Diều sáo kết nối đam mê

Câu lạc bộ (CLB) Diều sáo khu vực Sông Ray (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) được thành lập và đưa vào hoạt động khoảng 6 năm nay. CLB đã tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc từ diều sáo.

Cánh đồng lúa rộng gần 500 hécta ở ấp 9, xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) được người dân chọn làm nơi thả diều sáo vào mỗi buổi chiều. Ảnh: An Nhơn

Mùa khô, thời tiết thuận lợi cho việc thả diều sáo. Cánh đồng lúa rộng gần 500 hécta ở ấp 9, xã Sông Ray được các thành viên trong CLB Diều sáo khu vực Sông Ray chọn làm nơi thả diều sáo vào mỗi buổi chiều.

* Thả hồn vào những cánh diều no gió

Cánh đồng lúa này được bà con nông dân canh tác theo mô hình nông nghiệp hữu cơ nên không khí trong lành, mát mẻ. Hơn nữa, khung cảnh đẹp, yên bình và có “đường bay” thuận lợi cho hoạt động thả diều.

Tầm 15h, nắng bắt đầu dịu xuống, gió thổi ở mức độ ổn định là thời điểm lý tưởng cho việc thả diều sáo. Ông Nguyễn Văn Hạc (năm nay hơn 60 tuổi, thành viên CLB) quyết định tạm gác lại việc chăm sóc vườn cây ăn trái, lấy chiếc xe máy chở các cháu nhỏ chạy ra ngoài đồng lúa để “hùa” vào không khí thả diều. Ông nhanh chóng lắp ráp xong con diều sáo rồi di chuyển đến vị trí thích hợp.

Ông Hạc đưa diều sáo ra trước gió, đợi cho gió nổi lên ở mức độ phù hợp liền thả diều ra, đồng thời cầm lấy dây diều điều chỉnh liên tục con diều. Bằng kinh nghiệm nhiều năm, ông nhanh chóng cho diều bay lên cao ổn định mà không xảy ra bất cứ sự cố nào.

“Người chơi diều sáo phải lưu ý quan sát việc thay đổi hướng gió và tốc độ gió. Nếu con diều chúi xuống, nghĩa là diều đang không đủ gió, người chơi phải kịp thời điều chỉnh dây và giật dây diều để làm cho nó ổn định trở lại” - ông Hạc chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Hạc bộc bạch, một ngày lao động vất vả, ai cũng mệt mỏi, nhưng khi tham gia thả diều, ngắm những cánh diều với đủ màu sắc sặc sỡ bay trên không trung và nghe tiếng sáo vi vu là thấy bao mệt mỏi tan biến và thấy yêu đời hơn.

Ông Lương Quốc Anh (45 tuổi, thành viên Câu lạc bộ Diều sáo khu vực Sông Ray) tập cho con trai chơi diều sáo.

Cũng như các “diều thủ” khác, ông Lương Quốc Anh (45 tuổi, thành viên CLB) cùng con trai 8 tuổi say sưa thả diều sáo trên cánh đồng lúa. Ông Quốc Anh cho biết, ông tích cực tham gia CLB Diều sáo khu vực Sông Ray ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Ông làm nghề kinh doanh tự do nên có nhiều thời gian rảnh rỗi để tham gia thả diều mỗi ngày. Không chơi diều một mình, ông còn dẫn vợ, con tham gia thả diều vào ngày nghỉ cuối tuần để cả gia đình có những buổi trải nghiệm, vui chơi ngoài đồng thật thú vị.

“Thả diều đã tạo nên môi trường vui chơi lành mạnh, giúp cho con trai của tôi vận động nhiều và trở nên khỏe mạnh. Từ khi biết chơi diều, con trai của tôi không còn sử dụng điện thoại thông minh để chơi game hay xem ti vi. Cháu chỉ sử dụng điện thoại để xem những clip về chơi thả diều để thỏa niềm đam mê” - ông Anh tâm sự.

