Diễn đàn 'Đạo đức Người làm báo Việt Nam': Nhận diện phi đạo đức trong hoạt động báo chí

Nghề làm báo – bên cạnh vinh quang còn là một nghề có trách nhiệm rất nặng nề đối với xã hội, đối với con người cũng như với từng cá nhân trong cộng đồng. Báo chí tạo ra dư luận xã hội, đưa sự kiện, con người ra trước sự nhìn nhận, phán xét của xã hội. Sức mạnh của dư luận xã hội có thể mang lại quyền lực, vinh quang và tương lai phát triển cho tập thể, cá nhân nhưng cũng có thể đặt dấu chấm hết cho một số phận, một sự nghiệp, thậm chí cao hơn nữa là làm tổn hại đến thanh danh, an ninh của cả một đất nước.

Kỳ 2: Đạo đức báo chí và nhận diện phi đạo đức trong hoạt động báo chí

Thực chất, nghề báo là nghề luôn chịu sự chi phối, kiểm soát bởi hệ thống đạo luật, thể thức, định chế và đạo đức hết sức khắt khe, nghiêm túc. Với báo chí, nhiều khi chính những chuẩn mực đạo đức mới thực sự chi phối hành vi nghề nghiệp của nhà báo… Phạm trù đạo đức đối với người làm nghề báo chí còn là sự hội tụ của kiến thức, của sự am tường truyền thống, thuần phong mỹ tục, của lương tâm và trách nhiệm trước cuộc sống. Nếu các nhà báo lơ là hoặc cố tình lãng quên các chuẩn mực của đạo đức sẽ dẫn đến các sai sót không thể tha thứ.

Đành rằng nghề nào cũng có chuẩn mực đạo đức, nhưng các nghề ít chi phối thông tin, không tạo hiệu ứng xã hội rộng lớn, tổn hại lòng tin xã hội hẹp thì hậu quả vi phạm, phạm vi tác động sẽ ở diện nhỏ hơn… Vậy ở kỳ báo này, chúng ta cùng bàn luận đạo đức báo chí và nhận diện phi đạo đức trong hoạt động báo chí.

Phóng viên tác nghiệp.

Đạo đức báo chí là gì? Hoạt động báo chí bị chi phối bởi Luật Báo chí và những luật khác có liên quan đến báo chí. Ngoài ra, còn những chuẩn mực khác mà nhà báo nào cũng phải ghi nhớ đó là lương tâm và trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm xã hội và cả nghĩa vụ công dân ở đó. Nếu như ngành y tế có 12 điều y đức để nhắc nhở người thầy thuốc về trách nhiệm trước sinh mạng và sức khỏe con người thì đạo đức báo chí có nội dung phong phú hơn nhiều, sinh động hơn nhiều bởi không những nhà báo đưa thông tin mà còn dẫn dắt, định hướng công chúng báo chí nhận thức về điều đó và hơn hết, đó là tác động đến nhận thức, tình cảm của nhiều tầng lớp trong xã hội…

Báo chí cách mạng nước ta hình thành và phát triển trên cơ sở phục vụ lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Với tốc độ phát triển mạnh mẽ, tới nay chúng ta đã có hơn 400 cơ quan báo chí với gần 800 ấn phẩm; 67 đài PT- TH cùng số lượng hàng trăm báo điện tử, hàng nghìn trang thông tin điện tử. Ngoài 42.000 người làm việc ở các cơ quan báo chí (trong đó có 23.000 nhân lực là phóng viên, biên tập viên) nhưng có đến gần ½ dân số của đất nước tương tác với thông tin hàng ngày qua mạng internet…

Rất nhiều năm tháng trước kia, lãnh đạo, cán bộ, công chức, công dân xuất hiện trên báo chí là niềm vinh dự, tự hào. Báo chí đã trực tiếp hoặc gián tiếp là nhịp cầu thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của tổ chức và cá nhân.

Vô hình chung, báo chí ngoài là một nghề như bao nghề khác trở nên đặc biệt, khiến cho các tổ chức, cá nhân cầu cạnh, nhờ vả, vì thế, nghề báo có sức mạnh. Đây là yếu tố quan trọng để không ít cán bộ báo chí biến nghề nghiệp vẻ vang thành vũ khí để trục lợi, để nhũng nhiễu hoặc góp phần tha hóa cán bộ… Cũng do những đặc điểm trên nên hành xử phi đạo đức nhiều khi nấp dưới vỏ bọc quyền thế của công luận ,làm cho việc nhận diện các hành vi phi đạo đức trở nên khó khăn hơn.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là yếu tố kinh tế thị trường của báo chí. Báo chí hoạt động phải có nguồn thu để bù đắp chi phí và nuôi sống nhà báo. Vậy là vì nguồn thu, không ít cơ quan báo chí và nhà báo đã đánh đổi sự thật. Cũng vì lý do thị trường nên không ít cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, tìm cách đưa tin giật gân câu khách để bán được báo, bán quảng cáo, câu “view”, tìm “like” bất chấp lợi hại của hành động.

