Diễn đàn Nghị sỹ trẻ: Chú trọng vai trò thanh niên trong Chuyển đổi Số

Các đại biểu tại hội nghị cho rằng nếu thanh niên không có cơ hội được thể hiện ý kiến thì hoạt động nghị viện sẽ ngày càng xa rời người dân, không cất lên tiếng nói vì cộng đồng.

Các đại biểu Việt Nam dự hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các đại biểu Việt Nam dự hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thanh niên là lực lượng tiên phong trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, kinh tế và đặc biệt là Chuyển đổi Số, Đổi mới Sáng tạo nhờ sự đóng góp năng động, linh hoạt và hiệu quả.

Đó là lời khẳng định của ông Dan Carden, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sỹ trẻ, Liên minh Nghị viện Toàn cầu tại Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9.

Nâng cao Năng lực Số

Chiều 15/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội), hội nghị bước vào hai phiên thảo luận “Chuyển đổi số” và “Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp.”

Các đại biểu đã tập trung vào các vấn đề: Hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy quá trình Chuyển đổi Số nhằm tăng cường các cơ hội phát triển kinh tế bền vững; chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy quá trình Chuyển đổi Số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư; chia sẻ những tiến bộ đạt được trong việc số hóa các hoạt động của nghị viện vì sự phát triển bền vững.

Chủ tịch Diễn đàn Nghị sỹ trẻ IPU Dan Carden cho hay thanh niên chiếm 50% dân số thế giới, tuy nhiên chỉ 2,8% nghị sỹ ở nghị viện của các quốc gia là dưới 30 tuổi.

Quá trình Chuyển đổi Số đòi hỏi thế hệ trẻ tiếp cận được thông tin. (Ảnh: IEEE)

Quá trình Chuyển đổi Số đòi hỏi thế hệ trẻ tiếp cận được thông tin. (Ảnh: IEEE)

Từ thực tế nghị viện một số nơi chưa kết nối tốt với thanh niên, ông Dan Carden cho rằng nếu thanh niên không có cơ hội được thể hiện ý kiến thì hoạt động nghị viện ngày càng xa rời người dân. Do đó, nâng cao năng lực thể chế, tạo ra cơ hội cho thanh niên được cất lên tiếng nói của mình sẽ giúp cho các nghị viện gắn kết chặt chẽ với cộng đồng và người dân.

Chia sẻ kinh nghiệm của Kenya, Thượng nghị sỹ John Methu cho biết Kenya là một trong những nền kinh tế lớn ở Nam Phi. Cũng như nhiều nước Đông Phi và các nước trên thế giới, Kenya chú trọng chuyển đổi số và phát huy vai trò của thanh niên bởi 60% dân số Kenya là người trẻ tuổi.

Kenya đặt ra mục tiêu đến năm 2030 tất cả người dân, nhất là thanh niên cần được trang bị kỹ năng số. Theo đó, về trung hạn, Kenya xác định sẽ lắp đặt 100km đường dây cáp quang, trang bị kiến thức số cho người trẻ, phân phát các thiết bị số tại các cơ sở tiểu học để người dân tiếp cận công nghệ từ sớm.

Ngoài ra, Kenya đã số hóa hệ thống tài chính, hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ tài chính thông qua các kênh điện tử.

Tuy nhiên, Kenya cũng đang phải đối mặt với thách thức về tính kết nối. Do đó, Chính phủ đang đầu tư lắp đặt các điểm cung cấp wifi để từ đó người dân có thể tiếp cận mạng Internet dễ dàng hơn.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Yetunde Bakare, điều hành Tổ chức YIAGA Africa ở Nigeria, cho rằng cần có giải pháp để đảm bảo thế hệ trẻ tiếp cận được thông tin, cần sử dụng công nghệ số để gắn kết thế hệ trẻ.

Các đại biểu thảo luận về vấn đề Chuyển đổi Số. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các đại biểu thảo luận về vấn đề Chuyển đổi Số. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo bà Yetunde Bakare, số liệu thống kê năm 2023 cho thấy, hiện có 5,4 tỷ người trên thế giới, tương đương 67% dân số toàn cầu đang sử dụng Internet, đây là số liệu tăng hơn 50% so với năm 2018. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình ở nông thôn, vùng sâu vùng xa với cơ sở hạ tầng hạn chế không có khả năng tiếp cận Internet nhiều như vậy.

Bà Bakare cho rằng, các nghị viện có thể thúc đẩy đầu tư cho các kỹ năng số của thế hệ trẻ và các thế hệ lớn tuổi hơn nhằm đảm bảo tính bao trùm.

Với công nghệ số, các nghị sỹ trẻ có thể mở rộng hiểu biết, nâng cao ý thức của người dân, khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình lập pháp. Khi đó, công việc của các nghị sỹ sẽ thực chất hơn, góp phần nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các nghị sỹ.

