Điều tra 'Công trường sa tặc' trong rừng ở Bình Thuận - Bài 2: Chủ đất tá hỏa vì vườn thành ao, hồ

Trên 'công trường sa tặc', những kẻ đào trộm cát còn cho người đắp chặn các suối có nguồn nước chảy trên địa bàn xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, Bình Thuận rồi dùng máy công suất lớn để bơm hút cát.

Trên số báo trước, chúng tôi phản ánh “công trường sa tặc” của ông Nguyễn Hữu Ch (ngụ xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) hoạt động rầm rộ xuyên Tết.

Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, việc khai thác cát bắt đầu từ năm 2020. Lúc đó, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19, ông Ch tự trang bị máy cày có kéo rơmoóc khai thác cát trong thửa đất 22 ha của mình rồi chở ra bán cho các điểm vật liệu xây dựng ở địa phương. Việc này giúp ông thu lợi hàng tỉ đồng, nhiều tiền hơn cả giá trị của thửa đất nói trên.

“Công trường sa tặc” của ông Nguyễn Hữu Ch ở thôn 3, xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân. Ảnh trong bài: MINH HẬU

Hút trộm dễ hơn mở mỏ

Đến năm 2022, do hút cát rầm rộ, người dân phản ứng mạnh, ông Ch bị cơ quan chức năng huyện Hàm Tân kiểm tra. Sau đó, ông cho trồng keo lại trên thửa đất, rồi làm thủ tục sang tên cho người thân của mình.

Tuy nhiên, cũng tại vị trí đó, ông Ch tiếp tục hút cát và biến khu vực này thành bãi tập kết khổng lồ. Từ bãi này, mỗi ngày ông Ch tiếp nhận cát do các máy cày hút trộm từ các mảnh vườn lân cận mang về.

Vườn tược của người dân bỗng biến thành những “mỏ cát” bất đắc dĩ.

Có nguồn cát khổng lồ, ông Ch chở cát đến bãi ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu do Tạ Văn H đứng tên để cung cấp cho những người có nhu cầu ở hướng, tuyến này.

Ghi nhận của chúng tôi cho thấy bãi chứa cát ở xã Bình Châu này rộng hàng hecta, nằm sát Quốc lộ 55, gần vòng xoay xã Bình Châu, cách “công trường sa tặc” khoảng 20 km.

Mỗi ngày bãi cát này tiếp nhận hàng chục xe ben loại bốn chân chở cát từ “công trường sa tặc” mang về.

Trong thời gian từ cuối tháng 12-2023 đến nay, liên tục đoàn xe ben bốn chân mang các biển số: 86C-1677; 86H-114.00; 86C-159.51; 86H-136.10; 86C-146.11 chở cát từ bãi của ông Ch đến xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc và mỗi ngày chạy khoảng 15 chuyến, mang nguồn cát khổng lồ hút từ “công trường sa tặc” sang bãi tập kết. Mỗi chuyến chở khoảng 14 m3 cát, chủ xe được trả 800.000 đồng.

Cũng tại bãi cát này, tháng 12-2023, Công an huyện Xuyên Mộc đã kiểm tra và phát hiện ông Tạ Văn H không cung cấp được giấy phép tập kết cát san lấp tại bãi này.

Tại bãi cát ở xã Bình Châu, khách ở Vũng Tàu về đây mua với giá 230.000-250.000 đồng/m3. Giá này rẻ hơn nhiều so với giá cát khai thác chính ngạch hiện hành (300.000 đồng/m3).

Ngoài bãi cát nói trên, hằng ngày xe ben chở cát từ bãi của ông Ch đổ cho hai bãi cát lớn ở khu vực xã Bình Châu.

Mỗi ngày xe ben cỡ lớn chở cát từ “công trường sa tặc” về bán cho các công trường đang xây dựng ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.

Bãi chứa cát không phép ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc do người thân của ông Ch đứng tên.

Người dân mua flycam ghi hình để tố cáo

Trong “công trường sa tặc”, đất nông nghiệp bị cày xéo loang lổ, biến thành hàng chục hồ nước sâu hàng chục mét.

Ông Trần Văn Tiến, 52 tuổi, ngụ thôn 2, xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, cho biết ông Ch tổ chức cho hàng chục máy cày bơm hút cát ở bất kỳ thửa đất nào cách bãi tập kết trong bán kính khoảng 1 km. “Những mảnh vườn của người dân bị máy cuốc, máy đào và máy cày phá tan hoang, cây cối bị phá bỏ, đất canh tác bỗng nhiên biến thành những cái ao” - ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, quá bức xúc trước việc làm bất chấp pháp luật này, nhiều người dân có ý kiến trực tiếp với ông Ch nhưng tất cả chỉ nhận được thái độ đe dọa, thách thức. “Những ai có ý định chống đối, cản trở hoặc phản ánh với chính quyền việc ông Ch hút cát vào hôm trước thì ngay hôm sau sẽ có giang hồ đến tận nhà để uy hiếp, đe dọa” - ông Tiến cho hay.

Nhiều người dân bức xúc vì vườn nhà mình bỗng dưng bị múc trộm cát, biến thành những ao sâu hoắm đã tố cáo đến chính quyền, kiện ra tòa, mua flycam để ghi hình nhằm tố cáo ông Ch.

Nhiều người dân bức xúc vì vườn nhà mình bỗng dưng bị múc trộm cát, biến thành những cái ao sâu hoắm, mênh mông nước đã tố cáo đến chính quyền địa phương và khởi kiện ra tòa. Trong khi đó, ông Ch và những người liên quan vẫn hằng ngày múc cát trộm rồi chở về xã Bình Châu.

