Điều gì khiến Israel tiếp tục tung tiền mua 25 chiến đấu cơ F-15EX

Israel tiếp tục kế hoạch đặt mua thêm 50 chiến đấu cơ, trong số này có 25 chiếc F-35I và 25 chiếc F-15EX. Được biết F-15EX Eagle II là biến thể mới nhất trong dòng chiến đấu cơ F-15 huyền thoại.

Truyền thông quốc tế đưa tin, Israel vừa ký hợp đồng mua 50 chiến đấu cơ từ Mỹ, trong số này một nửa là tiêm kích tàng hình F-35, số còn lại là chiến đấu cơ đa năng hạng nặng F-15EX.

Là một trong số ít những quốc gia sở hữu dòng chiến đấu cơ F-15, Israel đã biết được hiệu quả thực sự từ loại máy bay chiến đấu hạng nặng này.

Chính vì thế thay vì đặt hàng toàn bộ tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-35, Tel Aviv vẫn quyết định mua phiên bản mới của dòng F-15EX.

F-15EX tuy thua kém F-35 về khả năng tàng hình nhưng bù lại dòng chiến đấu cơ này lại hơn hẳn về khả năng cơ động, tải trọng vũ khí cũng như tầm bay.

Chiến đấu cơ F-15EX Eagle 2 là biến thể mới nhất trong gia đình chiến đấu cơ huyền thoại F-15 Eagle, dòng máy bay này ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu trong tác chiến hiện đại.

Chiến đấu cơ F-15EX ra đời đánh dấu bước ngoặt đối với dòng chiến đấu cơ huyền thoại F-15 biệt danh "Đại bàng bất bại" của Mỹ.

Kể từ khi có chuyến bay đầu tiên vào năm 1972, dòng chiến đấu cơ hạng nặng F-15 của Mỹ nhanh chóng trở thành một trong những vũ khí chủ lực của không quân nước này.

Trải qua các cuộc xung đột có sự can dự của Mỹ, F-15 đã tham gia hàng trăm trận không chiến, hạ nhiều máy bay đối phương và chưa từng bị đối thủ bắn hạ.

Dù là dòng chiến đấu cơ cực mạnh, nhưng theo thời gian, F-15 dần trở nên "đuối" trong tác chiến hiện đại. Chính điều này buộc nhà phát triển phải cho ra mắt biến thể mới đó chính là F-15EX.

Có thể nói rằng dù ngoại hình không có nhiều thay đổi so với biến thể trước, nhưng vật liệu chế tạo, động cơ, hệ thống điện tử trang bị trên F-15EX đã thay đổi toàn diện.

Được phát triển dựa trên phiên bản chiến đấu cơ đa năng F-15QA, đây là phiên bản nâng cấp từ dòng F-15E Strike Eagle Mỹ bán cho Qatar, vì thế F-15EX đã tận dụng được hết những ưu điểm của dòng chiến đấu cơ hạng nặng rất thành công này.

Boeing cho biết, dù F-15EX được phát triển trên phiên bản F-15QA, nhưng thực ra họ đã âm thầm phát triển chúng trong khoảng thời gian từ năm 2010-2020.

F-15EX đã có chuyến bay thử nghiệm thành công vào ngày 14/04/2020, ngay sau đó hợp đồng đặt mua từ không quân Mỹ diễn ra vào ngày 13/07/2020 sau khi các tướng lĩnh không quân kiểm tra kỹ càng phiên bản này.

Cụ thể không quân Mỹ đã đặt hàng lô đầu tiên 8 chiếc F-15EX với tổng trị giá 1,2 tỷ USD. Sau đó họ lại thông qua kế hoạch sẽ sắm thêm 136 chiếc nữa trong các năm tài khóa kế tiếp.

Những chiến đấu cơ F-15EX đầu tiên của lô 8 chiếc đã bay thành công vào ngày 02/02/2021 và bàn giao chiếc đầu tiên cho không quân Mỹ vào ngày 11/03/2021.

Vào ngày 07/04/2021 chiến đấu cơ F-15EX chính thức được mang tên Eagle 2 (Đại bàng 2).

Không quân Mỹ dự định F-15EX Eaghle II sẽ thay thế cho phi đội F-15C Eagle (tiêm kích chiếm ưu thế trên không) và F-15E Strike Edgle (chiến đấu cơ đa năng).

Có thể dễ dàng nhận thấy buồng lái của phiên bản F-15EX đã được làm mới, ứng dụng nhiều thành tựu từ chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 là F-35.

F-15EX cũng được trang bị radar mạng pha chủ động (AESA) với độ nhạy cực cao giúp chúng dễ dàng phát hiện và khóa bắn mục tiêu.

Hệ thống tác chiến điện tử trên F-15EX được kỳ vọng sẽ chiến thắng các loại tên lửa phòng không mới và tương tác tốt với các hệ thống cảm biến khác của quân đội Mỹ nhằm tối đa hóa khả năng sống sót.

Điểm nổi trội khác của F-15EX là tải trọng vũ khí. Trong khi đa phần các tiêm kích chỉ mang khối lượng vũ khí dao động từ 6,5-8 tấn thì F-15EX lại có thể mang tới 14 tấn vũ khí.

Phiên bản mới này có thể mang tới 24 tên lửa, nhiều gấp đôi so với máy bay Nga. Cho đến hiện tại chưa có bất cứ một chiến đấu cơ nào có khả năng mang nhiều tên lửa như vậy.

Chiến đấu cơ này mang được nhiều tên lửa là do bộ giá đỡ đặc biệt kiểu chia tầng, đây là phát minh mới của hãng chế tạo vũ khí Boeing, Mỹ.

Các giá phóng chia tầng này cho phép F-15EX mang được số tên lửa cực lớn trong khi không bị ảnh hưởng quá nhiều tới tính năng khí động học của máy bay.

Về cơ động, F-15EX vẫn giữ được vận tốc Mach 2,54 nhờ việc "độ" động cơ F100-229 F135 khiến cho lực đẩy tăng lên đáng kể.

Tốc độ leo cao của máy bay đạt 250 m/s, trần bay 18,5 km trong khi tầm bay đạt tới 3900 km.

Khẩu pháo M-61A Vulcan vẫn được giữ lại ở hốc cánh giúp cho việc không chiến tầm ngắn, hoặc chiến đấu khi đã bắn hết tên lửa.

Hãng Boeing cho biết họ cũng ứng dụng lớp sơn đặc biệt giúp cho độ phản hồi tín hiệu radar trên F-15EX giảm xuống đáng kể.

Vì thế dù kích thước F-15EX Eagle II khá to lớn, nhưng độ bộc lộ radar chỉ tương đương với dòng máy bay huấn luyện kích thước nhỏ gọn hơn rất nhiều.

Có thể nói F-15EX Eagle II là mảnh ghép hoàn hảo của không quân Mỹ bên cạnh F-22 và F-35.

Dù đã bước vào thời kỳ chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 ưu tiên tính năng tàng hình, tuy thế nhược điểm của dòng chiến đấu cơ thế hệ này là tải trọng vũ khí thấp, độ cơ động và tốc độ không cao. Ngoài ra chi phí vận hành đắt đỏ.

Và điều này đã được F-15EX bù đắp khi có tải trọng vũ khí lớn, độ cơ động cao và chi phí vận hành thấp hơn hẳn so với chiến đấu cơ thế hệ thứ 5.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dieu-gi-khien-israel-tiep-tuc-tung-tien-mua-25-chien-dau-co-f-15ex-post565769.antd