Đạo đức người làm báo thể hiện qua hoạt động không phải lúc nào cũng rõ ràng, dễ nhìn thấy nhưng nó cũng không trừu tượng đến mức không thể không hiểu được. Nó biểu hiện trong đời sống hằng ngày, trong từng câu văn, trong từng tác phẩm; có thể nhà báo hành xử chưa đến mức vi phạm pháp luật nhưng phải định lượng được việc cụ thể đó nên làm hay không? Nhà báo ứng xử trên cơ sở đạo đức của xã hội, là lương tâm, là trách nhiệm.

Muốn nhận diện được việc làm phi đạo đức, trước tiên người làm báo phải tự biết ranh giới giữa làm và không làm. Và, những đồng đội của nhà báo, phụ trách đầu ra của ấn phẩm báo chí là người hiểu rõ việc đã vi phạm đạo đức hay chưa của tác giả.

Một bộ phận độc giả đang ngày càng mất niềm tin vào báo chí, trong đó báo mạng là điểm nóng. Do vậy, đề cao hoạt động báo chí có đạo đức là chúng ta đang chống lại sự xung đột lợi ích và chống lạm dụng, làm rõ trách nhiệm của báo chí là tìm kiếm sự thật, hạn chế và đẩy lùi những hệ lụy từ việc đăng tải những thông tin bất chấp đạo lý, thuần phong mỹ tục và tình người.

Nhận diện phi đạo đức không khó nhưng phải bắt đầu từ sự am hiểu nghề nghiệp, thước đo ở hoạt động là đã trung thực, khách quan, tôn trọng quyền được biết sự thật của công chúng hay chưa? Có xâm phạm quyền tự do cá nhân, xâm phạm uy tín tổ chức và nhân phẩm, danh dự hay không? Đã thực sự làm tốt công việc kiểm chứng nguồn tin, bảo vệ nguồn tin, chống vi phạm bản quyền hay chưa? Nhà báo làm việc có bằng trách nhiệm hay sự vụ lợi về vật chất?

Công chúng báo chí bất bình và mất niềm tin vào các tờ báo và tác giả luôn tìm cách hành xử vụ lợi, thất đức: Đó là việc báo mạng đăng bài quy chụp doanh nghiệp vô căn cứ để chờ cầu cạnh, chi tiền để rút bài, để lại sự oan sai, ấm ức. Đó là việc moi móc đời tư, đay nghiến nỗi đau mất mát một cách thái quá; đó là tìm kiếm, rình rập những mặt chưa tốt hoặc thiếu sót của cơ sở mà không quan tâm điểm sáng; đó là việc tự cho mình đứng ngoài pháp luật, đứng ngoài cuộc sống để phán xét; đó là trăm vẻ hành xử thiếu trách nhiệm và tình người của những người làm báo vô đạo đức.

Luật Báo chí 2016 có nhiều điều nghiêm cấm hoặc điều chỉnh hành vi nhà báo, cơ quan báo chí; một bộ Quy định về đạo đức người làm báo (có thể là 9 hoặc hơn thế các điều) sẽ được toàn báo giới góp ý, xây dựng và thực hiện sẽ là hành lang để chúng ta lành mạnh hóa hoạt động báo chí. Sau bộ Quy định về đạo đức cho toàn ngành báo chí, từng cơ quan báo chí lại căn cứ thực tế để có những bản Quy tắc hành nghề riêng theo đặc điểm của loại hình báo chí chắc chắn sẽ có tác dụng tích cực cho hoạt động báo chí.

Cuối cùng, chỉ có tổ chức Hội, cơ quan báo chí, từng người làm báo, từ thực tiễn hoạt động hằng ngày mới có thể sâu sát, nhận diện phi đạo đức của cán bộ, hội viên để ngăn chặn kịp thời và góp phần hiệu quả nhất cho việc lấy lại hình ảnh tốt đẹp của báo chí về nghề báo.

Hữu Minh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nhan-dien-phi-dao-duc-trong-hoat-dong-bao-chi-2/