Điện Biên Phủ - chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

Lịch sử càng lùi về quá khứ càng làm sáng tỏ thêm những giá trị còn tiềm ẩn, làm sống dậy tinh thần Điện Biên Phủ và rút ra những bài học, điều bổ ích cho công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước thực hiện tầm nhìn Việt Nam 2030-2045 thịnh vượng, hùng cường.

Kỳ I: Chiến thắng của đường lối, nghệ thuật quân sự Việt Nam

Khi bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định đường lối “vừa kháng chiến vừa kiến quốc, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát mặt trận Đông Khê, Chiến dịch Biên giới, ngày 16/9/1950 (Ảnh tư liệu).

Tư tưởng chiến lược, quyết sách quân sự: “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu…”

Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa II, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 2 nhiệm vụ chủ yếu để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Một là, chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự trong giai đoạn tiến công chiến lược.

Hai là, phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất, thực hiện nâng cao quyền lợi chính trị kinh tế của nông dân, trước hết, người cày phải có ruộng.

Thực hiện chiến lược quân sự theo chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do, tạo điều kiện giải phóng hoàn toàn Bắc bộ.

Từ chiến lược đó, các lực lượng phải tác chiến chủ động đáp ứng yêu cầu kháng chiến. Tư tưởng chỉ đạo quân đội được khẳng định: Không chủ quan khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm, đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh.

Phải xây dựng những tổ chức dân quân du kích không thoát ly sản xuất ở vùng tự do và vùng căn cứ để trấn áp bọn phản cách mạng, giữ trị an, bảo vệ lợi ích quần chúng đấu tranh với địch. Phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, phối hợp mặt trận phía trước và mặt trận phía sau, đánh địch một cách linh hoạt.

Sau chiến thắng của quân dân ta trên các chiến trường, Bác Hồ đã sớm chỉ ra những thuận lợi, khó khăn trong giai đoạn mới: Trước kia, ta phải lừa địch mà đánh. Nay địch ra cho ta đánh. Đó là cơ hội rất lớn cho ta.

Muốn thắng thì phải tích cực chủ động, bí mật mau chóng, kiên quyết, dẻo dai. Chắc thắng mới đánh. Nhưng tuyệt đối chớ chủ quan khinh địch. Bộ đội chủ lực đánh, bộ đội địa phương, dân quân du kích cũng đánh. Các lực lượng phải phối hợp nhau chặt chẽ để tiêu diệt sinh lực địch để đánh tan kế hoạch của chúng.

Chủ trương hành động và phương châm tác chiến

Tháng 9/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa cuộc họp Bộ Chính trị và quyết định kế hoạch tác chiến Đông Xuân (1953-1954). Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình chiến sự, Bác chỉ rõ phương châm: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”.

Người còn nhắc: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh… Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn… Phương hướng chiến lược không thay đổi. Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các chiến trường khác phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng hành động có thay đổi. Phép dùng binh là thiên biến vạn hóa”.

Thực hiện cuộc tiến công chiến lược quân sự Đông - Xuân, quân dân ta đã làm đảo lộn kế hoạch chiến tranh của Pháp - Mỹ, xoay chuyển cục diện chiến trường có lợi cho ta.

Trong khi Nava tập trung quân xây dựng lực lượng cơ động chiến lược để có quả đấm mạnh thì những chiến dịch của quân ta trên các chiến trường đặc biệt là hướng Lai Châu, Lào, Tây Nguyên làm cho địch hết sức bị động, lúng túng căng mỏng lực lượng ra để đối phó.

Mặc dù có trên 50 vạn quân nhưng Nava không thể đối phó với quân dân ta trên khắp các chiến trường. Hy vọng của Nava lập cứ điểm Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với 16 nghìn quân của 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải, 1 phi đội máy bay cùng vũ khí hiện đại của Pháp, Mỹ.

Nhiều quan chức Chính phủ và quân đội của Pháp, Mỹ kiểm tra đều khẳng định, Điện Biên phủ là “một cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm, không thể công phá”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa cuộc họp Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, đòn quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Như vậy ta đã từ “tạm thời tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu” tiến tới chọn chỗ mạnh nhất của địch là tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tiêu diệt.

Đây là một quyết định táo bạo mà sáng suốt, hoàn toàn đúng với phép biện chứng của sự phát triển chiến tranh “mạnh thắng, yếu thua”. Bác Hồ phân tích đánh giá Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng nó có cái yếu cơ bản là bị cô lập. Nó rất xa hậu phương của địch, mọi tiếp tế vận chuyển đều phải dựa vào đường không.

Đối với ta, Điện Biên Phủ cũng xa hậu phương lớn, khó khăn lớn nhất của ta vẫn là vấn đề cung cấp. Nhưng quân dân ta có nhiều khả năng khắc phục khó khăn hơn kẻ địch. Đó là hậu phương của ta đang chuyển mình trong cải cách ruộng đất.

