Điều đáng tiếc cho các bảo tàng

Bạn cùng quê vào Sài Gòn chơi, tôi lên lịch dẫn bạn đi thăm thú 'tour một ngày', ít nhiều thể hiện hồn cốt của nơi tôi đang sống. Đó là, sáng tham quan di tích lịch sử dinh Độc Lập, trưa thì hưởng cái mát lành của Thảo Cầm Viên và chiều ghé bảo tàng trong khuôn viên của Thảo Cầm Viên cho lắng đọng sau một ngày ồn ào.

Khi chúng tôi ghé Bảo tàng Lịch sử TPHCM lúc ba giờ rưỡi chiều, mua vé vào cửa 30.000 đồng/người và nhân viên bán vé nhắc nhở bảo tàng đóng cửa lúc 5 giờ chiều. Bạn tôi là người đam mê về văn hóa, lịch sử nên khi vào bảo tàng này, bạn ấy quên cả thời gian và phải được bảo vệ nhắc nhở đôi lần, mới nhớ là hết giờ. Ra về, tôi nói có vẻ am tường, rằng đây là bảo tàng được người Pháp xây và được cho là có đầu tiên ở Sài Gòn, chứa đựng đầy đủ quá trình hình thành, phát triển của dân tộc mình. Còn cậu bạn thì tiếc rẻ, biết vậy ghé sớm hơn để được đi thăm nhiều hơn, mà kỳ thực, theo tôi thì bảo tàng này thăm “kỹ lưỡng” phải mất cả ngày mới đủ.

“Ủa mà sao bảo tàng đóng cửa 5 giờ chiều, khách Tây mình thấy nhiều người họ cũng tiếc”, bạn tôi hỏi và tôi chịu thua. Không chỉ bạn tôi, một doanh nhân kinh doanh khách du lịch quốc tế đi bằng tàu biển nói: “bảo tàng ở TPHCM mà gắn với cái đuôi “chi nhánh” (ý nói bảo tàng của trung ương có chi nhánh ở TPHCM) thì trưa đóng cửa, chiều mở lại y như cơ quan nhà nước, còn bảo tàng của thành phố thì không”.

Tôi không tin lắm nhưng vào trang web của các bảo tàng thì Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TPHCM, số 1 Nguyễn Tất Thành, quận 4, dân dã gọi Bến Nhà Rồng thì mở cửa Thứ Ba đến Chủ nhật, thứ Hai nghỉ, mở cửa 7 giờ 30 đến 11 giờ 30, chiều thì 13 giờ 30 đến 17 giờ. Bảo tàng mà tôi và người bạn đã tham quan ở phần đầu bài viết cũng mở cửa tương tự; còn các bảo tàng khác, nổi tiếng như Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM của Sở Văn hóa và Thể thao thì mở cả ngày, kể cả Chủ nhật.

Vậy nên khi khách du lịch nước ngoài đi theo tour có nhu cầu thăm bảo tàng trúng vào buổi trưa hay ngày thứ Hai thì doanh nghiệp đành phải “móc nối” với nhân viên bảo tàng một cách “không chính đáng cho lắm” để được mở cửa.

Du lịch bảo tàng được xem như con đường ngắn nhất trong việc tìm hiểu văn hóa, lịch sử của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Tại Việt Nam, Theo Cục Du lịch, một số bảo tàng đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, và từng được một số trang web nổi tiếng của thế giới xếp vào danh sách bảo tàng hấp dẫn nhất của khu vực châu Á.

Theo cơ quan này thì năm 2018, trong số 51 bảo tàng được khảo sát, số bảo tàng có số khách đến tham quan từ trên 500.000 lượt chiếm 5,88%; trong đó số bảo tàng có trên 1 triệu lượt khách đến tham quan là 1 bảo tàng, chiếm 1,96%. Tổng số khách đến tham quan 51 bảo tàng này năm 2016: 5,86 triệu lượt khách; năm 2017: 6,35 triệu lượt khách; năm 2018 ước tính 6,24 triệu lượt khách. Có nghĩa tổng lượng khách năm 2018 chưa bằng số khách đến tham quan bảo tàng Metropolitan tại New York, Mỹ (7,4 triệu lượt khách) hay chỉ hơn một nửa số khách đến bảo tàng Louvre, Pháp (với 10,2 triệu lượt).

Như vậy, số lượt khách đến tham quan các bảo tàng ở Việt Nam quá nhỏ so với nhiều bảo tàng trên thế giới và so với chính lượng khách quốc tế và khách du lịch nội địa hàng năm ở Việt Nam. Vì năm 2018, Việt Nam đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, 80 triệu lượt khách du lịch nội địa, có nghĩa 100 khách du lịch thì chỉ có chừng 6 người ghé thăm bảo tàng.

Cũng theo khảo sát này thì 50% số bảo tàng có bán vé với giá vé bình quân 40.000 đồng. Còn tại TPHCM, theo khảo sát của người viết, đa phần có giá vé 30.000 đồng cho các bảo tàng có bán vé, như Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử. Điều đặc biệt là các bảo tàng bán vé lại thu hút nhiều khách tham quan. Doanh nhân kinh doanh du lịch nói trên và cả anh bạn tôi đều cho rằng bảo tàng khá phong phú như mỹ thuật, lịch sử, lưu giữ nhiều hiện vật quý, phải viếng thăm cả ngày mới đáng, nhưng giá vé 30.000 đồng là quá rẻ so với nhiều bảo tàng trên thế giới hoặc các nước xung quanh mà vị doanh nhân biết được.

Còn tôi thì hơi buồn lòng, nhiều bảo tàng mà mình thích đang dần biến thành nơi giữ xe máy, xe ô tô, bán cà phê, thậm chí kinh doanh cây kiểng, nhà hàng tiệc cưới…, trong khi lẽ ra có thể có được nguồn thu lớn từ chính bảo tàng.

Hồng Văn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dieu-dang-tiec-cho-cac-bao-tang/