Định hình tương lai phát triển

Từ sau năm 1975 đến nay, các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã ở nước ta đã trải qua nhiều lần chia tách và sáp nhập, phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu: phấn đấu đến năm 2030, các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã được sắp xếp phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Vì vậy, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 được xem là việc quan trọng, đóng vai trò quyết định trong nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng sống của người dân địa phương. Giai đoạn này, cả nước có 50 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp lại, dự kiến sau sắp xếp giảm 14 đơn vị; có 1.243 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp lại, dự kiến sau sắp xếp giảm 619 đơn vị.

Trong đó, TPHCM đã và đang triển khai quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã nhằm mục đích tối ưu hóa tổ chức bộ máy, giảm chi phí ngân sách, mở rộng không gian phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh. Cụ thể, giai đoạn 2019-2021, TPHCM đã tiến hành sắp xếp và tái cấu trúc một cách đáng kể, với việc giảm số lượng đơn vị hành chính cấp huyện từ 24 xuống còn 22 và số lượng đơn vị cấp xã từ 322 xuống 312. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của TPHCM nằm ở giai đoạn 2023-2030, khi có đến 80 phường thuộc 10 quận nằm trong diện phải sắp xếp lại.

Trong quá trình sắp xếp, dự báo TPHCM gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Việc điều chỉnh địa điểm giao dịch và thủ tục hành chính công có thể gây ra sự xáo trộn ban đầu trong đời sống hàng ngày của người dân và doanh nghiệp. Một thách thức khác là quản lý tài sản sau sắp xếp, từ việc xử lý tài sản, trụ sở dư thừa đến việc đầu tư trụ sở mới cần nhiều kinh phí. Không chỉ vậy, giải quyết số lượng lớn cán bộ, công chức và viên chức sau sắp xếp cũng là một thách thức đáng kể. TPHCM cũng cần quan tâm đến việc chọn tên gọi cho đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.

Dự báo những tác động trên, Thành ủy TPHCM ban hành Chỉ thị 31 về lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2030. TPHCM cân nhắc, xem xét toàn diện, căn cứ vào thực tiễn và các yếu tố tác động có liên quan, các mặt thuận lợi, khó khăn, các yếu tố đặc thù để xây dựng đề án sắp xếp đơn vị cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố. TPHCM cũng xác định rõ ràng rằng không vì thực hiện sắp xếp mà gây xáo trộn lớn, ảnh hưởng đến đời sống người dân, sự ổn định và phát triển TPHCM.

Với mục tiêu này, TPHCM cần nhiều giải pháp cụ thể, cả trước mắt và lâu dài. Thứ nhất, thành phố tiến hành sắp xếp dựa trên đặc thù của mỗi khu vực, đảm bảo mọi quận, phường, xã đều được phân bố cơ sở hạ tầng và dịch vụ công bằng nhất có thể. Thứ hai, việc sắp xếp cũng phải kết hợp chặt chẽ với quy hoạch và chiến lược phát triển của thành phố, nhằm đảm bảo rằng việc điều chỉnh không ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển. Thứ ba, TPHCM xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cả hai giai đoạn 2023-2025 và 2025-2030 được thực hiện một lần nhằm tránh gây ra sự bất ổn cho người dân.

Vượt qua thách thức bằng những giải pháp hữu hiệu, quá trình sắp xếp đơn vị hành chính ở TPHCM sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển gắn với quy hoạch, chiến lược phát triển thành phố. Việc tối ưu hóa tổ chức bộ máy, cải thiện chất lượng dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và dân cư sẽ là những động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của thành phố.

VĂN MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dinh-hinh-tuong-lai-phat-trien-post735703.html