Điều lực lượng tới Trung Đông giữa xung đột Israel-Hamas, Mỹ muốn gì?

Mỹ đã huy động 3 tàu chiến và 2.200 lính thủy đánh bộ tới Trung Đông ngoài 2 nhóm tác chiến tàu sân bay nhưng mục đích của Mỹ được cho là nhằm răn đe chứ không phải là tham chiến.

2.200 lính thủy đánh bộ và 3 tàu chiến lên đường tới Trung Đông

2.200 lính thủy đánh bộ thuộc Đơn vị viễn chinh thủy quân lục chiến số 26 đang có mặt trên 3 tàu chiến của Hải quân Mỹ trong khuôn khổ hoạt động triển khai thường xuyên tới Trung Đông.

3 tàu này cùng khởi hành từ Mỹ với tư cách là Nhóm Sẵn sàng Đổ bộ nhưng sau đó chúng tách ra khi cần thiết. Đó là lý do tại sao 2 tàu USS Bataan và USS Carter Hall đã đến Biển Arab ngày 17/10 sau khi rời Vịnh Ba Tư vào đầu tuần này.

Tàu đổ bộ tấn công USS Bataan ở Vịnh Arab, ngày 17/4/2020. Ảnh: Hải quân Mỹ

Con tàu thứ ba, USS Mesa Verde, vẫn đang ở Địa Trung Hải vì phải sửa chữa ở Tây Ban Nha. Tàu sẽ rời cảng trong tuần này với khoảng 650 lính thủy đánh bộ và thủy thủ đoàn, di chuyển theo hướng Đông. Tàu USS Mesa Verde chưa được lệnh tiến tới phía Đông Địa Trung Hải nhưng nó sẽ sẵn sàng nếu mệnh lệnh cụ thể được đưa ra.

Liệu nhóm thủy quân lục chiến trên những con tàu này có tới Israel hay không? Hiện chưa có quyết định cụ thể, tuy nhiên, Lầu Năm Góc ngày 17/10 xác nhận họ được điều động đến các vị trí gần Israel.

Vì sao 2.200 lính thủy quân lục chiến và 3 tàu chiến được nhắc tới ở thời điểm này? Bởi vì đó là lực lượng quân sự có thể sẵn sàng hành động nếu được huy động để hỗ trợ việc sơ tán khẩn cấp công dân Mỹ. Lực lượng này sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc chiến nào. Họ cũng chưa nhận được mệnh lệnh chính thức nào mà chỉ đang tiến gần hơn đến khu vực xảy ra xung đột ở Trung Đông để có thể hành động trong trường hợp cần thiết.

Vậy nhóm lính thủy quân lục chiến và 3 tàu chiến đó có thể làm những gì? Tàu USS Bataan trông giống như một tàu sân bay và có thể mang được nhiều loại trực thăng, máy bay Osprey cất cánh thẳng đứng và máy bay Harrier. Các loại máy bay này có thể được sử dụng trong các hoạt động giải cứu.

Tàu USS Mesa Verde và tàu USS Carter Hall mang theo phương tiện đổ bộ đường biển và các phương tiện bộ binh.

Các phương tiện này có thể đưa thủy quân lục chiến Mỹ vào khu vực đang giao tranh hoặc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế hoặc hỗ trợ khác.

2.000 lính Mỹ được lệnh sẵn sàng tới Trung Đông trong 24 giờ

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ra lệnh cho khoảng 2.000 binh sỹ ở Mỹ và các nơi khác sẵn sàng tới Trung Đông trong vòng 24 giờ thay vì 96 giờ như thường lệ. Những binh sỹ này không phải là quân chiến đấu mà đến từ những đơn vị vị chuyên về phòng không, an ninh, hậu cần, hỗ trợ y tế, tình báo, giám sát, trinh sát, vận tải và các năng lực khác.

Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tập bắn trên tàu đổ bộ USS Bataan, ngày 3/7/2017. Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ

Họ không nhất thiết sẽ được điều đến Israel hoặc Gaza mà có thể sẽ đến một quốc gia gần đó. Dù không thông báo rõ trong trường hợp nào Mỹ có thể triển khai lực lượng hoặc triển khai đến đâu, nhưng quyết định của Lầu Năm Góc cho thấy rằng họ đang chuẩn bị hỗ trợ quân đội Israel nếu nước này tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza.

Việc triển khai tiềm tàng cũng là một phần trong biện pháp răn đe đối với Iran và Hezbollah.

2 nhóm tác chiến tàu sân bay

Việc Mỹ điều 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tới Trung Đông là nhằm ngăn chặn Iran và Hezbollah tham gia vào cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas. Một tàu sân bay đã là sự răn đe mạnh mẽ. Nhưng việc có 2 tàu sân bay trong khu vực ở cùng một thời điểm sẽ là biện pháp răn đe “rất mạnh”.

Hiện chưa rõ hai tàu sân bay sẽ hoạt động cùng nhau trong bao lâu. Tàu USS Gerald R. Ford hiện đã ở trong khu vực và đã được gia hạn triển khai tại đây, trong khi tàu USS Dwight Eisenhower có thể mất thêm 7-10 ngày nữa mới đến được phía Đông Địa Trung Hải.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford thả neo ở Vịnh Trieste, Italy, ngày 18/9/2023. Ảnh: Getty

Khi một tàu sân bay bắt đầu đợt triển khai kéo dài 6 tháng, nó sẽ rời cảng cùng với các tàu tuần dương và tàu khu trục trong một nhóm được gọi là nhóm tác chiến tàu sân bay. Các tàu khởi hành cùng lúc nhưng không phải lúc nào cũng di chuyển cùng nhau trong toàn bộ quá trình triển khai. Mục đích của những các tàu này là bảo vệ tàu sân bay khỏi bị tấn công và sẵn sàng di chuyển đến nơi khác khi cần thiết.

Mỗi tàu sân bay mang theo hàng chục máy bay, chủ yếu là máy bay chiến đấu. USS Gerald R. Ford là tàu sân bay lớn nhất của Hải quân Mỹ và có thể chở tới 75 máy bay, trong khi tàu USS Dwight Eisenhower có thể chở tới 60 máy bay.

Sự hiện diện của khoảng 120 máy bay chiến đấu của Mỹ ở phía Đông Địa Trung Hải là không chỉ là một biện pháp răn đe đối với Hezbollah và Iran, mà còn là thông điệp rằng Washington có thể hỗ trợ đảm bảo an ninh cho Israel nếu cần.

Các nhóm tàu sân bay của Mỹ sẽ không tham chiến ở Israel, nhưng nếu cần, các nhóm tàu này có thể điều động máy bay chiến đấu cho một số mục đích nhất định. Hiện tại tàu sân bay Mỹ đang sử dụng máy bay giám sát để thu thập thông tin tình báo về những gì diễn ra xung quanh.

Bổ sung máy bay tới Trung Đông

Tuần trước Lầu Năm Góc thông báo đã triển khai thêm máy bay chiến đấu F-35, F-16 và A-10 tới Trung Đông. Tuyên bố của Lực lượng Không quân Mỹ cho biết, việc triển khai này là nhằm “củng cố thế trận của Mỹ và tăng cường các hoạt động không quân trên khắp Trung Đông".

“Bằng cách triển khai các máy bay chiến đấu tiên tiến và tham gia cùng các lực lượng chung và liên minh, chúng tôi đang tăng cường quan hệ đối tác và củng cố an ninh trong khu vực”, Trung tướng Alexus Grynkewich, Tư lệnh Lực lượng Không quân 9 của Mỹ, cho biết.

Với động thái này, Mỹ muốn chứng tỏ cho Iran và các nhóm vũ trang mà Tehran hậu thuẫn trong khu vực rằng Washington có thể nhanh chóng điều động lực lượng đến Trung Đông bất cứ lúc nào nếu cần.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo ABC News

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dieu-luc-luong-toi-trung-dong-giua-xung-dot-israel-hamas-my-muon-gi-post1053311.vov