Điều trị và dự phòng cơn tái phát đau nửa đầu

Đau nửa đầu là bệnh thường gặp, nữ nhiều hơn nam. Bệnh khó điều trị dứt điểm và dễ tái phát. Khi cơn đau có mật độ dày và cấp độ đau mạnh cần được theo dõi và điều trị lâu dài…

1. Biểu hiện của bệnh đau nửa đầu

Đau nửa đầu hay còn gọi là đau đầu Migraine, thường xuất hiện ở một nửa bên đầu. Đau giật từng cơn theo nhịp mạch có cường độ trung bình hoặc nặng. Cơn đau có thể xuất hiện một bên hoặc hai bên đầu hoặc luân chuyển lúc bên này lúc bên kia; có thể thay đổi cường độ từ đau nhẹ thoáng qua đến đau dữ dội và kéo dài từ nhiều giờ đến vài ba ngày.

Cơn đau đầu có thể xảy ra đột ngột hoặc có các triệu chứng báo trước như: Hoa mắt, mờ mắt, chóng mặt, ù tai, nhìn một hình thành hai hình, nói khó, tê buốt da đầu. Cơn đau sẽ nặng lên khi người bệnh gắng sức: Di chuyển, ho, hắt hơi hoặc thay đổi tư thế đầu… Sau cơn đau đầu người bệnh thường cảm giác mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ.

Đây là bệnh rất thường gặp, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Các khảo sát trong cộng đồng trên thế giới cho thấy tỉ lệ lưu hành bệnh chiếm khoảng 15% ở phụ nữ và 5% ở nam giới. Hơn 75% người bị bệnh đau nửa đầu, trong gia đình họ cũng sẽ có người bị bệnh. Bệnh thường bắt đầu ở tuổi thanh thiếu niên. Độ tuổi thường gặp là từ 20 đến 50 tuổi, hiếm khi bắt đầu sau 60 tuổi.

Bệnh đau nửa đầu thường gặp ở người trưởng thành, nữ nhiều hơn nam.

2. Biện pháp điều trị đau nửa đầu

Đây là bệnh dễ chẩn đoán, chủ yếu dựa vào đặc điểm cơn đau đầu, triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng, bệnh đau nửa đầu thường bị chẩn đoán nhầm là đau đầu do căng thẳng, thiếu máu não, rối loạn tiền đình… Khi chẩn đoán nhầm, việc điều trị ít hiệu quả, dễ làm bệnh chuyển dạng nặng hơn, khó điều trị. Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ có kết quả tốt.

Bệnh đau nửa đầu có thể tái phát cơn gần như suốt đời, nên khi đã được chẩn đoán, người bệnh cần biết cách chăm sóc bản thân và nên thường xuyên có liên hệ với bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh. Khi cơn đau đầu tái phát, cần đến khám bệnh ở bệnh viện hay cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa để được điều trị tích cực.

Về dùng thuốc điều trị, mục tiêu là kiểm soát hoàn toàn cơn đau đầu. Trước hết cần phải chẩn đoán, đánh giá mức độ nặng của cơn đau để dùng thuốc điều trị hiệu quả ngay từ lần đầu.

2.1 Dùng thuốc cắt cơn đau nửa đầu cấp tính

Điều trị bệnh đau nửa cần thực hiện theo từng bước, từng giai đoạn. Dùng thuốc điều trị cơn đau cấp tính để cắt cơn đau. Các thuốc cắt cơn đau được sử dụng theo 5 bước sau đây, tùy theo cường độ cơn đau đầu.

- Bước 1 (đau vừa phải): Dùng thuốc giảm đau và chống nôn dạng uống. Một số thuốc giảm đau thường dùng như: Aspirine, paracetamol, ibuprofen, naproxen.

Phối hợp thuốc chống nôn: Metoclopramide hoặc domperidone.

Lưu ý: Không dùng aspirine cho trẻ em dưới 16 tuổi do nguy cơ làm gia tăng hội chứng Reye (là một dạng hiếm gặp của bệnh não cấp tính và gan nhiễm mỡ, hầu như chỉ xảy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi).

- Bước 2 (đau nặng): Giảm đau và chống nôn qua trực tràng bằng diclofenac và domperidone. Bước dùng thuốc này đối với bệnh nhân đau và nôn không dùng được thuốc đường uống. Mặc dù là thuốc dùng qua đường trực tràng, nhưng vẫn gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, do đó không dùng các trường hợp loét dạ dày, bệnh lý đại tràng; đang tiêu chảy.

- Bước 3 (đau nặng): Sử dụng các thuốc nhóm triptans. Nhóm này có nhiều loại thuốc và mỗi loại thuốc đáp ứng với cơn đau thay đổi tùy bệnh nhân.

