Điều chỉnh những bất cập trong kinh doanh vận tải

Không ít những bất cập trong hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô đang tồn tại được Hiệp hội Vận tải Hà Nội thẳng thắn chỉ rõ, kiến nghị tới Cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về giao thông. Qua đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã nắm bắt, tiếp thu và có điều chỉnh khẩn trương, phù hợp theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).

Kinh doanh vận tải khách bằng ô tô đã được Bộ GTVT tiếp thu, điều chỉnh các quy định quản lý ngày một hiệu quả hơn. Ảnh: HO

Bất cập trong vận tải hành khách bằng ô tô

Theo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, sau khi Hiệp hội có công văn gửi kèm 73 trang ảnh phản ánh tình trạng “xe dù, bến cóc” trên cả nước, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết kiến nghị. Bộ GTVT có văn bản (ngày 14/7/2016) gửi các tỉnh, giao nhiệm vụ cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT triển khai.

Đến nay, Hiệp hội đã được các Sở GTVT: Bà Rịa - Vũng Tàu, Lào Cai... thông báo một số kết quả triển khai; TP Hồ Chí Minh đã đình chỉ hoạt động bến xe trá hình của Công ty Thành Bưởi, song tình trạng xe giả danh xe chạy hợp đồng chạy tuyến cố định vẫn phát triển rầm rộ như tại: Thái Nguyên, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế...

Một bất cập khác mà Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề cập đó là Quyết định 2288/QĐ-BGTVT ngày 26/6/2015 phê duyệt chi tiết tuyến vận tải cố định liên tỉnh toàn quốc đến năm 2020 định hướng đến năm 2030. Quyết định này gây rất nhiều khó khăn cho DN và các Sở GTVT vì bến xe chưa ổn định, chưa khảo sát lưu lượng khách, chưa có quy hoạch tần suất. Trong khi đó, Bộ GTVT đưa vào quy hoạch chi tiết, DN và Sở GTVT muốn điều chỉnh thay đổi đều phải xin ý kiến của Bộ.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là cách quản lý còn bất cập, bởi việc quản lý nói trên được ví như “bàn tay” của Bộ GTVT đang với xuống 63 tỉnh, thành để phê duyệt việc tăng chuyến, chạy theo tuyến nào, chạy đường nào. Đây là điều không cần thiết mà chỉ nên tập trung cập nhật các nội dung do các Sở GTVT và DN đề xuất.

Điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi cho DN

Sau khi nhận được kiến nghị về tình trạng “xe dù, bến cóc”, thực tế, Bộ GTVT đã phối hợp cùng Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng. Cụ thể, chỉ đạo lực lượng Công an, Thanh tra giao thông tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Bộ GTVT cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó có điều chỉnh một số nội dung nhằm tăng cường công tác quản lý đối với loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng. Công tác kiểm tra thông tin từ thiết bị giám sát hành trình và rà soát việc cấp phù hiệu xe hợp đồng cũng được ngành Giao thông nâng cao kiểm tra, xử lý vi phạm.

Liên quan đến ý kiến về bất cập trong quản lý luồng tuyến vận tải cố định, Bộ GTVT cho biết, đã tiếp thu và điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi cho đơn vị kinh doanh trên cơ sở đảm bảo thực hiện đúng Khoản 4 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Đến ngày 30/8/2016, Bộ GTVT cũng đã ban hành quyết định hướng dẫn về phương pháp tính toán công suất bến xe khách. Hiện nay, các Sở GTVT đã thực hiện công bố công khai biểu đồ chạy xe trên các tuyến cố định. Mới đây nhất, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86/2014/NĐ-CP đã được rà soát, điều chỉnh các thủ tục giấy tờ nhằm đơn giản hóa việc cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu cấp cho phương tiện... Cho thấy nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực vận tải của ngành đã và đang tiếp tục được điều chỉnh phù hợp hơn.

Hiện nay, Bộ GTVT đang tiếp tục triển khai phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải theo Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT ngày 6/5/2015; tiếp tục duy trì hệ thống thông tin điện tử, xử lý kiến nghị và kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Bộ này cũng ban hành Thông tư 21 có hiệu lực thi hành từ 15/10/2016, tiếp tục triển khai thực hiện công tác trợ giúp pháp lý cho DN theo Quyết định số 4447/QĐ-BGTVT.

Hữu Oanh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/an-toan-giao-thong/dieu-chinh-nhung-bat-cap-trong-kinh-doanh-van-tai_t114c1146n111724