Đình Cả trong tâm thức người Phùng Xá

PTĐT - Nằm song song với UBND xã trên trục đường chính thẳng vào làng, đình Cả là địa điểm rất dễ để du khách có thể đến tham quan. Đình được mở ra hướng Đông Nam rất thoáng mát. Theo đồng chí Nguyễn Huy Bình, Bí thư Đảng ủy xã: 'Từ khi được xây dựng đến nay, đình Cả được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, gần nhất là vào năm 2004'.

Là ngôi đình lớn nhất của xã Phùng Xá, đình Cả hay còn gọi là đình Hội là một trong rất nhiều đình làng trên địa bàn huyện Cẩm Khê có tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các danh tướng thời Hùng Vương.

PTĐT - Nằm song song với UBND xã trên trục đường chính thẳng vào làng, đình Cả là địa điểm rất dễ để du khách có thể đến tham quan. Đình được mở ra hướng Đông Nam rất thoáng mát. Theo đồng chí Nguyễn Huy Bình, Bí thư Đảng ủy xã: “Từ khi được xây dựng đến nay, đình Cả được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, gần nhất là vào năm 2004”. Phần cổng chính được thiết kế với hai trụ đứng, ba mặt tiền đều khắc chữ nho, phía trên là hình ảnh rồng cuốn mây được chạm trổ rất công phu. Đi qua một cánh cổng được sơn son thiếp vàng rất uy nghi du khách sẽ bước vào địa phận của đình và ngay lập tức bị cuốn vào không khí trang nghiêm, tĩnh mịch nơi đây.
Từ cổng vào du khách sẽ đi qua một khoảng sân đình khá rộng, đủ để tập trung hàng trăm người. Xưa đây, vốn là nơi diễn ra các cuộc họp cũng là nơi để dân làng tụ họp mỗi khi có công việc chung và tổ chức hội làng. Toàn bộ mái ngói và tường bao phủ đã ngả màu rêu xanh cổ kính. Những cánh cửa gỗ cũng nhạt màu theo thời gian. Ngôi đình trước kia có kiến trúc chữ đinh, hiện giờ còn lưu giữ được tòa hậu cung với kết cấu bộ khung gỗ 4 hàng chân cột. Phần mái đình được thiết kế theo kiểu mũi hài rất độc đáo, toàn bộ cửa ra vào đều được làm bằng gỗ và sơn màu.

Đình Cả thờ vọng bà Đào Tiên- công chúa đời Vua Hùng thứ 18. Ngoài ra, Đình còn thờ 2 vị thần là đức Muôn Khê và Đương Cảnh Đại Vương - tương truyền đây là hai vị người làng Phùng Xá đã có công giúp vua nhà Lý đánh giặc Tống xâm lược. Hiện nay trong đình còn lưu giữ được 7 đạo sắc phong, kiệu bát cống, bộ chấp kích, bát hương gỗ, đồ gốm sứ... Các đạo sắc phong là những tư liệu quý giúp các nhà nghiên cứu lịch sử tìm hiểu thêm về cuộc kháng chiến chống Tống của nhà Lý với các tướng lĩnh ở Phú Thọ.Là địa điểm có tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hàng năm cứ vào ngày mồng 9 và mồng 10 tháng Ba âm lịch, người dân trong xã lại nô nức mở hội. Lễ hội được chia làm 2 phần chính: Với phần lễ là các nghi lễ tế thần và thắp hương tưởng niệm của bà con và các du khách thập phương; phần hội là các trò chơi dân gian như nhảy bao bố, đập niêu, kéo co… và các hoạt động thể thao như bóng chuyền thu hút đông đảo bà con nhân dân và du khách thập phương. Ông Hoàng Quy Quyền, người dân khu Sậu chia sẻ: “Đối với người dân làng Sậu nói riêng và người dân Phùng Xá nói chung lễ hội đình Cả là dịp để mọi người tụ họp đông đủ thể hiện sự đoàn kết gắn bó, cũng là dịp để mỗi người tưởng nhớ tới công lao các vị danh tướng thời xưa đã có công dựng nước. Bên cạnh phần lễ được tổ chức trang nghiêm, thì phần hội với nhiều hoạt động cũng tạo không khí vui tươi phấn khởi đầu năm. Những ngày này, con cháu dù ở đâu xa cũng cố gắng trở về nhà tham gia vào lễ hội truyền thống của làng”.

Hà Thu

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/201910/dinh-ca-trong-tam-thuc-nguoi-phung-xa-167422