* Tạo giá trị tinh thần cho người dân vùng đất Sông Ray

Phó chủ tịch UBND xã Sông Ray Bùi Thị Liên cho biết thêm, người dân Sông Ray hầu hết là người từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc đi làm kinh tế mới từ năm 1977 và những năm tiếp theo vào lập nghiệp, sinh sống. Họ coi Sông Ray là quê hương thứ 2 của mình và luôn yêu thương, đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh gắn với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Khi kinh tế gia đình phát triển, đời sống vật chất ngày càng tăng thì nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhiều người dân xã Sông Ray cũng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong đó, việc làm và chơi diều sáo mang lại nhiều điều bổ ích và lý thú cho mọi lứa tuổi, vì thông qua đó mọi người có thể tiếp thu được dễ dàng nhiều kỹ năng, kiến thức và phát huy hiệu quả được đủ 4 nội dung cơ bản của giáo dục: đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ.

Một thành viên của Câu lạc bộ Diều sáo khu vực Sông Ray chuẩn bị thả diều bay lên.

Chính những lợi ích thiết thực từ chơi diều sáo, lãnh đạo địa phương đã quan tâm và nhiều lần tổ chức Ngày hội Diều sáo để các tổ chức, cá nhân gần xa có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ tình cảm, bảo tồn, gìn giữ, phát triển thú chơi diều và đoàn kết giữa các dân tộc với nhau trong cộng đồng dân cư.

Hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống

Chủ nhiệm CLB Diều sáo khu vực Sông Ray Hoàng Ánh Quyên cho biết, việc thành lập CLB không chỉ để thỏa mãn niềm đam mê chơi diều sáo, mà còn tạo điều kiện cho các thành viên gặp gỡ, thăm hỏi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, những gia đình thành viên có người đau ốm, bệnh tật hoặc qua đời đều được CLB trích tiền quỹ ra để chăm lo, hỗ trợ, động viên kịp thời.

Chủ nhiệm CLB Diều sáo khu vực Sông Ray Hoàng Ánh Quyên cho biết, CLB Diều sáo khu vực Sông Ray được thành lập và đưa vào hoạt động vào năm 2018. Thời gian đầu, số lượng thành viên tham gia chưa ổn định vì nhiều người phải lo bươn chải làm lụng mưu sinh. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương đã quan tâm, hỗ trợ kịp thời, đồng thời có những định hướng khơi dậy niềm đam mê cho các thành viên. CLB nhờ đó phát triển ổn định và số lượng thành viên tham gia ngày càng đông. Hiện CLB có khoảng 37 thành viên, trong đó người lớn tuổi là 66 tuổi và người nhỏ nhất là 22 tuổi.

Để có những cánh diều bay cao, ổn định trên vùng trời Sông Ray với tiếng sáo du dương, các thành viên trong CLB thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau trong việc làm diều, cũng như kỹ năng chơi diều. Ngoài ra, các thành viên trong CLB còn đi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các CLB tại những địa phương như: Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh… Nhờ đó, CLB hiện đã có những bước tiến trong phong trào chơi diều sáo.

Theo ông Hoàng Ánh Quyên, phong trào chơi diều sáo đã mang lại nhiều bổ ích cho người chơi. Chẳng hạn, khi làm diều, người chơi đã học được tính kiên trì, khéo léo, hiểu được các nguyên tắc vật lý như: lực nâng, trạng thái cân bằng, hiểu thêm về hình học, kết cấu, vật liệu, biết được cách trang trí, phối hợp màu sắc hình ảnh cho cánh diều thêm đẹp. Còn khi thả diều giúp cho các “diều thủ” gần gũi với thiên nhiên, có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, biết chia sẻ với mọi người.

“Để nâng cao giá trị tinh thần cho người dân vùng đất Sông Ray, địa phương xác định, trong thời gian tới sẽ đưa Ngày hội Diều sáo trở thành hoạt động thường xuyên, là một trong những điểm nhấn trong hoạt động quảng bá, thu hút du khách đến Sông Ray, góp phần phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn” - bà Bùi Thị Liên chia sẻ.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phong-su-ky-su/202403/dieu-sao-ket-noi-dam-me-c726627/