Điêu đứng vì đầu tư 'viện dưỡng lão 5 sao': Vỡ mộng vì tin lời có cánh!

Người vài trăm triệu, người hàng tỷ đồng góp vốn đầu tư vào các dự án kinh doanh viện dưỡng lão tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các khu nghỉ dưỡng tại Hòa Bình của Công ty CP Tập đoàn Tuấn Minh Holding (Công ty Tuấn Minh) qua hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh, mua trái phiếu. Viễn cảnh tương lai được Công ty Tuấn Minh vẽ ra rất xán lạn, thế nhưng chẳng bao lâu không ít người đã 'vỡ mộng'.

Phản ánh đến Báo CAND, đại diện cho một nhóm khách hàng đã đầu tư vào đây ước tính gần 100 tỷ đồng cho hay, họ đang đứng trước nguy cơ tiền mất tật mang.

Ngồi trên đống lửa vì trót đầu tư

Nhiều ngày nay, vợ chồng chị Phạm Thùy Linh (Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) như ngồi trên đống lửa vì lo số tiền đã đầu tư vào Công ty Tuấn Minh có nguy cơ không cánh mà bay. Phản ánh đến Báo CAND, chị Linh cho biết, thông qua người quen giới thiệu, chị biết đến Công ty Tuấn Minh đang đầu tư triển khai hệ thống viện dưỡng lão chất lượng cao ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Đại diện cho gần 20 nhà đầu tư đã góp tiền vào Công ty Tuấn Minh phản ánh tới Báo CAND.

Qua thông tin Viện dưỡng lão S-Merciful ở Đà Nẵng được quảng cáo có chất lượng 5 sao và một S-Merciful ở khu Đầm Tiếu, Chương Mỹ, Hà Nội đã được đưa vào hoạt động nên chị đã quyết định ký 2 hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Tuấn Minh. Hợp đồng được ký ngày 8/7/2022 với vốn góp 4 tỷ đồng có thời hạn 12 tháng, hợp đồng ký ngày 14/9/2022 với vốn góp là 2,7 tỷ đồng có thời hạn 6 tháng.

Những tưởng mọi chuyện sẽ tốt đẹp bởi phát triển viện dưỡng lão là xu hướng của tương lai và nhu cầu xã hội rất lớn, thế nhưng chị đã nhanh chóng vỡ mộng. Khi đến kỳ thanh toán, dù đã nhiều lần đề nghị Công ty Tuấn Minh thanh toán bằng văn bản nhưng chị đã không nhận được phản hồi. Thậm chí, thời gian qua không ít lần đến công ty thì công ty đã đóng cửa, mọi liên lạc với những người có trách nhiệm của công ty này cũng rơi vào thinh không.

“Vợ chồng tôi nhiều đêm mất ngủ vì lo lắng. Đây là số tiền mà ông bà ngoại sau khi bán nhà cho tôi để mua nhà, nuôi con. Thời điểm đó, cầm tiền nhưng giá nhà đang quá cao chưa quyết định mua, tin tưởng phía công ty, cũng nghĩ rằng đầu tư vào viện dưỡng lão là một mục đích nhân văn nên tôi đã góp tiền”, chị Linh nói.

300 triệu đồng là tất cả số tiền mà bà Trần Thị Tuyết (198 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội) có vào thời điểm mua trái phiếu của Công ty Tuấn Minh ngày 1/4/2022. Thông qua giới thiệu, bà Tuyết biết lô trái phiếu này công ty phát hành nhằm lấy kinh phí để xây dựng và phát triển dịch vụ dưỡng lão 5 sao tại Chương Mỹ (Hà Nội), Kim Bôi (Hòa Bình)… Đồng thời phía công ty cam kết sẽ mua lại sau một năm phát hành (ngày 18/11/2022).

