Diện mạo tam nông

Sau 12 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Tam Nông đã khoác lên mình diện mạo mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; nhiều miền quê yên bình, đáng sống. Đặc biệt, huyện đã hoàn tất hồ sơ, thủ tục đề nghị Trung ương công nhận hoàn thành chương trình xây dựng NTM.

Đường giao thông, cảnh quan xã NTM nâng cao Dân Quyền được đầu tư xây dựng, chỉnh trang sạch, đẹp.

Tam Nông là huyện miền núi nằm ở phía Đông Nam của tỉnh. Với lợi thế tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, là đầu mối giao thông vận tải quan trọng của tỉnh, nhiều tuyến đường huyết mạch chạy qua... huyện được xác định là vùng kinh tế trọng điểm về công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, bắt tay xây dựng NTM, huyện gặp nhiều khó khăn bởi xuất phát điểm còn thấp, tình hình kinh tế - xã hội chưa thực sự phát triển. Song, chính những khó khăn này đã thôi thúc tinh thần đoàn kết, quyết tâm phát triển quê hương, nhất là trong công cuộc xây dựng NTM, biến vùng đất đồi núi trở thành miền quê đáng sống.

Theo đồng chí Đỗ Hùng Sơn- Phó Chủ tịch UBND huyện, xuất phát từ tình hình thực tế, huyện đã xác định công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM phải được đặt lên hàng đầu. Huyện cũng chủ trương lấy hộ gia đình là hạt nhân để vận động xây dựng NTM. Đồng thời, chủ động xây dựng, ban hành các nghị quyết, đề án, chương trình, phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM; thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để nâng cao hiệu quả cũng như góp phần giảm kinh phí đóng góp đối ứng của nhân dân. Nhìn lại quá trình xây dựng NTM, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, vào cuộc của các ngành, địa phương, đồng thuận của người dân đã tiếp thêm sức mạnh để hoàn thành các tiêu chí, đưa huyện trở thành huyện NTM theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXX đã đề ra.

Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành tiêu chí NTM được huyện triển khai quyết liệt. Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp, đô thị, thương mại, tạo động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mạng lưới giao thông của huyện với 80% được cứng hóa đã tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh giao thương với các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Đi đôi với giao thông, hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư đồng bộ và phân cấp quản lý gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu sản xuất, dân sinh. Hệ thống điện lưới được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, đảm bảo nguồn cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện cũng được đầu tư xây dựng hoàn thiện, thu hút nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tăng thu ngân sách. Đáng chú ý, từ năm 2020 đến nay, với những chính sách, cơ chế phù hợp, linh hoạt được thực thi đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thu hút đầu tư 24 dự án tư nhân với tổng vốn gần 27.000 tỉ đồng.

Thành tựu nổi bật trong 12 năm xây dựng NTM ở Tam Nông là kinh tế có tăng trưởng đột phá, dần khẳng định vị trí, vai trò là vùng động lực kinh tế của tỉnh. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng (giảm tỉ trọng nông nghiệp, tăng công nghiệp, dịch vụ), phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, các thành phần kinh tế phát triển mạnh, đặc biệt là kinh tế tư nhân, đóng góp cho tăng trưởng, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.

Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thông qua các chương trình, nội dung hỗ trợ của Trung ương, tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao đi đôi với phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

Nhờ vậy, giá trị bình quân trên cùng diện tích canh tác và nuôi trồng thủy sản của huyện đạt 125,3 triệu đồng/ha/năm. Nhiều mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả được triển khai, nhân rộng. Địa bàn cũng đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương.

Kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng, đạt gần 49 triệu đồng/người/năm, tăng gần ba lần so với năm 2011 đã tạo thuận lợi trong huy động nguồn lực phục vụ xây dựng NTM, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2011-2022, người dân đã đóng góp khoảng 133 tỉ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Đến nay, 100% xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM, trong đó hai xã công nhận xã NTM nâng cao, 15 khu dân cư NTM kiểu mẫu, thị trấn Hưng Hóa đạt chuẩn đô thị văn minh. Các chỉ tiêu, tiêu chí NTM được duy trì, nâng cao chất lượng, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét.

Trên quê hương Tam Nông hôm nay, sự đổi thay đang ngày càng hiện hữu và khởi sắc, bức tranh kinh tế - xã hội có nhiều gam màu tươi sáng. Với quan điểm “Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, từ sức mạnh của tinh thần đoàn kết, của ý chí, sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng môi trường cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Khánh Duy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/dien-mao-tam-nong/203807.htm