Định giá chủ sở hữu TikTok giảm 1/4 còn 300 tỉ USD sau đợt mua lại cổ phiếu gần nhất

Định giá ByteDance - chủ sở hữu TikTok, đã giảm 1/4 trong năm qua xuống còn 300 tỉ USD, dựa trên thương vụ mua lại cổ phiếu mới nhất của công ty.

Việc định giá diễn ra khi đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của ByteDance vẫn đang diễn ra, theo hai nguồn tin riêng biệt về kế hoạch.

Một nguồn tin nói với tờ SCMP rằng cuộc họp cổ đông bất thường được lên kế hoạch cuối tháng này để bỏ phiếu về việc mua lại cổ phiếu và các đề xuất khác, bao gồm cả kế hoạch tăng vốn cổ phần được ủy quyền của ByteDance.

Kỳ lân giá trị nhất Trung Quốc đang lập ngân sách lên tới 3 tỉ USD để mua lại cổ phần từ các nhà đầu tư hiện tại với giá 177 USD mỗi cổ phiếu, theo các nguồn tin.

Định giá ByteDance đã giảm từ mức cao nhất là 400 tỉ USD vào năm ngoái khi công ty được cho đang tìm cách niêm yết ở New York (Mỹ) hoặc Hồng Kông. Đầu năm nay, ByteDance được giao dịch ở mức định giá khoảng 300 tỉ USD trên thị trường cổ phần tư nhân, tờ SCMP đưa tin.

Đây sẽ là lần đầu tiên ByteDance đề nghị mua lại cổ phiếu từ các nhà đầu tư của mình. SCMP đã huy động được ít nhất 9,4 tỉ USD từ các quỹ nổi tiếng như Coatue Management và General Atlantic, nhưng một đợt IPO - được coi là lối thoát hiệu quả - có thể sẽ không sớm xảy ra.

Julie Gao, Giám đốc tài chính ByteDance, nói với các nhân viên vào đầu tháng này rằng họ không có kế hoạch niêm yết cổ phiếu.

Trong khi đó, ByteDance thường xuyên mua lại cổ phần từ nhân viên của mình. Vòng cuối cùng, vào tháng 4.2022, ByteDance đặt giá mua lại là 142 USD cho mỗi cổ phiếu. Gần đây, ByteDance đã giảm giá quyền chọn cổ phiếu được cấp cho nhân viên xuống còn 155 USD, giảm 20% so với năm 2021.

Được thành lập cách đây một thập kỷ bởi Trương Nhất Minh tại khu dân cư ở thủ đô Bắc Kinh, ByteDance đã phát triển thành kỳ lân có giá trị cao nhất thế giới, ngay cả khi chỉ được định giá 300 tỉ USD. Vào năm 2021, Trương Nhất Minh đã trao lại vai trò giám đốc điều hành và chủ tịch của mình cho người bạn cùng phòng tại trường đại học và đồng sáng lập Liang Rubo.

Dưới sự dẫn dắt của Liang Rubo, ByteDance đã thực hiện chiến dịch “tăng cường cơ bắp và giảm mỡ”, tăng đầu tư vào các doanh nghiệp có lãi trong khi thu nhỏ hoạt động thua lỗ.

Sau khi Trung Quốc cấm dạy thêm cho học sinh vì lợi nhuận vào mùa hè năm ngoái, ByteDance cắt giảm đáng kể hoạt động kinh doanh giáo dục và giảm một nửa đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Do nền tảng video ngắn Douyin (phiên bản TikTok ở Trung Quốc) của ByteDance có hơn 600 triệu người dùng hoạt động hàng ngày ở Trung Quốc, nên bất kỳ đợt IPO nào bên ngoài nước này đều có thể phức tạp bởi một quy tắc mới, có hiệu lực vào tháng 2.2022. Quy tắc yêu cầu các nền tảng xử lý dữ liệu của hơn 1 triệu người dùng phải trải qua quá trình đánh giá an ninh mạng trước khi niêm yết ở nước ngoài.

Trên thị trường quốc tế, sản phẩm đặc trưng của ByteDance là TikTok đang phải đối mặt với sự giám sát gắt gao nhất kể từ thời chính quyền ông Donald Trump, về bảo mật dữ liệu và các mối liên hệ được nhận thấy với chính phủ Trung Quốc.

Tại các thị trường quốc tế, sản phẩm đặc trưng của ByteDance là TikTok đang phải đối mặt với sự giám sát gắt gao nhất - Ảnh: Shutterstock

Tuần trước, một số thượng nghị sĩ Mỹ đã đặt câu hỏi với Vanessa Pappas, Giám đốc vận hành hành TikTok, người nói rằng ứng dụng video duy trì kiểm soát truy cập nghiêm ngặt với dữ liệu khách hàng của mình.

TikTok lặp đi lặp lại rằng chưa bao giờ cung cấp dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc, điều mà Vanessa Pappas nói lại trong phiên điều trần về tác động của mạng xã hội với an ninh quốc gia.

Vanessa Pappas nói với các thượng nghị sĩ Mỹ rằng: “TikTok có kiểm soát truy cập rất nghiêm ngặt với loại dữ liệu mà họ có thể truy cập và nơi dữ liệu đó được lưu trữ, ở đây là Mỹ. Trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ không cung cấp dữ liệu đó cho Trung Quốc”.