Cũng nghĩ rằng đây là một loại hình đầu tư nhân văn với mong muốn sau này có thể vào đây nghỉ ngơi lúc tuổi già, có tài sản đảm bảo, lại được cam kết mua lại nên bà Tuyết đã quyết định đầu tư. Thế nhưng, đến nay bà nhận lại được chỉ là những lo lắng, bực bội, mất nhiều công sức đi lại đòi quyền lợi.

“Thời điểm hứa hẹn thanh toán cả gốc lẫn lãi, không thấy động tĩnh gì tôi mới lên công ty yêu cầu làm việc để được làm rõ. Sau nhiều lần mất công đi lại, tôi mới gặp được bà Minh là Tổng giám đốc và được viết giấy hẹn nợ. Nhưng rồi từ đó đến nay phía công ty không có một động thái nào cho thấy sẽ trả tiền. Những người có trách nhiệm thì không gặp được, cũng không liên lạc được bằng điện thoại”, bà Tuyết cho hay.

Có phải chỉ là kịch bản

Bà Tuyết, chị Linh chỉ là 2 trong số hàng chục người đã góp vốn vào Công ty Tuấn Minh gửi đơn cầu cứu tới Báo CAND. Tổng số tiền nhóm người này đã đầu tư ước khoảng 100 tỷ đồng. Tất cả số tiền đều được chuyển về tài khoản của Công ty Tuấn Minh và một số công ty con liên quan đến công ty này. Vấn đề đáng quan tâm là theo phản ánh của những nhà đầu tư này, nhằm huy động tiền của các nhà đầu tư, phía Công ty Tuấn Minh đã đưa ra các thông tin không đúng sự thật về dự án viện dưỡng lão tại nhiều nơi như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

Điển hình như Viện dưỡng lão S-Merciful tại Đà Nẵng đã đi vào hoạt động. Thực tế, viện dưỡng lão này không phải của Công ty Tuấn Minh và chỉ là địa điểm đi thuê và đã đóng cửa. Thời điểm S-Merciful Đà Nẵng dừng hoạt động khoảng tháng 2/2023 do không có giấy phép, nợ tiền thuê đất, tiền thuê cơ sở vật chất đã tạo ra những lùm xùm được báo chí phản ánh rất nhiều. Hay như Viện dưỡng lão S-Merciful ở khu Đầm Tiếu, Chương Mỹ, Hà Nội cũng đã bị chủ đất đòi lại.

Không những vậy, mặc dù chỉ là đất rừng, chưa được UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép đầu tư, nhưng Công ty Tuấn Minh đã đưa ra dự án nghỉ dưỡng 99ha tại Lâm Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình để kêu gọi đầu tư và phát hành trái phiếu. Công ty cổ phần Quốc tế Ngàn Phố (công ty con của Công ty Tuấn Minh) cũng đưa ra những thông tin sai sự thật, không có tài sản đảm bảo và phát hành trái phiếu trái quy định của pháp luật. Ông Vũ Xuân Khang (số 44/169 Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng) bức xúc cho hay, vợ chồng ông đầu tư 500 triệu đồng, không mong muốn lấy lãi mà chỉ để đổi lấy chỗ an dưỡng cho bố.

“Tôi thường phải đi công tác xa, vậy nên vợ chồng mới quyết định đầu tư 500 triệu đồng, không nhận tiền lãi mà đổi lấy chỗ nghỉ và chăm sóc sức khỏe cho bố với thời hạn là 6,5 tháng/năm. Tháng 7/2023, gia đình đưa bố đi nghỉ thì viện dưỡng lão đã đóng cửa, mọi liên lạc đều không kết nối”, ông Khang bức xúc. Ông Khang cho biết thêm, từ đó đến nay dù đã rất nhiều liên hệ với phía công ty đều không được. Tìm đến trụ sở công ty tại tầng 21, tháp A, tòa nhà Sông Đà (đường Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội) hay văn phòng tầng 3, số 84 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) thì đều đóng cửa và không hoạt động.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/dieu-dung-vi-dau-tu-vien-duong-lao-5-sao-vo-mong-vi-tin-loi-co-canh--i720127/