Điều tiết nước tưới hợp lý, chủ động phòng chống hạn

Theo dự báo của Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh, vụ hè thu năm nay tình hình thời tiết diễn biến tương đối bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Nắng nóng xuất hiện sớm, nền nhiệt cao kèm theo gió Tây Nam thổi mạnh nên lượng bốc hơi cao, gây tổn thất nguồn nước. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp và các địa phương đang chủ động xây dựng các phương án nhằm ứng phó kịp thời với nguy cơ xảy ra thiếu nước, hạn hán ở một số vùng sản xuất, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất vụ hè thu.

Hồ chứa nước Triệu Thượng 1 hiện còn khoảng 63% dung tích thiết kế - Ảnh: L.A

Trao đổi với chúng tôi, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Lê Đình Lễ cho biết, trong tổng số gần 6.800 ha lúa vụ hè thu toàn huyện có gần 2.200 ha được tưới thông qua hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn, diện tích còn lại được tưới qua hệ thống những hồ đập nhỏ và các trạm bơm do địa phương quản lý. Do vậy, huyện đã cơ cấu các giống ngắn ngày và cực ngắn, bố trí thời vụ gieo cấy lúa tập trung và có biện pháp chăm sóc phù hợp nhằm tiết kiệm nước. Để đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất vụ hè thu, ngay từ đầu vụ, UBND huyện chỉ đạo các địa phương, các HTX nông nghiệp thống nhất với Xí nghiệp Thủy nông Nam Thạch Hãn về thời gian mở nước, xây dựng phương án tưới nước luân phiên, điều tiết nước hợp lý. Tuyên truyền, vận động nông dân hiểu rõ tình hình diễn biến thời tiết khô hạn, nguy cơ thiếu nước trong vụ hè thu và thu đông để nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm. Triển khai các biện pháp chống tổn thất nước như be bờ đắp đập giữ nước; nạo vét khơi thông dòng chảy các kênh tiêu, sử dụng các cửa, đập dâng trên kênh tiêu để tận dụng lượng nước tiêu, lượng nước hồi quy. Duy tu bảo dưỡng công trình, máy móc thiết bị các trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp; chuẩn bị các phương án bơm chuyền, tưới bổ sung bằng máy bơm lưu động để phòng, chống hạn kéo dài. Tăng cường kiểm tra hệ thống kênh mương nội đồng; thông báo cho người dân biết tình hình nguồn nước và lịch cung cấp nước tưới của các công trình thủy lợi, nhất là hệ thống Nam Thạch Hãn để có kế hoạch lấy nước kịp thời.

Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh hiện đang quản lý 16 hồ chứa lớn với tổng dung tích 188,5 triệu m3 ; 2 đập dâng, 8 công trình ngăn mặn giữ ngọt và 30 trạm bơm cỡ lớn. Hệ thống các công trình thủy lợi này cấp nước tưới cho hơn 32.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của 8 huyện, thị xã mỗi năm. Đến thời điểm này, tổng lượng nước còn lại ở các đập, hồ chứa là hơn 129 triệu m3 , đạt gần 69% so với tổng dung tích thiết kế. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Nguyễn Sinh Công thông tin, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, lượng nước tại các hồ, đập của đơn vị cơ bản đảm bảo diện tích tưới theo kế hoạch. Tuy nhiên, với trước tình hình nắng nóng gay gắt, lượng mưa thấp, để đảm bảo nước tưới cho sản xuất vụ hè thu, hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng nóng, khô hạn cuối vụ, đơn vị đã xây dựng phương án điều tiết nước theo hướng tận dụng tối đa nguồn nước trên các công trình thủy lợi, trên các sông ngòi, ao hồ; có thể bổ sung cho nhau trong các thời điểm hạn nặng xảy ra. Cụ thể, đối với các hệ thống tưới kết hợp giữa hồ chứa và trạm bơm, trong giai đoạn đầu, nguồn nước trên các sông, suối đang dồi dào thì tăng cường hoạt động các trạm bơm để bơm tưới; các hồ chứa tập trung tưới cho các vùng mà trạm bơm không tưới được; ưu tiên dự trữ nước trong các hồ chứa để tưới khi xảy ra hạn hán, tưới cho giai đoạn lúa làm đòng, trổ bông, cuối vụ. Tận dụng tối đa lượng nước hiện có của các hồ chứa, đập dâng để bổ sung cho nhau đối với hệ thống tưới liên hồ chứa, đập dâng. Tổ chức tu bổ, nạo vét, vệ sinh kênh mương để lưu thông dòng chảy, giảm tổn thất nước. Phối hợp với các HTX lập phương án đắp các đập nội đồng, bờ vùng, bờ bao để trữ nước, chặn các kênh tiêu, khe suối giữ nước hồi quy để lắp đặt các trạm bơm dã chiến bơm tưới hỗ trợ khi hạn hán xảy ra. “Từ ngày 11/5 đến nay, các hồ, đập do công ty quản lý đã đồng loạt mở nước tưới cho sản xuất vụ hè thu. Theo kế hoạch, sau khi kết thúc gieo sạ, công ty sẽ tổ chức tưới luân phiên cho các cấp kênh phù hợp với diễn biến nguồn nước và tình hình thời tiết”, ông Công cho biết thêm.

Theo kế hoạch, diện tích sản xuất lúa toàn tỉnh trong vụ hè thu là hơn 22.300 ha. Hiện nay nguồn nước của các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản đủ để đảm bảo diện tích tưới theo kế hoạch. Để chủ động ứng phó kịp thời với tình hình có nguy cơ xảy ra thiếu nước, hạn hán ở một số vùng sản xuất, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ hè thu cho toàn bộ diện tích sản xuất theo kế hoạch, ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các địa phương trong việc chỉ đạo nông dân tuân thủ đúng khung lịch thời vụ, sử dụng các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn ngày để rút ngắn thời gian tưới; triển khai các biện pháp tưới tiết kiệm, đồng thời chủ động xây dựng phương án chống hạn xâm nhập mặn để ứng phó kịp thời khi hạn hán xảy ra. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết thêm, cùng với các kế hoạch điều tiết nước tưới hỗ trợ giữa các hệ thống công trình, Sở Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh thực hiện nghiêm các phương án tưới và chống hạn theo phương châm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Tổ chức tu bổ, nạo vét, vệ sinh kênh mương; phân công cán bộ cùng với nông dân thường xuyên thăm đồng để be bờ giữ nước, củng cố bờ vùng, bở thửa để tránh thất thoát nước tưới gây thiếu cục bộ. Quản lý chặt chẽ các cống ngăn mặn, kiểm soát độ mặn trước khi lấy nước, không để nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền vận động Nhân dân thay đổi tập quán tưới nước từ tưới ngập thường xuyên sang tưới “nông - lộ - phơi”; kết hợp cắt giảm nước hợp lý, kéo dài thời gian nghỉ giữa các đợt tưới để tiết kiệm nước tưới. Ưu tiên tập trung nước để tưới khi hạn hán xảy ra và giai đoạn lúa làm đòng, trổ bông. Tận dụng tối đa nguồn nước các sông, suối, ao, hồ, kênh tiêu trên khu tưới và nước hồi quy từ các đập, hồ chứa để bơm tưới cho các vùng khó tưới; sử dụng các trạm bơm dã chiến để bơm tưới cho những vùng có nguy cơ hạn hán thiếu nước. “Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc điều tiết nước, xây dựng phương án xử lý kịp thời, đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ hè thu”, ông Hòe khẳng định.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=158195&title=dieu-tiet-nuoc-tuoi-hop-ly-chu-dong-phong-chong-han