Điều kỳ thú bên trong trại nuôi đà điểu lớn nhất Việt Nam

Nhiều điều kỳ thú bên trong Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Ninh Hòa ở Khánh Hòa.

Hơn 20 năm từ khi đưa những con giống đà điểu từ châu Phi về nuôi thử nghiệm, đến nay Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Ninh Hòa tại xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, thuộc Tổng công ty Khánh Việt xây dựng được một hệ thống sản xuất, chăn nuôi đạt chất lượng, mỗi năm phân phối ra thị trường hơn 12.000 đà điểu con.

Đà điểu trưởng thành khi đạt đến độ tuổi 10,5 đến 12 tháng tuổi. Lúc này, đà điểu có thể nặng 100-130 kg/con.

Tuy nhiên, để có được những con đà điểu trưởng thành khỏe mạnh, đạt trọng lượng, chất lượng thịt, lông hoàn hảo, các công nhân của Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Ninh Hòa phải tuân thủ quy trình nuôi từ khi chim mẹ giao phối, đẻ trứng. "Nuôi đà điểu khó nhất là khâu chọn giống, ấp trứng rồi giai đoạn nuôi ấp lồng. Giống bố mẹ phải chọn rất kỹ lưỡng, có nguồn gốc khỏe mạnh. Lúc đẻ người chăm sóc phải 'đỡ đẻ' cẩn thận không cho trứng rơi xuống đất nếu không sẽ bị nhiễm khuẩn"- ông Huỳnh Trung Sơn, Giám đốc Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Ninh Hòa, chia sẻ.

Đà điểu sinh sản từ tháng 12 năm đến tháng 10 năm sau. Mỗi con đẻ 7-10 quả trứng, nghỉ khoảng 10 ngày rồi tiếp tục đẻ. "Trung bình mỗi năm một con đà điểu đẻ 50-100 trứng. Mỗi lần đà điểu đẻ đều phải có nhân viên túc trực, “đỡ đẻ” để tránh hư, vỡ trứng, đảm bảo không bị nhiễm khuẩn. Nếu làm sai quy trình, quả trứng có nguy cơ hỏng và phải loại bỏ"- anh Lê Đình Khiêm, người có kinh nghiệm nuôi, "đỡ đẻ" cho đà điểu 18 năm, cho biết.

Ngay từ lúc vừa sinh ra, trứng đà điểu sẽ được "định danh cá nhân" bằng các mã số. Theo anh Lê Đình Khiêm, mã số này sẽ theo con đà điểu đến hết cuộc đời của nó. Mã số sẽ giúp theo dõi nguồn gốc, sức khỏe cũng như chất lượng của bố mẹ cá thể đó.

Trứng được kiểm tra kỹ sau đó sẽ được bàn giao cho nhân viên nhà ấp. Tại đây trứng được cân và bổ sung thêm thông tin về khối lượng, tình trạng vỏ trứng như vỏ sần, vỏ mỏng, vỏ nứt, … trong hồ sơ theo dõi trứng theo quy định. Tiếp đến trứng được đem khử trùng, rồi đưa vào ấp hoặc bảo quản ở nhiệt độ 15-20 độ C. Khi số lượng đủ sẽ tiến hành mẻ ấp mới.

Trứng được ấp ở nhiệt độ 36,2 - 36,80 độ C và cứ hai tiếng các công nhân sẽ đảo trứng một lần.

Từ ngày đầu ấp đến lúc nở mất 40-45 ngày, quá trình ấp này trứng được soi kiểm tra ba lần. Trong đó, lần một khi ấp được khoảng 10-15 ngày để loại những quả trứng chết phôi, không phôi tan, long buồng khí, thối… Lần hai soi khi trứng được 22-25 ngày, nhằm loại bỏ những quả chết phôi, thối, long buồng khí. Lần soi cuối cùng khi trứng được 38-45 ngày ấp. Từ lúc này, các công nhân sẽ soi một lần/ngày nhằm phát hiện, loại bỏ những quả chết phôi, thối, chết tắc, chuyển những quả phôi đã chui vào buồng khí qua máy nở, phát hiện những phôi yếu để can thiệp.

Con non nở ra phải được nuôi trong lồng có nhiệt độ 34-35 độ C. Sau khoảng hai giờ hoặc một hai ngày, đà điểu con được gắn thẻ nhôm đã đánh số vào cổ. Mã số này sẽ theo suốt đời con đà điểu và mọi thông tin sẽ được theo dõi qua phần mềm quản lý đà điểu của công ty.

Việc gắn thẻ, quản lý trên phần mềm theo dõi đàn đà điểu nhằm mục đích theo dõi từng cá thể đà điểu trong đàn về lý lịch “cụ kỵ, ông bà, bố mẹ” giúp cho việc ghép phối giống tránh đồng huyết; theo dõi đánh giá chất lượng từng con bố mẹ để lựa chọn những con tốt nhất.

Ngoài ra, việc gắn thẻ mã vạch giúp theo dõi từng con đà điểu trong suốt đời các chỉ tiêu, như sử dụng thức ăn, tình hình bệnh, các loại thuốc sử dụng, thời gian đào thải thuốc theo quy định….để đảm bảo đà điểu khi đến tuổi và đưa đi giết mổ đảm bảo an toàn thực phẩm không có các chất cấm, kháng sinh….theo quy định của cơ quan chức năng.

Thẻ làm bằng nhôm được đeo lên cổ đà điểu có đánh số, số này trên phần mềm theo dõi đã cập nhật tất cả các thông tin từ từng quả trứng như đã đề cập ở trên và trong suốt quá trình nuôi sau này các thông tin theo dõi tiếp theo được cập nhật để đảm bảo thông suốt trong việc truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn ISO22000-2005.

Do đà điểu tính nhút nhát nên cần bố trí chuồng nuôi nơi tương đối yên tĩnh, tránh tiếng động lạ, đột ngột làm đà điểu hoảng loạn dễ gây tai nạn.

Thời gian này, đà điểu con sẽ được cho ăn khoảng bốn lần/ngày để thức ăn không bị ôi thiu. Ngoài ra, tránh cho đà điểu bị ướt mưa vì rất dễ nhiễm bệnh.

Lúc thời gian nuôi 7-12 tháng, mỗi con đạt trọng lượng 80-100 kg. Lúc này công nhân sẽ cho ăn hai lần/ngày.

"Đà điểu rất thích rau muống, bèo hay cỏ voi... nên việc lo thức ăn cho chúng khá dễ"- anh Tùng, công nhân Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Ninh Hòa cho biết.

Mỗi con đà điểu trưởng thành có thể ăn ba kg cỏ mỗi ngày.

Đà điểu thương phẩm sẽ cho sản phẩm lông, da, thịt đã chuẩn để xuất bán ra thị trường.

Giai đoạn này các công nhân cũng bước vào quy trình chọn giống bố mẹ. Những con đà điểu có thể trạng tốt, không bệnh tật được tuyển chọn làm giống với tỷ lệ một trống/hai mái làm đà điểu hậu bị.

Những cá thể này sẽ được nuôi tiếp đến tháng thứ 20 với đà điểu mái và tháng thứ 26-30 với con trống thì tiến hành ghép chung cho một gia đình. Khi ghép sẽ được kiểm tra lý lịch để đảm bảo con trống và con mái không được đồng huyết.

Xuân Hoát

Nguồn PLO: https://plo.vn/dieu-ky-thu-ben-trong-trai-nuoi-da-dieu-lon-nhat-viet-nam-post786247.html