Ông Phạm Viết Vân, ngụ thôn 2, xã Sơn Mỹ, đã mua flycam để ghi hình nhằm tố cáo ông Ch ra chính quyền thì bị ông Ch nhắn tin đe dọa.

Ông Ch nhắn: “Mới sắm flycam chơi tao hả thằng c...? Cha con nhà mày cũng rảnh nhỉ, rảnh rỗi thì bay nhiều nhà thằng khốn” hoặc “Quay sướng không thằng c…”...

Bí thư Huyện ủy Hàm Tân: Kiểm tra, xử lý nghiêm

Ngày 27-2, một lãnh đạo Công an huyện Hàm Tân, Bình Thuận cho biết đã triển khai lực lượng đến các khu vực mà Pháp Luật TP.HCM phản ánh tại xã Sơn Mỹ.

Theo đó, cơ giới đã không còn ở khu vực này và Công an huyện Hàm Tân cho biết đã ghi nhận, lập hồ sơ để xử lý.

Chiều 27-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Lê, Bí thư Huyện ủy Hàm Tân, cho biết đã yêu cầu UBND huyện Hàm Tân thành lập đoàn kiểm tra liên ngành khẩn trương làm rõ các điểm khai thác tài nguyên trái phép mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh và kiên quyết xử lý nghiêm. PN

Trao đổi với PV, nhiều người dân ở xã Sơn Mỹ bức xúc trước việc ông Ch ngang nhiên múc cát đem bán, biến hàng trăm hecta đất nông nghiệp thành “công trường sa tặc”.

Những người dân nơi đây cho rằng việc ngang nhiên múc, hút cát đem bán và tập hợp nhiều nhóm cùng trộm cát đã gây mất an ninh trật tự, phá hủy môi trường sinh thái, tạo các hố sâu gây mất an toàn, đe dọa tính mạng cho người dân sinh sống quanh khu vực, đặc biệt là trẻ em. Ngoài ra, “công trường” còn trực tiếp gây sạt lở đất canh tác, ô nhiễm nguồn nước phục vụ nông nghiệp và gây hư hại các tuyến đường dân sinh… là những hệ quả nhãn tiền mà “công trường sa tặc” đang để lại ở xã Sơn Mỹ.•

Kỳ sau: Cả chục người cảnh giới quanh “công trường” Mỗi ngày có cả chục người cảnh giới ngồi dọc Quốc lộ 55, những con đường dẫn đến “công trường sa tặc” và ngay lập tức bám theo khi có người lạ xuất hiện.

Ngay sau khi báo đăng, công an đã đến “công trường sa tặc” kiểm tra.

Xe cuốc, máy cày rút khỏi “công trường sa tặc” khi báo đăng

Sáng 27-2, nhiều xe cuốc, máy xúc lật, máy cày, xe ben đã rút khỏi “công trường sa tặc” của ông Nguyễn Hữu Ch (ngụ xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, Bình Thuận).

Đây là bãi tập kết cát mà ông Ch và những người ở khu vực xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân mang máy cày cỡ lớn cùng các thiết bị chuyên dụng đến múc trộm cát từ các mảnh vườn xung quanh.

Ghi nhận của chúng tôi, sáng sớm 27-2, từ bãi tập kết nằm sát Quốc lộ 55 ở thôn 3, xã Sơn Mỹ, nhiều thiết bị phục vụ cho việc múc, hút trộm cát đã được di dời khỏi “công trường sa tặc” này.

Bên trong “công trường sa tặc”, ông Ch đang cho máy cuốc và máy xúc san gạt những đống cát cao xuống các hố để “phi tang”.

Về việc khai thác cát trái phép của ông Nguyễn Hữu Ch, tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM cho thấy suốt từ năm 2020 đến nay, ông này liên tiếp bị cơ quan chức năng huyện Hàm Tân và xã Sơn Mỹ kiểm tra, xử phạt.

Cụ thể, ngày 14-4-2020, ông bị chủ tịch UBND huyện Hàm Tân, Bình Thuận ra quyết định xử phạt 11,5 triệu đồng vì chuyển gần 1.000 m2 đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để làm bãi chứa cát và khai thác cát trái phép.

Cũng trong quyết định xử phạt, cơ quan này còn buộc ông Ch phải khôi phục hiện trạng ban đầu của thửa đất.

Đến ngày 23-3-2021, ông Ch tiếp tục bị UBND huyện Hàm Tân, Bình Thuận ra quyết định xử phạt loạt hành vi gồm: mua bán khoáng sản không phép, tự ý chuyển 180 m2 đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.

Tháng 8-2021, UBND xã Sơn Mỹ cũng ra quyết định phạt ông Ch 3,5 triệu đồng vì hành vi hủy hoại đất.

Đến ngày 5-9-2022, ông Ch bị Công an tỉnh Bình Thuận phạt 12,5 triệu đồng vì tàng trữ 110 m3 cát trái phép.

Dù liên tục bị kiểm tra, xử phạt nhưng việc khai thác cát không có dấu hiệu ngừng mà ngày càng rầm rộ hơn, biến khu vực từng bị xử phạt thành “công trường sa tặc”.

MINH HẬU

Nguồn PLO: https://plo.vn/dieu-tra-cong-truong-sa-tac-trong-rung-o-binh-thuan-bai-2-chu-dat-ta-hoa-vi-vuon-thanh-ao-ho-post777916.html