Trong khi ByteDance được thành lập tại Trung Quốc, Vanessa Pappas cho biết TikTok “không có trụ sở chính thức như một công ty toàn cầu”. TikTok được đăng ký tại Quần đảo Cayman và có nhân viên ở Trung Quốc.

Phần lớn ban lãnh đạo của TikTok là ở Singapore, bao gồm cả Giám đốc điều hành Shou Zi Chew, người được bổ nhiệm vào vị trí này vào tháng 5.2021. Ông Shou Zi Chew đã tiếp quản vai trò của bà Vanessa Pappas, từng là Giám đốc điều hành TikTok tạm thời sau khi ông Kevin Mayer từ chức vào tháng 8.2020.

Josh Hawley, đảng viên Cộng hòa ở bang Missouri (Mỹ), đã hỏi liệu có bất kỳ nhân viên TikTok nào là đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không. Vanessa Pappas trả lời: “Tất cả những người đưa ra quyết định chiến lược tại nền tảng này đều không phải là thành viên của ĐCSTQ”.

Vanessa Pappas cũng trả lời câu hỏi về các bài viết gần đây của truyền thông. Trang BuzzFeed News đăng bài viết hồi tháng 6 rằng dữ liệu của người dùng TikTok ở Mỹ đã bị truy cập nhiều lần từ bên trong Trung Quốc, nơi công ty có quản trị viên chính được quyền truy cập vào mọi thứ. Vanessa Pappas gọi những cáo buộc này là vô căn cứ và nói rằng "một tài khoản chính không tồn tại".

Tháng trước, trang Forbes đã công bố câu chuyện về 300 nhân viên TikTok hiện tại làm việc cho các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc. Vanessa Pappas cho biết bà “sẽ không thể nói về đảng phái chính trị của bất kỳ cá nhân nào và rằng công ty đang bảo vệ dữ liệu ở Mỹ”.

ByteDance được rót vốn bởi các nhà đầu tư mạo hiểm như Sequoia Capital, General Atlantic và Hillhouse Capital Group. Tuy nhiên, ByteDance gặp nhiều khó khăn trong thời kỳ Trung Quốc siết quy định với các công ty internet trong nước và bị chính phủ Mỹ nghi ngờ.

TikTok cũng bị cấm bởi chính phủ Ấn Độ sau cuộc giao tranh ở biên giới giữa quân đội hai nước vào năm 2020, buộc ứng dụng phải ra khỏi thị trường lớn nhất về số lượng người dùng thường xuyên (200 triệu).

ByteDance cân nhắc việc IPO TikTok trong nhiều năm qua và cũng dự tính IPO riêng cho Douyin cùng các doanh nghiệp Trung Quốc ở Hồng Kông. Thế nhưng, cả hai kế hoạch đều liên tục bị tạm dừng khi Bắc Kinh tăng cường giám sát các gã khổng lồ internet và mới đây là đà giảm giá mạnh của cổ phiếu công nghệ.

Mức định giá 300 tỉ USD với ByteDance vẫn hứa hẹn mang lại lợi nhuận đáng kể cho các nhà đầu tư ban đầu như Sequoia Capital và Susquehanna International Group.

Lời đề nghị mua lại cổ phiếu ByteDance diễn ra trong bối cảnh các đối thủ lớn hơn là Alibaba và Tencent cũng đang có động thái tương tự khi các nhà đầu tư lớn như Warren Buffett và SoftBank Group Corp rút lui khỏi một số khoản đầu tư hấp dẫn nhất. Để giảm bớt tâm lý tức giận của thị trường chung, Tencent đã mua lại cổ phiếu của họ giao dịch tại Hồng Kông gần như hàng ngày những tuần gần đây, trong khi Alibaba cam kết chi 25 tỉ USD cho một đợt mua lại mới.

Việc Bắc Kinh siết quy định đã tác động xấu đến giá trị các hãng công nghệ ở Trung Quốc, có thời điểm xóa sổ hơn 1.000 tỉ USD giá trị từ những hãng công nghệ lớn niêm yết trên sàn. Các chính sách cứng rắn của Bắc Kinh khiến ByteDance phải đóng cửa hầu hết hoạt động giáo dục trực tuyến và giải tán công ty đầu tư mạo hiểm trong năm qua. Trong khi đó, sự giám sát mới của Mỹ về cách TikTok bảo vệ dữ liệu người dùng Mỹ cũng khiến ByteDance phải chi kỷ lục 2 triệu USD để vận động hành lang ở quý 2/2022.

Ngoài những khó khăn, ByteDance vẫn đang mở rộng sự hiện diện của mình trong nhiều ngành khác nhau. Ví dụ, công ty mở rộng chi nhánh thương mại điện tử TikTok Shop trên khắp Đông Nam Á và thử nghiệm dịch vụ giao đồ ăn ở Trung Quốc thông qua Douyin.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dinh-gia-chu-so-huu-tiktok-giam-1-4-con-300-ti-usd-sau-dot-mua-lai-co-phieu-gan-nhat-187203.html