Điều chúng em muốn nói

Bình đẳng giới bắt đầu từ trong mỗi gia đình - đó là thông điệp ý nghĩa mà nhóm tác giả Hồ Thị Khoa, Hồ Thị Ngân, Hồ Thị Viểu, học sinh lớp 9A, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Đakrông, huyện Đakrông, muốn gửi gắm thông qua tác phẩm tranh đá tham gia cuộc thi 'Sáng tác sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi', lần thứ nhất, năm 2023 có chủ đề 'Gia đình hạnh phúc' do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động.

Nhóm tác giả Hồ Thị Ngân, Hồ Thị Viểu, Hồ Thị Khoa (từ trái sang phải) với tác phẩm “Niềm vui của em” đã đoạt giải Đặc biệt của cuộc thi - Ảnh: NVCC

Tác phẩm đã chạm đến trái tim của người xem và xuất sắc vượt qua 12.718 tác phẩm tranh trên tổng số 13.311 tác phẩm dự thi để giành giải Đặc biệt thể loại sáng tác tranh của cuộc thi.

Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

Được phát động từ ngày 1/5/2023 đến 15/9/2023, cuộc thi “Sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi” lần thứ nhất năm 2023 với tên gọi “Lắng nghe con nói” đã thu hút sự tham gia của hơn 13 nghìn trẻ em các dân tộc trên mọi miền đất nước với 13.311 tác phẩm dự thi.

Các tác phẩm đa dạng về nội dung, phản ánh một số vấn đề thực tế đang tác động, ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập của trẻ em như bạo lực gia đình, phân biệt đối xử giữa con trai, con gái, vấn đề tảo hôn, định kiến giới, khuôn mẫu giới..., thể hiện mong muốn của các em về một gia đình hạnh phúc.

Trong đó có 37 tác phẩm tiêu biểu gồm 20 tranh, 17 clip được lựa chọn vào vòng chung kết. Ở hạng mục sáng tác tranh, giải Đặc biệt đã thuộc về nhóm tác giả Trường Phổ thông dân tộc nội trú Đakrông với tác phẩm mang tên “Niềm vui của em”.

Cô giáo Trần Thị Nhạn (thứ 2 từ phải sang) và nhóm tác giả tham khảo sách báo, tài liệu để tìm ý tưởng cho tác phẩm tham gia dự thi - Ảnh: H.T

Theo đó, tác phẩm tham gia dự thi của nhóm tác giả đến từ tỉnh Quảng Trị không chỉ được hội đồng ban giám khảo đánh giá cao bởi tính sáng tạo, chiều sâu trong bố cục, đường nét, màu sắc mà còn “ghi điểm” bởi cách sử dụng chất liệu vô cùng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

Kể với chúng tôi về quá trình thực hiện tác phẩm, em Hồ Thị Viểu hào hứng nói: “Một lần, trên đường về nhà, em tình cờ thấy những viên đá cuội nhỏ ở bờ suối có thể tạo hình được, em liền nghĩ sao không thử dùng đá cuội, sỏi để làm thành chất liệu mới cho tác phẩm sắp tham gia dự thi. Sau đó, em đã nêu ý tưởng của mình với cô giáo Trần Thị Nhạn, giáo viên Mỹ thuật của nhà trường và các bạn thì được mọi người đồng tình, hưởng ứng”.

Nghĩ là làm, tranh thủ ngày nghỉ, cô trò lại cùng nhau ra bờ suối, bờ sông nhặt từng viên đá cuội về cọ rửa sạch sẽ rồi phân loại theo từng kích cỡ, hình thù. Những viên sỏi nhẵn nhụi, tròn trịa kích cỡ như quả trứng gà được lựa chọn để tạo hình người, những viên nhỏ hơn dùng để tạo hình hoa hay con vật, đồ dùng để gắn vào bức tranh...

Ngoài ra, cô giáo còn gợi mở cho các em học sinh cách sử dụng những mẩu vải thừa từ những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở vùng cao Quảng Trị, kết hợp với thanh tre nứa để làm cho bức tranh đá thêm sinh động, đồng thời thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc Vân Kiều, Pa Kô một cách gần gũi và chân thực nhất.

