Điều ít biết về linh vật rồng vừa lộ diện nhận 'mưa lời khen' ở Huế

Ngay từ khi những hình ảnh đầu tiên lộ diện, linh vật rồng ở Huế nhận 'mưa lời khen' trên mạng xã hội. Các linh vật này có dáng hình biểu tượng cho một trang nhật ký nối dài câu chuyện thời sự và con người của vùng đất Cố đô.

Chào đón xuân Giáp Thìn 2024, tại TP. Huế (Thừa Thiên Huế) có 2 vị trí đặt linh vật rồng. Ngoại trừ cặp linh vật rồng trước mặt trường Chuyên Quốc học Huế (hay gọi là Bia Quốc Học) còn có một linh vật rồng khác đặt ở khu vực đài phun nước, đối diện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cặp linh vật rồng phía trước Bia Quốc Học Huế đang được lắp ráp.

Ghi nhận của PV, tại phía trước Bia Quốc Học những ngày qua hàng chục công nhân thực hiện việc lắp ráp các bộ phận của cặp rồng triều Nguyễn dài hơn 30m.

Theo đơn vị thiết kế, hai linh vật rồng này được sắp xếp đối xứng ở thế "rồng chầu mặt nguyệt" qua một trục chính với kết cấu nhịp điệu nhẹ nhàng, thanh mảnh, với dáng mềm mại, uốn khúc sinh động… Hiện nay, các công nhân đang hoàn thiện phần vảy rồng và lắp ráp móng rồng.

Linh vật rồng tại khu vực đài phun nước với cảm hứng thiết kế từ hình ảnh bảo vật hoàng cung.

Trong khi đó, linh vật rồng tại khu vực đài phun nước được lấy cảm hứng thiết kế từ hình ảnh "Ấn Quốc gia tín bảo" - bảo vật hoàng cung Triều Nguyễn. Đến nay, việc lắp đặt linh vật hoàn thành, các công nhân đang tiếp tục tạo dựng các cảnh quan phụ đi kèm để tạo điểm check-in lý tưởng cho người dân, du khách.

Đáng chú ý, khi các linh vật rồng lộ diện những hình ảnh đầu tiên, nhiều người bày tỏ sự thích thú, đến để check-in sớm. Trên các trang mạng xã hội, hình ảnh linh vật rồng cũng nhận được "mưa lời khen".

Một số hình ảnh về linh vật rồng ở Huế do PV Báo Sức khỏe & Đời sống ghi nhận:

Theo đơn vị thiết kế, linh vật rồng đặt Bia Quốc Học là rồng thời Nguyễn với thiết kế là sự tổng hòa của hình tượng rồng lớn vĩ đại kết hợp với tạo hình trăm hoa đua nở. Dáng hình rồng biểu tượng cho một trang nhật ký nối dài câu chuyện thời sự và con người của vùng đất Cố đô.

Linh vật rồng với cảm hứng truyền thống, mang tính truyền thống và gần gũi, bình dị, xuất hiện trong dân gian nhưng lại sống động và giàu tính biểu cảm.

Vảy rồng được nghiên cứu mô phỏng ngói thanh lưu ly Huế, loại ngói được sử dụng phổ biến cho các công trình cung điện, lăng tẩm và đền chùa Cố đô. Đó là biểu tượng cho sự hòa hợp giữa đất và trời, đặt vào đó hy vọng về một cuộc sống mưa thuận gió hòa, êm ấm và ổn định.

Có 3 chất liệu trên mỗi chiếc vảy. Phần ốp trong cùng được cắt CNC và chỉn chu lại bằng tay, không thấm nước, có khả năng chống chịu điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tiếp đó, các nghệ nhân Huế dán tay lên một lớp simili màu làm nền, rồi may một lớp vải cắt CNC họa tiết chữ thọ lên trên.

Mỗi chiếc vảy đều được cắt, dán rồi may bằng tay, sau đó lại được sắp xếp lên thân rồng sao cho tạo ra hiệu ứng và màu sắc hài hòa.

Để lột tả được các khúc uốn lượn, cũng như tạo ra tổng thể thân rồng thuôn dài về đuôi, các miếng vảy được cắt, đo và căn chỉnh bằng tay rất tinh xảo và rất kỳ công.

Linh vật rồng dù chưa lắp ráp hoàn thiện nhưng thu hút nhiều người tới để chiêm ngưỡng, check-in.

Trong khi đó, linh vật rồng tại đài phun nước, có dáng rồng bay lên “Phi long tại thiên” mang khí thế hiên ngang, ung dung tự tại giữa mây xanh, như một lời cầu chúc cho một năm mới tốt lành, phát triển và bứt phá.

Vảy rồng được thiết kế hết sức tinh xảo.

Ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho biết, đơn vị đang tập trung nhân lực để thực hiện công tác chỉnh trang công viên, sắp xếp các chậu hoa tạo điểm nhấn cho người dân vui Tết đón xuân. "Các linh vật rồng được đơn vị thiết kế lắp đặt từ ngày 18 tháng Chạp đến nay đang đi đến những khâu cuối cùng, theo kế hoạch ngày 22 âm lịch sẽ hoàn thành", ông Chinh nói.

'Video: Cận cảnh linh vật rồng nhận "mưa lời khen" ở Huế.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dieu-it-biet-ve-linh-vat-rong-vua-lo-dien-nhan-mua-loi-khen-o-hue-169240201073101417.htm