Điện về mang theo ánh sáng văn hóa, nâng cao đời sống người dân vùng khó

Bên cạnh mục tiêu đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, các công ty điện lực ở những địa phương vùng cao phía Bắc thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã và đang tập trung mọi nguồn lực, phối hợp với các bên liên quan đưa điện về các thôn, bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Được khởi công từ tháng 8/2021, các gói thầu ở bản Huổi Múa B, bản Huổi Hoa A2 (xã Keo Lôm), bản Là Sảnh B (xã Xa Dung), huyện Điện Biên Đông (gói thầu số 37), thuộc dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014 - 2020 vừa được Công ty Điện lực Điện Biên (PC Điện Biên) hoàn thành kiểm tra kỹ thuật trước khi đóng điện đưa vào vận hành đúng tiến độ. Để đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình, PC Điện Biên đã phối hợp với Ban Quản lý dự án chuyên ngành Sở Công Thương tỉnh Điện Biên tổ chức kiểm tra kỹ thuật, nghiệm thu đóng điện tại Điện Biên Đông. Cụ thể, 3 trạm biến áp với tổng công suất 113 kVA, được xây dựng mới với tổng mức đầu tư hơn 13 tỷ đồng cho 120 hộ khách hàng, đã được xây dựng và đưa vào sử dụng.

Công trình hoàn thành giúp đời sống các hộ dân hưởng từ dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia ổn định, tạo điều kiện cho các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng trong khu vực… Điện về không chỉ mang theo ánh sáng văn hóa, các thông tin thời sự được cập nhật tốt hơn mà người dân còn có thể thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao đời sống tinh thần cũng như sản xuất của bà con.

Kiểm tra đường dây đưa điện lưới quốc gia về vùng khó khăn

Kiểm tra đường dây đưa điện lưới quốc gia về vùng khó khăn

Ông Vàng A Bông, Chủ tịch UBND xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông chia sẻ: Trước đây, khi chưa có điện, cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Khi muốn mua các loại máy móc, thiết bị về phục vụ sản xuất, phục vụ cuộc sống nhưng không vận hành được. Thiếu các thiết bị nghe, nhìn nên người dân cũng hạn chế tiếp cận được với các loại hình thông tin. Ngay cả đến việc sạc điện thoại di động cũng phải sang bản khác sạc nhờ. Bây giờ có điện chắc chắn cuộc sống của bà con chúng tôi sẽ có sự đổi thay; sắm được các đồ dùng thiết yếu như: Tivi, nồi cơm điện, tủ lạnh… và các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất…

Không chỉ với người dân xã Keo Lôm, Xa Dung, cũng tại huyện Điện Biên Đông ngành Điện còn vừa đầu tư xây mới các trạm biến áp tại các bản bản Phì Sua A, bản Phì Sua B để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Điện lực Điện Biên Đông cho biết: Tại các điểm trên đã được đầu tư cấp điện từ lâu. Tuy nhiên, bán kính cấp điện xa nên chất lượng điện áp không ổn định. Vì vậy, ngành Điện đã đầu tư xây dựng mới các trạm biến áp, vừa giảm tải cho các trạm cũ, vừa nâng cao chất lượng điện áp, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Bên cạnh đó, PC Điện Biên còn tích cực, chủ động kiểm tra và khắc phục khiếm khuyết hệ thống truyền tải điện trên địa bàn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khó khăn của tỉnh. Tại xã Sín Thầu, xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé), từ năm 2011, hệ thống lưới điện quốc gia đã được đầu tư xây dựng và đưa vào phục vụ nhân dân. Với đặc điểm lưới điện được xây dựng trên đồi núi cao, khoảng vượt sông, suối lớn, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra giông lốc nên không thể tránh khỏi các khiếm khuyết trên hệ thống lưới điện như: Cột bị nghiêng, rạn nứt thân, ngọn cột. Sau mỗi đợt mưa giông, Điện lực Mường Nhé chủ động kiểm tra, rà soát hệ thống lưới điện bằng các thiết bị chuyên dụng để kịp thời phát hiện các khiếm khuyết.

Công nhân ngành Điện kiểm tra trạm 110kV bằng camera nhiệt

Công nhân ngành Điện kiểm tra trạm 110kV bằng camera nhiệt

Đến hết tháng 9/2022, PC Điện Biên đã hoàn thành 8 danh mục công trình theo đúng kế hoạch được giao. Khối lượng đường dây và trạm biến áp hoàn thành bao gồm: Xây dựng mới và cải tạo 11,962km đường dây 35kV; 6,49km đường dây 22kV; 49,676km đường dây 0,4kV; 0,611km cáp ngầm. Lắp đặt mới 40 trạm biến áp, cải tạo 10 trạm biến áp, tổng công suất 8.080 kVA. Các công trình được thực hiện đầu tư trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và các huyện: Mường Ảng, Tuần Giáo, Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Nhé. Công ty thực hiện cấp điện đến 10/10 huyện thị, thành phố với 129/129 xã phường có điện, đạt tỷ lệ 100%. Từ đầu năm đến nay, PC Điện Biên đã cấp điện mới cho 4.949 khách hàng, số hộ dân được dùng điện lưới quốc gia trong tỉnh đạt tỷ lệ 92%.

Thời gian tới PC Điện Biên tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương tỉnh thực hiện đưa ánh sáng về với một số hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa có điện lưới quốc gia.

Lai Châu: 97% thôn, bản có điện lưới quốc gia

Tại Lai Châu, năm 2021, Công ty Điện lực Lai Châu (PC Lai Châu) đã hoàn thành chỉ tiêu 97% thôn, bản trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia. Các thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia đang được PC Lai Châu triển khai các giải pháp để sớm đưa ánh sáng lưới điện về những địa phương này.

Điện lực Mường Tè phối hợp với huyện đoàn tuyên truyền các dịch vụ điện cho khách hàng

Điện lực Mường Tè phối hợp với huyện đoàn tuyên truyền các dịch vụ điện cho khách hàng

Mường Tè là huyện vùng cao, biên giới có diện tích tự nhiên rộng nhất Lai Châu. Đây cũng là địa bàn có lưới điện lớn nhất của PC Lai Châu, nhiệm vụ đảm bảo an toàn lưới điện đã được Điện lực Mường Tè chủ động triển khai. Ông Phạm Chiến Thắng – Giám đốc Điện lực Mường Tè cho biết: Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, sản xuất kinh doanh điện trên địa bàn huyện Mường Tè có 14 đơn vị địa hành chính, diện tích tự nhiên trên 267.848 ha, trên 577 km từ đường dây 0,4 đến 35kV, 122 trạm biến áp phân phối. Với đặc thù là huyện vùng cao, biên giới nên phần lớn khách hàng là người dân tại các bản ở vùng sâu, vùng xa, lưới điện trải dài, chạy qua những địa hình phức tạp.

Thực hiện chủ trương của PC Lai Châu, Điện lực Mường Tè đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn lưới điện, cung cấp điện phục vụ nhu cầu của người dân. Bản Pa Ủ, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè thuộc vùng cao biên giới. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành Điện, hiện người dân nơi đây đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Từ ngày có điện, cuộc sống sinh hoạt của bà con được cải thiện nhiều hơn, người dân trong bản tập trung lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng vùng biên vững mạnh.

Thu Phương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dien-ve-mang-theo-anh-sang-van-hoa-nang-cao-doi-song-nguoi-dan-vung-kho-20221111164540025.htm