Diễn giả Trần Việt Quân nói về lòng biết ơn và đạo hiếu cho học sinh trong dịp lễ Vu lan

Ngày lễ Vu lan là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn và đạo hiếu đến cha mẹ - những người có công sinh thành và giáo dưỡng.

Chiều qua 30/8, tại Hà Nội, hàng nghìn học sinh từ 6-18 tuổi đã tham gia các hoạt động tìm hiểu và thực hành "Lòng biết ơn" nhân dịp Đại lễ Vu lan 2023.

Cứ tháng 7 (âm lịch) hằng năm, mùa Vu lan báo hiếu lại về, đây là dịp để tưởng nhớ, ghi tạc công nghĩa sinh thành của cha mẹ mình. Nhân dịp này, Thầy và trò Trường Phổ thông Liên cấp Alfred Nobel cùng nhau ôn lại truyền thống của ngày Vu lan, đồng thời bồi đắp lòng biết ơn, đạo hiếu cho các em học sinh. Đây là hoạt động thường niên của trường nhằm giáo dục các em về truyền thống văn hóa Việt Nam.

Mùa Vu lan, các em học sinh được hiểu về chữ hiếu

Vu lan là nghi lễ quan trọng của Phật giáo đã hòa chung với đạo lý "uống nước nhớ nguồn" lâu đời của người Việt. Ngày nay, Vu lan trở thành sự kiện văn hóa có sức sống mãnh liệt trong đời sống tinh thần tất cả người dân trên mọi miền đất nước, không chỉ dành riêng cho các Phật tử mà ngày nay đã lan tỏa đến nhiều tầng lớp khác nhau.

Để giữ gìn, tiếp nối và phát huy nét đẹp văn hóa đó, các thầy giáo, cô giáo trường Alfred Nobel cùng diễn giả Trần Việt Quân đã chia sẻ nhiều thông tin, kiến thức bổ ích về ngày Vu lan tới các em học sinh với tọa đàm chủ đề "Lòng biết ơn".

Cùng với việc giảng giải về nguồn gốc ngày Vu lan, triết lý của Phật về đạo làm con, hay quy luật nhân-quả… diễn giả Trần Việt Quân còn lồng ghép vào các trò chơi đố vui để các em tiếp nhận một cách dễ hiểu, sinh động.

Các bạn học sinh tiểu học háo hức khi được tham gia trò chơi

Chia sẻ về đạo hiếu của mùa Vu lan, diễn giả Trần Việt Quân cho biết: "Chúng ta không tự dưng được sinh ra trên cuộc đời này. Ai trong chúng ta cũng từng được ấp ủ trong vòng tay của mẹ, được dìu dắt trong tình thương của cha, được che chở, nuôi nấng cho tới khi lớn khôn. Đến một chiếc máy cũng có công của người lắp ráp thì mới thành. Bất cứ con người hay vạn pháp xuất hiện trên đời này đều mang nặng thâm ân. Nếu không biết tri ân, chúng ta trở thành máy móc, vô tình, vô nghĩa. Do đó, Đức Phật dạy: "Tâm hiếu là tâm Phật. Hạnh hiếu là hạnh Phật". "Hiếu" là tâm tri ân, biết ơn".

Diễn giả Trần Việt Quân tại chương trình "Lòng biết ơn"

Từ ý nghĩa tốt đẹp này, diễn giả Trần Việt Quân cũng chỉ ra cách để báo ơn, báo hiếu cha mẹ: "Trong Kinh Hiếu Tử, Đức Phật dạy một người con được gọi là hiếu đạo thì phải hội đủ cả hai mặt Sự và Lý. Sự là hình thức báo đáp bên ngoài, là lo lắng, chăm nom phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điều thiếu thốn về vật chất; luôn tôn trọng kính lễ cha mẹ và không được làm cho cha mẹ phiền lòng.

Lý là chăm lo đời sống tâm linh cho cha mẹ. Hướng cha mẹ phát khởi thiện tâm, gieo tạo phước lành, tu theo chánh đạo; là làm sao cho cha mẹ hiểu rõ đường lành, tin sâu nhân quả, thoát ngoài vòng mê tín, ra khỏi luân hồi nghiệp báo, đạt được an lạc giải thoát trong hiện tại và tương lai". Tuy nhiên, ông cũng cho rằng để làm được này là không hề dễ. Việc giáo dục các em từ khi còn là những mầm xanh chính là cách để các em hiểu, thực hành mỗi ngày từ những việc nhỏ nhất.

Thực hiện nghi thức bông hồng cài áo

Trong chương trình còn có nghi thức cài bông hồng lên áo nhằm báo hiếu cha mẹ và thưởng thức các món chay.

Trước đó, nhiều hoạt động đã được trường tổ chức như cuộc thi và triển lãm mỹ thuật thiếu nhi "Những sắc màu cuộc sống" (phối hợp Ban vận động Mỹ thuật và Ngoại giao Văn hóa Việt Nam), cuộc thi sáng tác văn học "Nâng cánh ước mơ xanh" (phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam)… Đại diện nhà trường cho biết sắp tới vào dịp Tết Trung thu 2023 sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện cho các em vừa vui chơi vừa học hỏi và hướng về văn hóa truyền thống Việt Nam.

Minh Nhật

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/dien-gia-tran-viet-quan-noi-ve-long-biet-on-va-dao-hieu-cho-hoc-sinh-trong-dip-le-vu-lan-172230831103925467.htm