Điện Biên 'thay da đổi thịt' nhờ nông thôn mới

Nằm ở phía Tây khu vực Tây Bắc, Việt Nam, Điện Biên là tỉnh có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở, nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Từ khi Chương trình xây dựng nông thôn mới được đưa vào triển khai đã tạo nên sự đột phá ở nơi đây, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn trong tỉnh đã giảm còn 36,57%.

Điện Biên là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc, với 19 dân tộc anh em sinh sống, trong đó: Dân tộc Mông chiếm 38,12%, dân tộc Thái chiếm 35,69%, dân tộc Kinh chiếm 17,38%, dân tộc Khơ mú 3,3%, còn lại là các dân tộc khác chiếm 5,51%. Mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa… tạo thành bức tranh đa sắc màu cho nền văn hóa Điện Biên.

Tỉnh có 126/129 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 27 xã, phường khu vực I, 05 xã khu vực II, 94 xã khu vực III; có 57 thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Với xuất phát điểm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới thấp, năm 2011, Điện Biên có 130 xã, phường, thị trấn, thì có tới 101 xã đặc biệt khó khăn, 29 xã biên giới và 1.097 thôn, bản khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm trên 50%; thu nhập bình quân đầu người thấp, chỉ đạt 5,5 triệu đồng/người; Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn rất yếu kém, thiếu đồng bộ; hầu hết các thôn (bản) ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, phân bố rải rác, cư trú phân tán, xa trung tâm; hệ thống thông tin tuyên truyền còn hạn chế; tình trạng dân di cư tự do vào khu vực biên giới có diễn biến phứ tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự...

Thúc đẩy trồng cà phê giúp nông dân huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên thoát nghèo. (Nguồn: Báo Điện Biên)

Phong trào sôi nổi và rộng khắp

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc của chính quyền cơ sở và sự đồng thuận của người dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nên sự đột phá trong xây dựng nông thôn ở Điện Biên. Đồng thời góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sôi nổi và rộng khắp, nông thôn được quy hoạch theo hướng phát triển toàn diện; cơ sở hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và được giữ vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm, các điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên; cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện, dân chủ ở cơ sở được phát huy… Đặc biệt, đời sống nhân dân tại các thôn, bản khó khăn, bản biên giới và người dân tái định cư đã dần ổn định và phát triển; hạn chế tình trạng di cư, tái di cư tự do.

Với các địa phương đã ban hành Kế hoạch cụ thể chỉ đạo, hướng dẫn và giúp đỡ các xã thực hiện các chỉ tiêu thôn, bản nông thôn mới; chủ động tổ chức ra quân thực hiện sệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng hoa, xây dựng các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp thông qua việc thường xuyên tổ chức phát động phong trào thi đua, cuộc vận động như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “5 không, 3 sạch”, "Chương trình thắp sáng đường quê"… góp phần từng bước làm thay đổi bộ mặt thôn, bản.

Nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài

Theo báo cáo của UBND tỉnh Điện Biên, đến đầu tháng 10/2023 toàn tỉnh có 44 xã đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có một xã đạt Nông thôn mới nâng cao là xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay). Số thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu là 125 thôn, bản thuộc các huyện: Điện Biên, Nậm Pồ, Tuần Giáo, Mường Chà. Nhờ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn tại tỉnh Điện Biên đã giảm còn 36,57%.

Tiếp tục phát huy kết quả đạt được và hoàn thành mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong thời gian tới Điện Biên sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, vận động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia, nâng cao ý thức, vai trò trách nhiệm của người dân.

Người dân bản Che Phai 1, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên tham gia làm đường bê tông vào bản. (Nguồn: Báo Điện Biên)

Tuyên truyền vận động trực tiếp đến nhân dân tại các thôn, bản thực hiện Chương trình nông thôn mới thông qua các tổ chức đoàn thể (Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh…). Thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”…

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ thực hiện Chương trình nông thôn mới đến năm 2025, ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết: Tỉnh xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội.

Điện Biên mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, hỗ trợ bổ sung thêm nguồn lực cho địa phương để đầu tư nâng cấp, phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của các xã, thôn, bản trên địa bàn tỉnh.

Hồng Hạnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dien-bien-thay-da-doi-thit-nho-nong-thon-moi-253507.html