Diện mạo mới ở Lam Vỹ

Những năm gần đây, xã vùng sâu, vùng xa Lam Vỹ (Định Hóa) đã 'thay da đổi thịt', không còn là 'cái rốn đói nghèo', 'vùng lõm thông tin'.

Tuyến đường dài 3km vào khu dân cư Cà Đơ, xã Lam Vỹ (Định Hóa) được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng, giúp người dân đi lại, giao thương hàng hóa dễ dàng. Ảnh: T.L

Từ TP. Thái Nguyên, chúng tôi ngược đường lên Lam Vỹ bằng xe máy. Đi dưới màn mưa nhẹ, cảm nhận hơi lạnh ngày Đông như những mũi kim đâm vào da thịt, gợi cho tôi nhớ lại ít năm trước lên vùng đất này, cán bộ, nhân dân trong xã thường trực câu cửa miệng: Xa nhất, khó khăn nhất là Lam Vỹ. Nổi tiếng cả nước là miền Cà Đơ, tôi đã lên đó bằng cách đi bộ qua gần chục khúc suối, rồi leo đèo, ngắm hoa chuối đỏ rực giữa rừng.

Mải nghĩ, chúng tôi đã đến trung tâm xã từ khi nào. Nhìn đồng hồ thấy còn sớm, chưa đến giờ hẹn làm việc, chúng tôi tranh thủ ghé chợ. Chị Ma Thị Hiền, chủ quán hàng gia dụng gần cổng chợ vồn vã: Chắc các bác “đi phượt” nên vừa sớm đã đến rồi. Quê em chợ mùng 5, mùng 10 tính theo lịch dương, trong tháng cứ 5 ngày có 1 phiên chợ…

Qua câu chuyện chúng tôi được biết thêm: Chợ Lam Vỹ được Nhà nước đầu tư xây dựng, hoàn thiện đưa vào sử dụng trong năm 2023. Chợ phiên nhưng ngăn nắp, sạch đẹp, bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ. Những ngày cuối năm, phiên chợ đông vui, nhộn nhịp hơn. Nhiều giao dịch mua - bán của bà con không sử dụng tiền mặt. Bà Hạc Thị Nhung, một người mua hàng, vồn vã nói với chúng tôi: Cái điện thoại thông minh không chỉ để nghe, gọi, quay phim, chụp ảnh, mà còn là "cái ví đựng tiền" của cả nhà, nên đi chợ chỉ cần cái điện thoại là đủ.

Ít năm trước, chuyện mua bán không dùng tiền mặt ở xã Lam Vỹ còn là việc... không tưởng. Bởi nói đến Lam Vỹ, người ta nghĩ ngay đến một trong những vùng đất xa xôi nhất, khó khăn nhất, lạc hậu nhất của tỉnh Thái Nguyên. Nhưng tất cả nay đã trở thành quá vãng.

Năm 2023, Chợ 4.0 Lam Vỹ được đầu tư xây dựng, nâng cấp với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.

Bây giờ, đời sống của nhân dân Lam Vỹ đã vươn lên, có điện lưới quốc gia; giao thông từ trung tâm xã đến các xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; dịch vụ viễn thông, Internet phủ sóng. Ngay cổng chợ trung tâm xã được ghi dòng chữ: “Chợ 4.0”. Ông Triệu Văn Đạo, nhà ở khu dân cư Cà Đơ phấn chấn: Năm trước còn bỡ ngỡ, giờ hầu hết bà con đã sử dụng thành thạo Internet. Cả bọn trẻ chưa đi học, chưa biết chữ, mẹ cho mượn điện thoại thì nghe nhạc, học hát qua mạng Internet...

Cà Đơ trước đây là một xóm nhỏ nằm trên lưng núi cao chất ngất. Đường đất đỏ ối, nhiều đoạn bị mưa khoét thành hào sâu, đi lại rất khó khăn. Nhưng nay đã có đường bê tông cho người dân đi lại, giao thương. Giao thông thuận lợi, một số xóm được sáp nhập lại. Trước đây là Cà Đơ, Khau Viềng, Nà Tấc, nay gộp lại thành xóm Bình Sơn. Các xóm Làng Hống, Nà Loòng, Đồng Kền gộp lại thành xóm Tam Hợp. Rồi Nà Đin, Nà Tiếm sáp nhập thành xóm Văn La 1; Bản Cái, Bản Tồng sáp nhập thành Văn La 2...

Ông Hạc Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Lam Vỹ, tâm đắc: Trước đây xã có 20 xóm, từ cuối năm 2019 sáp nhập lại còn 10 xóm. Việc sáp nhập giúp cho đội ngũ cán bộ từ xã đến các xóm trở nên năng động hơn. Hiện nay, xã có 1.108 hộ, 4.506 nhân khẩu, đời sống kinh tế của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, chỉ có một số hộ tham gia làm dịch vụ.

Nông dân xã Lam Vỹ đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Về xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến 2023, xã đã huy động tổng nguồn lực được gần 184 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp và các nguồn khác là gần 59 tỷ đồng. Riêng giai đoạn từ năm 2020 đến 2023, xã huy động được hơn 62,3 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp và các nguồn khác là gần 20 tỷ đồng. Đến nay, xã đã đạt 19/19 tiêu chí và 57/57 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.

Câu chuyện giảm nghèo bền vững được bà Hứa Thị Hôn, công chức văn hóa - xã hội của xã, chia sẻ: Hiện trong xã có hơn 2.800 người ở độ tuổi lao động, trong đó có hơn 2.000 lao động qua đào tạo, gần 800 người có bằng cấp, chứng chỉ. Đó là một thuận lợi để người dân Lam Vỹ tìm kiếm cơ hội việc làm, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hiện nay, xã có hơn 30 người ra nước ngoài làm việc có ký kết hợp đồng lao động với các đơn vị tuyển dụng, gần 600 người đi làm công nhân tại các doanh nghiệp. Hầu hết con em Lam Vỹ ra ngoài làm việc không bị vướng vào các tệ nạn xã hội. Họ có tiền lương mang về để ổn định cuộc sống gia đình, đầu tư phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao, thu nhập bình quân đạt hơn 43 triệu đồng/người/năm. Xã không còn hộ ở nhà tạm; số hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 8,76%...

Cán bộ, nhân dân xã Lam Vỹ đã đồng thuận trong suốt hành trình giảm nghèo, từng bước rút ngắn khoảng cách chệnh lệch về đời sống vật chất, văn hóa tinh thần với các xã ở khu vực trung tâm huyện. Một Lam Vỹ bắt đầu thay đổi từ nhận thức của mỗi người dân.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202312/dien-mao-moi-o-lam-vy-990095b/