Diễn viên Việt Anh: Qua hai lần đò, tôi thấy mình nên cô độc

Sau nhiều vai tù tội, nghiện ngập, Việt Anh lột xác hoàn toàn với hình tượng người chiến sĩ biên phòng trong 'Cuộc chiến không giới tuyến' (đạo diễn Danh Dũng).

Ngoài chuyện nghề, anh chia sẻ với Báo Giao thông về cuộc sống sau những thăng trầm, sóng gió của hai cuộc hôn nhân không trọn vẹn.

Sẵn sàng thay đổi khi vào vai tử tế

Tạo hình của Việt Anh trong vai trung tá Trung - Đồn trưởng đồn biên phòng Mường Luông trong phim "Cuộc chiến không giới tuyến".

Thường xuất hiện trong dạng vai tù tội, ăn chơi trên màn ảnh, lần đầu hóa thân thành chiến sĩ biên phòng, anh có gặp nhiều khó khăn?

Vai diễn Đồn trưởng Trung là nấc thang mới và là thử thách lớn khiến tôi phải dành nhiều công sức để chinh phục. Thách thức đầu tiên là tác phong, phong thái, các khẩu lệnh, điều lệnh. Đây là những điều người diễn viên không gặp trong đời sống hàng ngày.

Bộ phim "Cuộc chiến không giới tuyến" xoay quanh Trung tá Trung (Việt Anh) - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Luông. Anh và các đồng đội ngày đêm canh giữ biên cương, chiến đấu với tội phạm ma túy, buôn lậu và thực hiện nhiều công tác đặc thù khác để giúp cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số tốt hơn. Một tuyến truyện khác là câu chuyện của Hiếu (Trần Kiên) - em trai của Trung, vốn ngỗ ngược nhưng dần dần trưởng thành trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại một đơn vị Hải quân.

Phim quy tụ nhiều dàn diễn viên thực lực như: NSƯT Hoàng Hải, NSƯT Ngọc Tản, Tú Oanh, Việt Anh, Thu Quỳnh, Tô Dũng, Hà Việt Dũng, Việt Bắc…

Ngoài ra, đối với những vai diễn đời thường, chúng ta có thể "tô vẽ" thêm cho nhân vật đó. Nhưng đối với hình tượng người chiến sĩ quân đội nhân dân, đặc biệt là một chỉ huy thì rất khó. Sẽ có phần nào đấy khô khan, nhưng không có nghĩa không có gì để làm. Người diễn viên phải sáng tạo nhiều hơn bình thường.

Tuy nhiên, vai diễn vẫn có thuận lợi. Ở góc nhìn của một người đàn ông, người chiến sĩ họ phải xa nhà, không thể ở bên người thân những lúc quan trọng nhất, thậm chí cả những lúc sinh ly tử biệt. Nghe những trường hợp như vậy tôi rơi nước mắt.

Rõ ràng, bên trong lớp áo sĩ quan là những trăn trở, những nỗi niềm đôi khi không nói được với ai. Tôi nghĩ đây là chất liệu tốt để có thể khai thác, khiến vai diễn trở nên gần gũi hơn.

Tôi cũng rất vui và tự hào khi lần đầu được khoác áo lính mà không phải diễn viên nào cũng có cơ hội như vậy. Vai Trung cũng giúp tôi thực hiện được một điều ước là làm người tốt trên màn ảnh (cười).

Cũng có ý kiến cho rằng, ngoại hình, diễn xuất của Việt Anh vẫn hợp tuýp "trai hư" hơn?

Có một thực tế là những nhân vật tử tế, chính diện bao giờ cũng khó thu hút, ấn tượng hơn vai phản diện. Nhưng không phải vì điều đó mà mình né tránh. Bản thân tôi cũng thấy mình cứ làm mãi điều gì cũng sẽ nhàm chán, một màu.

Dù nhân vật tử tế của tôi chưa thực sự xuất sắc, nhưng tôi nghĩ đó cũng là một sự chuyển hướng đúng lúc, vì không ai muốn đóng nhân vật tù tội mãi. Tôi không muốn cứ Việt Anh xuất hiện, chưa lên sóng mọi người đã bảo đi tù rồi, chẳng còn yếu tố bất ngờ nữa!

Tôi làm nghề đến nay đã gần 20 năm, phần lớn đều đảm nhiệm tuyến nhân vật phản diện. Tôi chấp nhận rằng bất cứ một giai đoạn giao thời nào cũng sẽ có những lúc trồi sụt. Vì vậy, để thay đổi tư duy, góc nhìn của khán giả không thể ngày một, ngày hai được.

Tôi sẵn sàng thay đổi tức là tôi chấp nhận giai đoạn đầu còn chưa thật sự hoàn hảo. Tôi cũng không tham vọng phim nào của mình cũng thành công. Điều đó gần như là không tưởng.

Tin vào sự sắp đặt của số phận

Diễn viên Việt Anh.

Ngoài đời thực, Việt Anh có điểm nào tương đồng với Đồn trưởng Trung không?

