đây là sản phẩm của tỉnh với trách nhiệm tham gia xây dựng của nhà thầu tư vấn và là căn cứ khoa học, công cụ pháp lý để chính quyền các cấp chỉ đạo, điều hành, quản lý…

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho rằng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, công tác lập quy hoạch rất quan trọng để thúc đẩy An Giang phát triển. Do đó, các sở, ban, ngành, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, tích cực phối hợp liên danh nhà thầu - tư vấn để điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch, đồng thời bám sát quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch ĐBSCL, sớm hoàn chỉnh quy hoạch phát triển tỉnh An Giang.

Lưu ý, quy hoạch phải phù hợp với thế mạnh, tiềm năng của tỉnh và quan tâm đến yếu tố địa chính trị, kinh tế, lịch sử, gắn với các đặc điểm về: Biên giới, dân tộc, tôn giáo, truyền thống văn hóa, vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh của ĐBSCL và cả miền Nam; lợi thế của tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long và hạ nguồn dòng Mekong.

“Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, phối hợp triển khai các bước tiếp theo và hoàn chỉnh quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng cao nhất. Đây là tiền đề, nền tảng quan trọng cho các định hướng phát triển của tỉnh thời gian tới”- Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh.

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dinh-huong-de-an-giang-phat-trien-a329054.html