Chuyển đổi Số hoạt động nghị viện

Phát biểu ghi hình tại hội nghị, ông Walter Cervini, Nghị sỹ Uruguay cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển nhanh chóng, công nghệ này nên được ứng dụng tích cực vào trong hoạt động của các nghị viện để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả các hoạt động của nghị viện.

Ông cho rằng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, nhà lập pháp cần nắm bắt được những thay đổi và tạo ra những khuôn khổ cho những thay đổi đó.

Cùng quan điểm trên, ông Marius Matijosaitis từ Nghị viện Lithuania cho hay nước này đã triển khai xây dựng Cổng Chính phủ số, trong đó cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện cho người dân thực hiện các dịch vụ qua mạng. Lithuania cũng cung cấp dịch vụ để người nước ngoài đăng ký thường trú và đây là năm thứ ba Lithuania triển khai thực hiện dịch vụ này.

Giới thiệu về công cuộc chuyển đổi số ở Lithuania, ông Marius Matijosaitis cho biết, quốc gia này chú trọng củng cố cơ sở hạ tầng số, ưu tiên cải thiện kỹ năng số cho nhóm người dễ bị tổn thương như người già, người có thu nhập thấp, người có trình độ công nghệ số thấp.

Ông Marius Matijosaitis, đại biểu Lithuania. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Marius Matijosaitis, đại biểu Lithuania. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Marius Matijosaitis khẳng định rằng nhiều sáng kiến đã được áp dụng và đạt được hiệu quả đáng mừng trong công tác lập pháp và quản lý Nhà nước. Ông Marius Matijosaitis mong muốn các nghị viện cùng hợp tác, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, chống thông tin sai lệch, bảo vệ an toàn thông tin và bảo vệ nền dân chủ, độc lập của các quốc gia.

Đại diện cho các nghị sỹ trẻ Việt Nam, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) cho rằng mỗi quốc gia, tổ chức hay cá nhân đều phải nỗ lực Chuyển đổi Số, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Chuyển đổi Số giúp thay đổi cách vận hành nền kinh tế, tăng mạnh năng suất lao động, tạo các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; giúp các cơ quan nhà nước hoạt động ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển.

Đại biểu Lưu Bá Mạc nhấn mạnh rằng Chuyển đổi Số trong các hoạt động nghị viện cũng không tách rời xu thế chung của quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Quốc hội được coi là nhiệm vụ thường xuyên nhằm hỗ trợ và nâng cao các hoạt động của Quốc hội, xây dựng, phát triển các nền tảng số, công cụ số hỗ trợ toàn diện hoạt động nghị viện, tăng cường, nâng cao nhận thức của các nghị sỹ về lợi ích và tác động của các công nghệ mới đối với mọi mặt của đời sống: Kinh tế, chính trị, xã hội.

“Yếu tố quan trọng nhất cho quá trình Chuyển đổi Số đó là phải hoàn thiện thể chế, chính sách, đảm bảo tính bao trùm và phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm. Càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn,” ông Lưu Bá Mạc nói./.

Diễn đàn Nghị sỹ Trẻ được thành lập trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) năm 2013.

Kể từ năm 2014, Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu được IPU tổ chức thường niên, được coi là nền tảng quan trọng để trao quyền cho các nhà lãnh đạo trẻ.

Mục đích của hội nghị là tăng cường vai trò của nghị sỹ trẻ và sự tham gia của thanh niên vào hoạt động nghị viện và đưa ra những khuyến nghị dưới góc nhìn của giới trẻ về các hoạt động cũng như nội dung nghị sự của IPU; xây dựng mạng lưới, đoàn kết và nâng cao năng lực, mở rộng cách tiếp cận của giới trẻ đối với các vấn đề cùng quan tâm.

Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức, là một sự kiện đối ngoại đa phương rất quan trọng và là dấu ấn nổi bật của năm 2023.

Hội nghị dự kiến diễn ra từ ngày 14-17/9/2023 tại Thủ đô Hà Nội với chủ đề: “Vai trò của Giới Trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững thông qua Chuyển đổi Số và Đổi mới Sáng tạo” bao gồm 3 chuyên đề: Chuyển đổi Số; Khởi nghiệp và Đổi mới Sáng tạo; Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững.

Vào ngày 13/4, Ban Tổ chức Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 gồm 23 người, do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm trưởng ban, đã được thành lập theo Nghị quyết số 766/NQ-UBTVQH15 ngày 12/4/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Minh Thu (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dien-dan-nghi-sy-tre-chu-trong-vai-tro-thanh-nien-trong-chuyen-doi-so/894577.vnp