Định giá thị trường không còn rẻ, chuyên gia chỉ cách 'đãi cát tìm vàng'

Các chuyên gia đánh giá thị trường chứng khoán đang tiếp tục tăng trưởng tích cực với dòng tiền dồi dào, tuy nhiên mức định giá đã cao hơn và nhà đầu tư cần phải chọn lọc kỹ hơn những nhòm cổ phiếu tiềm năng, có mức định giá hấp dẫn để đầu tư.

Ông Hồ Quốc Tuấn và ông Trần Thăng Long tại Talkshow Phó Tài chính

Dòng tiền chảy mạnh vào TTCK

Thanh khoản thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay đã tốt lên đáng kể so với mức trung bình của năm 2023. Mỗi phiên giao dịch đạt trung bình 900 triệu USD đến 1 tỷ USD, thậm chí nhiều phiên đạt 1,3 – 1,5 tỷ USD. Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá mức thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam vừa qua còn tốt hơn một số thị trường đã được đánh giá là thị trường mới nổi theo phân loại của FTSE.

Về nguyên nhân dẫn đến dòng tiền dồi dào hơn trên thị trường, theo ông Trần Thăng Long thứ nhất do nhà đầu tư đang nhìn thấy triển vọng tương lại tốt hơn khi những khó khăn đã phản ánh vào diễn biến của thị trường trong thời gian qua và giờ là cơ hội để đón xu hướng tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp.

Ngoài ra, dòng tiền còn được kích hoạt bởi mặt bằng lãi suất đang khá thấp. Lãi suất tiết kiệm thời hạn 12 tháng trung bình tại các ngân hàng đang ở quanh mức 5%/năm. Trong khi đó, chỉ số E/P (chỉ số đảo ngược của P/E) của thị trường chứng khoán hiện đạt khoảng 6,78%.

“Nếu kinh tế phục hồi, lợi nhuận doanh nghiệp tăng khoảng 17% như dự đoán của BSC, chỉ số E/P có thể tăng lên 7,8% - một mức chênh lệch tương đối lớn so với tiền gửi tiết kiệm hiện nay. Đây là lý do khiến dòng tiền tham gia nhiều vào thị trường chứng khoán hơn”, ông Trần Thăng Long cho biết.

TS Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp, Đại học Bristol (Anh) cũng đánh giá dòng tiền trong thời gian qua chảy vào thị trường chứng khoán tương đối khỏe và bền vững. Theo ông, các nhà đầu tư đang kỳ vọng về sự cải thiện của nền kinh tế và sự phục hồi của doanh nghiệp.

“Họ không nhìn thấy những rủi ro về suy thoái kinh tế hay vỡ nợ ngân hàng xảy ra như dự báo trước đó. Điều này đã thúc đẩy dòng tiền lành mạnh, khi mà nhà đầu tư hiện vẫn chưa sử dụng đòn bẩy nhiều”, TS Hồ Quốc Tuấn cho biết.

Theo ông, dòng tiền chảy vào thị trường trong thời gian qua đến từ nhóm nhà đầu tư có kinh nghiệm với nhiều kỳ vọng vào thị trường. Đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, sau những biến động xảy ra trên thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung, phần nào nhóm nhà đầu tư này vẫn còn nghi ngờ về thị trường, do đó sẽ giải ngân tiền ở khu vực an toàn hơn, phục hồi tốt hơn.

Theo ông, dòng tiền có thể mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới, qua đó gia tăng thanh khoản thị trường. Tại các thị trường thế giới, nhà đầu tư đã bắt đầu sử dụng đòn bẩy nhiều hơn.

“Đãi cát tìm vàng” hiệu quả khi thị trường đã tăng mạnh

Theo ông Trần Thăng Long, thông thường một chu kỳ tăng trưởng đủ dài sẽ luôn có sự xoay chuyển giữa các nhóm ngành, giữa các nhóm cổ phiếu. Với những chính sách vĩ mô hiện tại, đại diện BSC đã chỉ ra những nhóm ngành tiềm năng, phù hợp với câu chuyện của năm 2024.

Thứ nhất là nhóm ngành liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Ông Trần Thăng Long cho biết, Việt Nam là nước có nền kinh tế mở, có nhiều hiệp định FTA với nhiều hoạt động thương mại với các quốc gia lớn.

“Trong năm ngoái, hoạt động xuất nhập khẩu bị suy giảm tương đối lớn, nhưng năm nay các doanh nghiệp đang dần có đơn hàng trở lại và kỳ vọng ngành này sẽ dần phục hồi. Thêm vào đó, Việt Nam cũng đã thực hiện nâng cấp đối tác chiếc lược với nhiều quốc gia lớn trên thế giới. Dòng vốn FDI được kỳ vọng tiếp tục chảy và Việt Nam. Những ngành như bất động sản khu công nghiệp, logistics…sẽ được hưởng lợi khá nhiều”, ông Trần Thăng Long cho hay.

Nhóm thứ hai theo ông là những doanh nghiệp liên quan đến hạ tầng. Theo đó, Việt Nam đang xác định phát triển hạ tầng là một trong những giải pháp mũi nhọn của nền kinh tế, được thúc đẩy bởi các chính sách đầu tư. Trong năm 2023, Việt Nam đã giải ngân khoảng 660.000 tỷ đồng và kế hoạch được đề ra ở mức tương đương cho năm 2024. Đại diện BSC cho rằng những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, cung cấp nguồn vật liệu,… sẽ phát triển theo triển vọng này.

Nhóm ngành cuối cùng liên quan đến việc các luật được sửa đổi như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản. Với kỳ vọng thanh khoản thị trường bất động sản tốt dần lên, những ngành nghề trong nền kinh tế nhờ vậy cũng tăng trưởng tốt lên như ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán hay bảo hiểm.

Còn theo TS Hồ Quốc Tuấn, mặc dù các luật sửa đổi đã được thông qua cùng những chính sách hỗ trợ khác, tuy nhiên các yếu tố này có khiến thị trường bất động sản khởi sắc hay không vẫn là một ẩn số.

“Chính diễn biến chậm chạp của nhóm ngành bất động sản cùng với mức nền thấp sẽ khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng về sức bật của nhóm ngành này so với các ngành khác”, TS Hồ Quốc Tuấn cho biết.

Vị chuyên gia này cũng bổ sung thêm 1 số nhóm ngành tiềm năng về triển vọng dài hạn là nhóm về công nghệ thông tin và nhóm ngành hỗ trợ liên quan đến FDI như bất động sản khu công nghiệp.

TalkShow Phố Tài chính là chương trình truyền hình cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin chính thống, đa chiều và các kiến thức chuyên sâu về thị trường tài chính - chứng khoán. Chương trình được phát sóng vào lúc 18h30 thứ Hai hàng tuần trên VTV8 và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội của Talkshow Phố Tài chính.

Hải Đường

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/dinh-gia-thi-truong-khong-con-re-chuyen-gia-chi-cach-dai-cat-tim-vang-20180504224296554.htm