Diên Khánh: Nông dân gặp khó vì thiếu sân phơi lúa

Hiện nay, nông dân huyện Diên Khánh gặp rất nhiều khó khăn trong việc phơi lúa, nhất là trong mùa gặt. Tuy nhiên, địa phương vẫn chưa có giải pháp khả thi cho vấn đề này.

Thiếu sân phơi

Những ngày này, nông dân huyện Diên Khánh tập trung thu hoạch lúa đông xuân, đi đâu cũng thấy lúa. Người dân phơi lúa tràn ra quốc lộ, đường lớn, ngõ xóm đến vỉa hè... Ông Huỳnh Văn Toàn (thôn Nam 1, xã Diên Sơn) cho hay, lúa gặt xong nếu không được phơi kịp thời sẽ hỏng hay giảm chất lượng, mất giá. Do hợp tác xã (HTX) không còn sân phơi, các sân chung dành cho tập thể hay sân riêng của gia đình cũng không còn, buộc ông phải phơi lúa ra đường. Tương tự, bà Huỳnh Thị Thu Hà (thôn Thanh Minh, xã Diên Lạc) cũng đem lúa phơi ra đường do không có sân phơi. Theo bà Hà, vụ gặt diễn ra 10-15 ngày nên nông dân sẽ gom nhanh lúa khô và trả lại mặt đường cho các phương tiện đi lại. Để giảm thiểu ảnh hưởng đến giao thông, người dân chỉ tận dụng phơi tại các đường trong khu dân cư mới, chưa có nhiều hộ đến ở.

Nông dân phơi lúa trên đường.

Theo ông Ngô Phước Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Diên Sơn, việc phơi lúa trên đường là có thật vì nông dân phải đang “vật lộn” với tình trạng thiếu sân phơi. Hiện nay, sân phơi HTX không còn, sân nhà dân cũng đã chia nhỏ hay làm mái che, không phù hợp để phơi, chỉ còn một số ít nơi có chỗ phơi như sân chùa, sân văn hóa thôn nhưng diện tích nhỏ, rất khó để người dân tập trung phơi lúa. Địa phương cũng chưa có giải pháp gì khả thi để tháo gỡ khó khăn này cho người dân.

Bà Phan Thị Xuân Hương - Chủ tịch UBND xã Diên Lạc cho biết, thời gian trước, nông dân một số xã kề bên đem lúa ra phơi trên Quốc lộ 27C hay người dân trong xã phơi trên đường D6. Xã đã vận động, yêu cầu người dân không được phơi lúa trên các tuyến đường này gây cản trở giao thông nên hiện nay, các tuyến đường này đã thông thoáng...

Cố gắng tìm giải pháp

Ông Nguyễn Xuân Thọ - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Diên Khánh cho biết, vấn đề này, trách nhiệm chính là các địa phương bởi hiện nay, các HTX phần lớn không còn sân phơi, nhà kho do giải thể hay chuyển đổi kinh doanh. Những nơi có sân phơi cũng không đáp ứng được số lượng lớn nhu cầu phơi trong vụ gặt. Chính vì vậy, nông dân phơi lúa ra đường cũng là việc bất đắc dĩ. Tuy nhiên, huyện đã có văn bản đề nghị các địa phương cấm nông dân phơi lúa trên các tuyến đường lớn nhằm tránh gây cản trở lưu thông và đảm bảo an toàn giao thông.

Theo ông Lê Công Bảo - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh, giai đoạn 2015-2020, chính sách phát triển kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới có hỗ trợ các địa phương xây dựng sân phơi nhưng hầu hết các HTX không có đất nên không đầu tư hạng mục này, đến nay chương trình không còn nữa. Còn chính sách đầu tư máy sấy, hiện nay đang triển khai nhưng yêu cầu HTX phải có vốn đối ứng nên các HTX rất dè dặt khi đầu tư. Bên cạnh đó, việc đầu tư máy sấy cũng còn nhiều vấn đề như: Máy sấy chỉ thích hợp cho vụ 8 (vụ hè thu mưa nhiều), nếu đầu tư công suất nhỏ thì không đáp ứng được nhu cầu, đầu tư quy mô lại khó thu hồi vốn. Vì vậy, hiện nay, chỉ có 3 HTX đăng ký đầu tư trong kế hoạch giai đoạn 2023-2024, gồm: Suối Hiệp 1, Suối Hiệp 2 và Suối Tiên. Huyện đang khuyến khích các HTX liên doanh, liên kết với doanh nghiệp sản xuất giống thu mua lúa tươi chế biến cho nông dân. Hiện trên địa bàn có khoảng 10 HTX với tổng diện tích khoảng 1.000ha đang tổ chức theo hình thức này. Phần lớn diện tích còn lại vẫn phải dựa vào cách làm lâu nay nên khó tránh khỏi nông dân phơi lúa trên đường… Được biết, tổng diện tích lúa đông xuân trên địa bàn huyện là gần 4.000ha; hiện nay nông dân đã thu hoạch được 3.400ha, còn 600ha.

V.L

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202304/dien-khanh-nong-dan-gap-kho-vi-thieu-san-phoi-lua-8278591/