Các thuốc thuộc nhóm triptans: Sulmatriptan, zolmitriptan, rizatriptan, naratriptan, almotriptan, eletriptan, fovratriptan. Thuốc không hiệu quả khi uống lúc mới chớm có cơn đau nửa đầu, do đó chỉ uống khi có cơn đau nặng. Có thể phối hợp metoclopramide hoặc domperidone để tăng hiệu quả cắt cơn đau.

Thuốc chống chỉ định với bệnh nhân tăng huyết áp; bệnh mạch vành; viêm động mạch; trẻ em dưới 12 tuổi.

- Bước 4 (đau dữ dội) - Phối hợp bước 1 và 3: Phối hợp thuốc sumatriptan và naproxen hiệu quả hơn một thuốc đơn độc. Nếu không hiệu quả, tức là không cắt được cơn đau, có thể phối hợp bước 2 và 3.

- Bước 5 (đau dữ dội): Dùng thuốc diclofenac phối hợp chlorpromazine hoặc metoclopramide.

- Dùng thuốc điều trị cơn đau tái phát: Để điều trị cơn đau tái phát, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc thuốc bước 1 và 2 với liều tối đa theo hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân không tự ý tăng liều. Nếu cơn đau kéo dài trên 3 ngày thì có thể phối hợp naproxen và diclofenac.

Với đau nửa đầu mạn tính, các chỉ định điều trị ngừa cơn đau cấp khi có một trong các yếu tố sau:

- Bệnh đau nửa đầu ảnh hưởng tới đời sống bệnh nhân mặc dù đã được điều trị cắt cơn.

- Các thuốc cắt cơn có chống chỉ định, không hiệu quả, không dung nạp hay có tình trạng lạm dụng thuốc.

- Có từ 2 cơn đau nửa đầu trở lên mỗi tuần.

Thuốc phòng ngừa cơn đau nửa đầu có nhiều loại, nhưng một số thuốc chỉ dùng theo kinh nghiệm của bác sĩ. Do đó, bệnh nhân cần được thăm khám định kỳ bởi bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh. Bác sĩ đã theo dõi quá trình bệnh sẽ có kinh nghiệm dùng thuốc phù hợp nhất.

Dùng thuốc điều trị đau nửa đầu phải qua từng bước và theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh.

2.2 Dùng thuốc điều trị đau nửa đầu mạn tính

Mục tiêu điều trị đau nửa đầu mạn tính nhằm cải thiện các hoạt động hằng ngày của bệnh nhân và giảm mức độ tổn thương.

Các nhóm thuốc có thể được kê đơn sử dụng:

Thuốc chống động kinh (valproic acid).
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (amitriptyline).
Thuốc ức chế beta (propranolol).
Thuốc ức chế kênh canxi (flunarizine).
Thuốc kháng viêm non steroid (naproxen), thuốc đồng vận serotonin…
Ngoài các thuốc trên, bệnh nhân hằng ngày có thể bổ sung đầy đủ các khoáng chất, vitamin…

Một số thực vật như: Hạt hướng dương, ginkgo biloba, gừng, bạc hà… cũng có thể được sử dụng trong bổ sung trong đau nửa đầu. Tuy nhiên, hiệu quả cũng chưa được đánh giá rõ rệt.

Với bệnh nhân không thể dùng thuốc, hoặc không đáp ứng điều trị với thuốc, có thể áp dụng một số biện pháp để giảm cơn đau cấp: Tư vấn tâm lý, giảm stress; tập yoga; bổ sung dinh dưỡng đầy đủ; tránh các chất phụ gia thực phẩm; tránh các mùi nồng độ nặng; tránh nơi ồn ào…

3. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị đau nửa đầu

- Do bệnh đau nửa đầu hay tái phát nên bệnh nhân có xu hướng lạm dụng thuốc, tự ý tăng liều. Đây là điều rất nguy hiểm, không những làm tăng tác dụng phụ của thuốc tăng mà việc điều trị lần sau sẽ khó hiệu quả hơn. Do đó người bệnh cần dùng đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian theo chỉ định của bác sĩ.

- Với điều trị phòng ngừa có thể kéo dài hơn 3 tháng, bệnh nhân nên kiên trì dùng thuốc.

- Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh có thể nằm nghỉ trong phòng tối, yên lặng với đầu kê gối; đắp khăn lạnh bên nửa đầu bị đau; tránh khói thuốc lá và mùi hôi nồng nặc; thư giãn, ngủ nếu có thể; cũng có thể dùng kỹ thuật thiền, yoga...

- Bệnh nhân cần tái khám đều đặn để bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh theo dõi trong thời gian dùng thuốc một cách cẩn thận, nhằm tránh các biến chứng đáng tiếc do dùng thuốc không đúng cách, làm bệnh chuyển sang dạng nặng, và khó trị.

Mời độc giả xem thêm video:

Nhận biết nguyên nhân và điều trị đau nửa đầu

BS. Lê Anh Tiến

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dieu-tri-va-du-phong-con-tai-phat-dau-nua-dau-169231214104029726.htm