Điều Singapore lo sợ hậu The Eras Tour

Singapore ghi nhận khoảng 1.000 trường hợp bị lừa mua vé The Eras Tour giả, tương đương 538.000 USD. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ dưới 30 tuổi.

Một fan mặc áo thun mô phỏng mẫu áo được Taylor Swift mặc trong bài hát You Belong With Me. Ảnh: Jason Quah, Mark Cheong/The Strait Times.

Đêm diễn cuối cùng của Taylor Swift tại Singapore diễn ra vào ngày 9/3, nhưng sau đó, cảnh sát địa phương vẫn nhận hàng loạt trình báo về việc bị lừa mua vé The Eras Tour giả thông qua mạng xã hội.

Aileen Yap, trợ lý Ủy viên Cảnh sát và là phó giám đốc của Bộ Tư lệnh Phòng chống lừa đảo (ASCom) Singapore, chia sẻ thông tin này trong một cuộc phỏng vấn riêng với The Straits Times vào ngày 11/3.

Theo đó, nhiều người hâm mộ giọng ca Lover đến tham gia concert tại Sân vận động Quốc gia mới phát hiện vé của mình không hợp lệ, buộc phải ra về.

"Từ ngày đầu tiên Taylor Swift đến Singapore, số đơn trình báo liên quan đến lừa đảo vé xem nhạc đã tăng đáng kể", bà Yap nói.

Theo cảnh sát, tính từ ngày 1/1 đến 12/3, khoảng 1.551 người tại Singapore trở thành nạn nhân trong các vụ lừa đảo thương mại điện tử liên quan đến vé concert. Ước tính, tổng số tiền bị lừa lên đến 737.000 USD.

Trong số đó, ít nhất 960 người là "con mồi" liên quan đến vé xem The Eras Tour. với hơn 538.000 USD bị thiệt hại. Hầu hết nạn nhân của vụ việc là phụ nữ dưới 30 tuổi.

"Nhiều các ca sĩ nổi tiếng đã và sẽ đến Singapore, tôi lo lắng rằng số lượng vụ lừa đảo thương mại điện tử sẽ tăng hơn nữa. Tôi cho rằng các vụ việc tương tự sẽ là hình thức chiếm đoạt tài sản phổ biến hàng đầu trong nửa đầu năm 2024, nếu xu hướng này tiếp tục", bà Yap nêu lên quan điểm.

Hàng trăm nghìn người đổ về Sân vận động Quốc gia Singapore để hòa mình vào âm nhạc và sức nóng của Taylor Swift. Ảnh: The Straits Times.

Trước đó, năm 2023, chiêu lừa đảo phổ biến nhất tại Singapore liên quan đến vấn đề việc làm. Các vụ lừa đảo thương mại điện tử chỉ phổ biến thứ 2 trong năm, với 9.783 trường hợp được báo cáo và ít nhất 13,9 triệu USD mất mát.

"Các vụ lừa đảo vé xem nhạc là một thách thức đối với chúng tôi bởi không có cách nào để hoàn toàn ngăn chặn. Từ những vụ việc như vậy, chúng ta cần có những quy định đặt vé chặt chẽ hơn. Kẻ gian có thể kiếm hàng nghìn USD cho mỗi concert được tổ chức tại Singapore. Họ thường mua vé với số lượng lớn và bán ra với giá cao hơn nhiều. Những người còn dùng chiêu trò thiết kế bot (phần mềm tự động) để mua vé với tốc độ nhanh chóng hơn", bà Yap tiết lộ.

Không chỉ riêng ở các sàn thương mại điện tử, những kẻ lừa đảo cũng nhắm đến nạn nhân trên các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, X (Twitter), Telegram và Xiaohongshu.

Bà Yap nhấn mạnh hiện tại Singapore hướng tới việc tổ chức nhiều buổi hòa nhạc hơn. Điều này đồng nghĩa với việc số vụ lừa đảo sẽ tiếp tục gia tăng.

Đám đông di chuyển khỏi Sân vận động Quốc gia Singapore để về nhà. Ảnh: The Straits Times.

The Eras Tour của Taylor Swift tại Singapore đã kết thúc sau 6 đêm diễn bùng nổ. Các nhà kinh tế ước tính concert này có thể tăng ngân sách du lịch của Singapore lên đến 500 triệu USD.

Theo Lawrence Loh, giáo sư ngành kinh doanh của Đại học Quốc gia Singapore, mặc dù số lượng báo cáo về các vụ lừa đảo ngày càng tăng, uy tín của Singapore là một trung tâm văn hóa sẽ không bị ảnh hường.

"Uy tín của Singapore như một trung tâm văn hóa là do kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, kết nối và cảnh quan tổng thể. Các vụ lừa đảo nên được theo dõi chặt chẽ, nhưng tôi tin rằng điều này sẽ không ảnh hưởng đến uy tín của chúng ta trong việc tổ chức sự kiện. Singapore vẫn sẽ không coi nhẹ các vụ lừa đảo", giáo sư Loh nói.

Minh Vũ

Nguồn Znews: https://znews.vn/dieu-singapore-lo-so-hau-the-eras-tour-post1465631.html