Định giá P/E chứng khoán về 12x liệu đã rẻ?

Kinh tế trưởng SSI cho rằng cần phải nhìn thêm vào triển vọng kinh tế và kết hợp nhiều chỉ báo để xem xét các mức định giá hay ra quyết định đầu tư.

Thị trường chứng khoán gần đây có sự hồi phục đáng kể khi nhà đầu tư nhắc nhiều đến từ khóa định giá rẻ, nói về chỉ số định giá dự phóng P/E (price to earnings) để làm cơ sở cho các quyết định mua bán cổ phiếu trên thị trường.

Thực tế định giá P/E của thị trường hồi đầu năm từng đạt mức rất cao trên 19x để rồi sau đó bị điều chỉnh mạnh. Chỉ số này có thời điểm lao thẳng đứng về vùng 12x trước khi bật tăng trở lại. Thị trường rất ít khi rơi về vùng định giá này kể từ 2016 đến nay.

"Đúng là thời điểm vừa qua định giá P/E forward cho năm 2022 của thị trường có rơi về khoảng 12x", Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng SSI xác nhận trong chương trình Bí mật đồng tiền.

Định giá P/E của thị trường một năm gần nhất. Đồ thị: SSI.

Định giá P/E của thị trường một năm gần nhất. Đồ thị: SSI.

Tuy nhiên chuyên gia chứng khoán lập luận nhà đầu tư không nên nhìn chỉ số P/E một cách máy móc, đơn giản mà phải hiểu sâu hơn. Trong điều kiện thị trường không thay đổi thì P/E ở 12x là mức rẻ.

Với thị trường trong nước, các nhà phân tích đang giả định phần E ở dưới giữ nguyên. Trong khi thực trạng chứng khoán Việt Nam đang giảm giá nên phần P đã suy giảm, do đó chỉ số P/E của thị trường mặc nhiên xuống thấp.

"Thế nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận lại là triển vọng kinh tế thế giới hiện nay đang đi vào xu hướng khá xấu, và nếu tình hình càng xấu hơn như lạm phát tăng cao, biên lợi nhuận các doanh nghiệp giảm thì phần E cũng có thể giảm", ông chỉ ra.

Kinh tế trưởng SSI nhấn mạnh giá dầu tăng cao bởi cấm vận có thể khiến triển vọng kinh tế thế giới năm 2022 tăng trưởng ở mức thấp hơn và lạm phát ở mức cao hơn, hoàn toàn có khả năng gây rủi ro suy thoái từ năm 2023.

Do vậy, nhà đầu tư sau này sẽ nhận ra mức P/E hiện tại có thể không phải là 12x như dự báo mà hoàn toàn có thể là 14-15x, bởi phần E khả năng sẽ ở mức thấp một khi triển vọng kinh tế, triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp xấu đi.

Vị này còn chỉ ra một kinh nghiệm ở thị trường Mỹ sẽ áp dụng quy tắc 20, tức là tính toán phép cộng giữa P/E forward với chỉ số CPI. Nếu phép cộng này cho ra kết quả 20 thì thị trường đang ở định giá vừa phải, cao hơn 20 thì có nghĩa bắt đầu đắt dần và dưới 20 là đang rẻ.

"Nhà đầu tư nên nhìn rộng nhiều chỉ số kết hợp chứ không nên áp dụng một chỉ số riêng lẻ trong đầu tư", Kinh tế trưởng SSI khuyến nghị.

Thị trường chứng khoán không chỉ được dẫn dắt bởi định giá mà còn vấn đề tâm lý. Khi yếu tố định giá đã được các nhà đầu tư chuyên nghiệp khẳng định là hấp dẫn thì tâm lý của các nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện vẫn chưa hoàn toàn ổn định.

Thống kê từ HoSE cho thấy giá trị giao dịch bình quân một phiên của thị trường cổ phiếu trong tháng 5 chỉ đạt 14.951 tỷ đồng, giảm 21% so với mức nền thấp của tháng 4. Trong khi thanh khoản bình quân trước đây có thời điểm đạt kỷ lục 25.000-30.000 tỷ đồng/phiên.

Ông Hưng thừa nhận yếu tố tâm lý có ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường. Tuy nhiên đây không phải là yếu tố duy nhất mà còn có sự cộng hưởng của các yếu tố khác, chẳng hạn cơ quan quản lý thanh lọc thị trường nên các phần thanh khoản "bị thanh lọc" cũng rời khỏi thị trường...

Huy Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dinh-gia-pe-chung-khoan-ve-12x-lieu-da-re-post1322686.html