Nhóm tác giả đều là những học sinh của Trường Phổ thông dân tộc nội trú Đakrông - Ảnh: H.T

Cô giáo Trần Thị Nhạn là người đã phát hiện ra năng khiếu hội họa và đồng hành với các em trong suốt cuộc thi vui mừng chia sẻ với chúng tôi. Là giáo viên trẻ đã gắn bó với học sinh vùng cao ngay từ những ngày đầu đứng trên bục giảng nên cô thấu hiểu và đồng cảm với những suy nghĩ, mong muốn của các em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số về bình đẳng giới, về những rào cản liên quan đến phong tục tập quán, những định kiến giới, khuôn mẫu giới dẫn đến tình trạng bất bình đẳng về cơ hội phát triển giữa trẻ em trai và trẻ em gái, giữa trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số với trẻ em khu vực đồng bằng, thành thị...

"Chính vì vậy, tôi đã định hướng các em sử dụng nghệ thuật để biểu đạt ước mơ, tâm tư, nguyện vọng của mình về sự bình đẳng trong mọi mặt đời sống gia đình. Tác phẩm tranh đá “Niềm vui của em” đã dẫn dắt, lôi cuốn người xem cùng tìm hiểu, khám phá ước mơ, suy nghĩ của trẻ em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số về hạnh phúc, về niềm vui trong cuộc sống hằng ngày thông qua nét vẽ chân thực kết hợp với những chất liệu bản địa mang đậm văn hóa, bản sắc của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và khởi phát sự đổi thay tích cực trong xã hội”, cô Nhạn nói.

Thể hiện ước mơ hạnh phúc và bình đẳng qua tranh đá

Em Hồ Thị Ngân là người dân tộc Vân Kiều, sinh ra và lớn lên ở xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông. Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng cô bé vẫn rất ham học và quyết tâm học thật giỏi để thực hiện được mơ ước của mình.

Em Ngân cho biết: “Rất nhiều bạn bè của em đã đi lấy chồng do vẫn bị trói buộc bởi suy nghĩ lạc hậu hoặc bị gia đình thúc ép... Em mong rằng sau này sẽ làm được nhiều việc giúp cho trẻ em gái, phụ nữ của dân tộc mình phát triển hơn, có cái nhìn rộng mở hơn, giúp mọi người biết được quyền của mình là được bảo vệ, được đi học, đi làm, có tiếng nói trong gia đình”.

Nhóm tác giả và các đại biểu tỉnh Quảng Trị tham dự lễ trao giải Chung kết toàn quốc Cuộc thi Sáng tác sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi mang tên “Lắng nghe con nói” - Ảnh: NVCC

Còn đối với các em Hồ Thị Khoa, người dân tộc Vân Kiều (xã Húc Nghì, huyện Đakrông) và Hồ Thị Viểu, người dân tộc Pa Kô (xã Tà Rụt, huyện Đakrông), hình ảnh những người phụ nữ dân tộc thiểu số ít có tiếng nói quyết định trong nhiều vấn đề trong gia đình và xã hội, mặc nhiên bị gắn trách nhiệm phải lao động nặng nhọc, chăm sóc gia đình, lo toan công việc nội trợ, sinh nhiều con vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày ở bản làng các em. Đặc biệt, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ trong các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số vẫn xảy ra.

“Xuất phát từ chính những điều chúng em chứng kiến, những trải nghiệm từ cuộc sống hằng ngày ở gia đình, bản làng của mình cùng sự định hướng, chỉ bảo tận tình của cô giáo Trần Thị Nhạn, khi có thông tin về cuộc thi, chúng em đã chia sẻ suy nghĩ với nhau và cùng lên ý tưởng để thực hiện bức tranh đá mang tên “Niềm vui của em” để tham gia cuộc thi.

Với chúng em, niềm vui đơn giản là khi được sống với gia đình yêu thương của mình, được ngày ngày cắp sách đến trường, được nâng niu, chăm sóc và được bình đẳng vui chơi với các bạn nam trong bản làng.

Điều đặc biệt hơn là chúng em luôn muốn được nhìn thấy bố chia sẻ công việc gia đình cùng với mẹ. Khi mỗi thành viên trong gia đình đều tìm được niềm vui từ sự bình đẳng, sẻ chia và quan tâm lẫn nhau thì đó chính là hạnh phúc. Chúng em tin rằng, khi nhiều gia đình hạnh phúc sẽ làm nên một cộng đồng, một xã hội hạnh phúc”, em Hồ Thị Ngân, đại diện nhóm tác giả chia sẻ về ý nghĩa của tác phẩm vừa đoạt giải.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-su-ghi-chep/dieu-chung-em-muon-noi/183507.htm