Điều tôi thích nhất ở vai diễn lần này là Trung có những nét tương đồng với cuộc sống của tôi hiện tại. Tôi cũng có mất mát, thiệt thòi mà đôi khi không nói được với ai. Đó là cơ hội tôi đưa đời sống của mình vào nhân vật và là điều tôi luôn đau đáu khi làm những nhân vật có những số phận có gia đình không may mắn.

Sự mất mát, thiệt thòi với tôi đó là sự đánh đổi, chấp nhận khi mình dành quá nhiều thời gian cho một thứ bên ngoài, sẽ không thể nào chu toàn cho một cuộc sống gia đình. Gia đình phải là vun vén, gia đình phải là hy sinh.

Sau hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, anh có vẻ thay đổi nhiều, từ hướng đi trong sự nghiệp đến tính cách và dường như anh có vẻ trầm lắng hơn?

Không ai muốn dang dở, nhất là chuyện hôn nhân. Không ai muốn làm một bộ phim truyền hình quá nhiều tập về gia đình cả. Tôi luôn ao ước có một gia đình thực sự, một sự ổn định, một tổ ấm đúng nghĩa. Nhưng, đôi khi cái mình muốn và thực tế là một câu chuyện khác nhau.

Qua hai lần đò, tôi thấy mình thuộc nhóm những người nên sống cô độc để bớt ảnh hưởng tới người khác. Tôi đọc nhiều sách về đạo Phật, tâm linh hơn và nhận ra rằng, mọi việc trên đời đều có duyên số. Nhiều người may mắn có gia đình êm ấm, nhưng có người nỗ lực đến mấy cũng chẳng giữ được hạnh phúc. Đó là sự sắp đặt của số phận.

Khi chúng ta hiểu được bản chất sẽ cảm thấy rất nhẹ lòng, cuộc sống này không có thù hận, sân si gì cả. Chúng ta đến với nhau là chúng ta có duyên, chúng ta đi là hết duyên. Không có gì phải hằn học để gieo nghiệp không đáng có, để rồi phải tự gánh lấy những nghiệp đó.

Lên tiếng không phải để chứng minh

Việt Anh cảm thấy mệt mỏi, sợ hãi khi nghĩ đến những ồn ào về chuyện riêng.

Anh có thấy phiền khi chuyện hôn nhân của mình đã là quá khứ, nhưng liên tục bị lôi ra bàn tán?

Từ trước đến giờ chưa bao giờ tôi muốn đem chuyện đời tư phơi bày trước công chúng. Tuy nhiên, trong thời điểm nào đó nếu câu chuyện thật sự làm ảnh hưởng đến tôi và những người thân trong gia đình, tôi chắc chắn sẽ lên tiếng. Tôi lên tiếng không phải để chứng minh điều gì mà là công chúng cần hiểu sự thật, cần hiểu những điều đúng đắn. Còn trong trường hợp không cần lên tiếng, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm.

Có thể tôi may mắn được công chúng quan tâm nên bất cứ biến động gì trong cuộc sống đều được mọi người cập nhật. Đó cũng là lý do dễ đem đến đến sự ồn ào. Nhất là khi sự đổ vỡ bao giờ cũng ồn ào lớn hơn so với cuộc sống yên bình hạnh phúc.

Tôi rất mệt mỏi, sợ hãi khi nghĩ đến những ồn ào ấy. Cũng vì thế mà tôi không muốn đi bước nữa. Tôi thấy mình không còn đủ sức để chịu đựng thêm lần nào nữa.

Nhưng Việt Anh vẫn sẽ yêu chứ?

Tôi vẫn tin vào tình yêu. Giữa hôn nhân và tình yêu là hai chuyện khác nhau. Đó là lý do vì sao có những người liên tục thất bại trong hôn nhân, nhưng có những người chẳng có khái niệm gì về hôn nhân nhưng họ vẫn hạnh phúc, vẫn thành công.

Nếu như gặp được một người phụ nữ đồng cảm, họ xác định và chấp nhận rằng mối quan hệ chỉ như hai người bạn thì tôi sẵn sàng tiến tới, nếu không thì thôi. Tôi không cố để đưa người ta đến với mình, hứa hẹn nhiều điều, sau đó lại làm cho người ta thất vọng.

Cảm ơn anh!

Việt Anh sinh năm 1981 tại Hà Nội. Anh được biết đến qua loạt vai diễn nổi tiếng trong các dự án phim truyền hình của VFC như: "Chạy án", "Khi đàn chim trở về", "Tình yêu không hẹn trước", "Chỉ có thể là yêu", "Người phán xử", "Sinh tử", "Mê cung", "Hướng dương ngược nắng", "Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ"…

Diễn viên từng trải qua hai cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Anh kết hôn với BTV Thùy Linh vào năm 2005. Cặp đôi ly hôn 5 năm sau đó. Năm 2015, anh đăng ký kết hôn với Hương Trần, cả hai có con trai Đậu Đậu (8 tuổi). Năm 2019, cặp đôi thông báo đường ai nấy đi.

Phương Thảo (thực hiện)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dien-vien-viet-anh-qua-hai-lan-do-toi-thay-minh-nen-co-doc-192230928230435793.htm