Diễn đàn cử tri

Sửa đổi, bổ sung mở rộng đối tượng thụ hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước • Xem xét bổ sung, sửa đổi Điều 2, Thông tư số 04/2012/TT-BNV • Sửa đổi quy định về xây dựng đường gom

Cử tri kiến nghị: Đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước, bao gồm cả các chức danh hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố.

Bộ Nội vụ trả lời: Bộ Nội vụ đang tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và cử tri để trình cấp có thẩm quyền xem xét hoàn thiện thể chế về số lượng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, tổ dân phố cho phù hợp. Trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành của pháp luật, đề nghị tỉnh Sơn La thực hiện số lượng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, tổ dân phố và Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Cử tri kiến nghị: Đề nghị xem xét bổ sung, sửa đổi Điều 2 Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ. Do tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong khu vực ở một phường, thị trấn, do vậy không nhất thiết dưới phường là tổ dân phố, mà giao cho địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để đặt tên cho phù hợp với cấp đô thị miền núi (thực tế hiện nay tại tỉnh Sơn La, ở các phường, thị trấn vẫn có các bản, tiểu khu).

Bộ Nội vụ trả lời: Theo quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố thì thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc,... (gọi chung là thôn) được tổ chức ở xã; tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu... (gọi chung là tổ dân phố) được tổ chức ở phường, thị trấn. Việc quy định như trên để thống nhất áp dụng các quy định về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố phù hợp với đặc điểm của đơn vị hành chính nông thôn (xã) và đơn vị hành chính đô thị (phường, thị trấn). Căn cứ truyền thống văn hóa, lịch sử và tình hình cụ thể của từng địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh đặt tên các tổ chức tự quản nêu trên cho phù hợp.

Cử tri kiến nghị: Đề nghị sửa đổi quy định về xây dựng đường gom được quy định tại khoản 5 Điều 44 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để đảm bảo về an toàn giao thông cũng như thuận lợi trong công tác quản lý đấu nối vào hệ thống đường bộ (nhất là đối với quốc lộ), phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi khó khăn về địa hình, quỹ đất và nguồn lực đầu tư.

Bộ Giao thông Vận tải trả lời: Tại khoản 5 Điều 44 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Bên cạnh tuyến quốc lộ đi qua khu dân cư phải có đường gom để phục vụ yêu cầu dân sinh. Quy định này nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người dân sinh sống tại các khu dân cư dọc hai bên quốc lộ, phát huy hiệu quả khai thác cũng như bảo đảm hiệu quả đầu tư của các tuyến quốc lộ.

Để đảm bảo phù hợp với Luật Quy hoạch, nhu cầu phát triển của địa phương và phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi khó khăn về địa hình, quỹ đất và nguồn lực đầu tư, dự thảo Luật Đường bộ đã đề xuất quy định như sau:

Khi hình thành cảng hàng không, cảng thủy nội địa, cảng biển, ga đường sắt, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu thương mại - dịch vụ, khu đô thị, khu dân cư hoặc khi hình thành, mở rộng địa giới hành chính đô thị, UBND cấp tỉnh hoặc chủ đầu tư phải đánh giá tác động giao thông để có giải pháp phù hợp, bảo đảm lưu lượng phương tiện, nhu cầu đi lại của người dân và xây dựng đường gom ngoài hành lang an toàn đường bộ để kết nối giao thông đường bộ.

Trường hợp do quy hoạch của tuyến đường bộ, địa hình khu vực không thể bố trí được đường gom ngoài hành lang thì có thế bố trí một phần đường gom trong hành lang an toàn đường bộ để hạn chế kết nối trực tiếp đường dân sinh, đường từ nhà ở hoặc các công trình khác vào đường bộ khi: Bề rộng hành lang còn lại đủ để mở rộng đường theo quy hoạch; đảm bảo bảo vệ công trình đường bộ; đảm bảo an toàn giao thông đường bộ và tầm nhìn xe chạy.

Trong quá trình xây dựng Luật Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định này để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo an toàn giao thông cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này.

Ngọc Thuấn (TH)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/dien-dan-cu-tri-53409