Quân đội ta đã trưởng thành qua các chiến dịch, lực lượng chủ lực được tổ chức đến cấp sư đoàn và đến chiến dịch Điện Biên Phủ phát triển khá nhanh các binh chủng pháo binh, phòng không.

Với sự lớn mạnh của bộ đội chủ lực, chúng ta có điều kiện tổ chức các chiến dịch quy mô ngày càng lớn, tạo ra những “quả đấm thép” mang tính quyết định thắng lợi trên chiến trường; có tiến bộ trong tác chiến, trang bị kỹ thuật, nhất là ý chí chiến đấu “quyết chiến quyết thắng ” có thể đánh được tập đoàn cứ điểm.

Bác Hồ yêu cầu: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế.

Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải hoàn thành cho kỳ được”. Trước khi lên đường ra mặt trận Bác Hồ còn căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc không đánh”.

Tư tưởng “đánh chắc thắng” và nghệ thuật quân sự Việt Nam

Tư tưởng chỉ đạo “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố đặc biệt quan trọng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác Hồ đã nhận định đánh giá rất chính xác tình hình mọi mặt từ đó đề ra tư tưởng “đánh chắc thắng”.

Đây là tư tưởng chỉ đạo hết sức đúng đắn, khoa học đối với chiến dịch quyết chiến chiến lược này. Đặc biệt là khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh chiến dịch báo cáo chuyển từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” thì Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh thống nhất cho rằng: Quyết định thay đổi phương châm như vậy là hoàn toàn có cơ sở, rất đúng đắn, kịp thời, đáp ứng tình hình giữa địch và ta đã có thay đổi tại mặt trận.

Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy: Thực hiện phương châm này, chúng ta chủ động muốn đánh mục tiêu nào, lúc nào thì đánh, đánh không có lợi thì dừng, chuẩn bị chắc thắng thì đánh, chuẩn bị không đầy đủ thì chưa đánh.

Đồng thời, cách đánh đó phù hợp với nguyên tắc chỉ đạo tác chiến và khả năng chiến đấu của bộ đội ta, cho phép ta vừa đánh vừa xây dựng lực lượng, tập trung binh, hỏa lực phù hợp với từng mục tiêu, bảo đảm cho đánh chắc thắng cho từng trận, từng đợt chiến dịch.

tư tưởng “đánh chắc thắng” của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ là hoàn toàn khoa học và thực tiễn. Không những đề ra nguyên tắc tác chiến phù hợp mà còn chỉ đạo, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện đến thắng lợi cuối cùng.

Chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện nét đặc sắc, độc đáo của nghệ thuật quân sự truyền thống và là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Điều đó được thể hiện trên cả 3 lĩnh vực gồm: Chỉ đạo, điều hành chiến tranh và nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật.

Tư tưởng và đường lối chiến tranh nhân dân đã được xác định ngay từ lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” về mục tiêu, yêu cầu của cuộc chiến đấu chính nghĩa chống lại cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, nên trở thành ngọn cờ đoàn kết toàn dân tập hợp mọi lực lượng nhân dân để “kháng chiến kiến quốc”.

Phương châm kháng chiến lâu dài đã tạo thế xây dựng lực lượng, chuyển biến thế trận, đây là bước phát triển vượt bậc trong chỉ đạo chiến lược chiến dịch, xây dựng thế trận chiến dịch vững chắc, thực hiện bao vây rộng lớn, chia cắt và cô lập Điện Biên Phủ với các chiến trường khác.

Phát huy cao nhất sức mạnh tác chiến hợp đồng binh chủng, tập trung ưu thế hỏa lực đánh dứt điểm từng trận then chốt. Chúng ta đã vận dụng sáng tạo cách đánh chiến dịch, kết hợp vây hãm và đột phá, đánh chính diện với các mũi thọc sâu, tạo thế chia cắt địch, hình thành xung lực mạnh, tổng công kích giành thắng lợi cuối cùng.

Sự đối đầu về nghệ thuật quân sự ở Điện Biên Phủ là tư duy giữa một bên gồm các vị tướng nhà nghề, thiện chiến ở nhiều nơi trên thế giới, đứng đầu là tướng Nava, với một bên là các vị tướng phần lớn không được đào tạo, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp được sự chỉ đạo của Bác Hồ.

Khẳng định tư duy quân sự đúng đắn nói chung và ở Điện Biên Phủ nói riêng chỉ có thể được trả lời bằng sự chiến thắng.

Phần thắng ở Điện Biên Phủ đã thuộc về nhân dân Việt Nam, quân đội nhân dân Việt Nam, về Bộ Chỉ huy chiến dịch, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là điểm hẹn lịch sử đúng với tính chất ý nghĩa và quy mô của nó, chứng minh một chân lý của thời đại rằng, người ta có thể đánh thắng một đội quân nhưng không đánh thắng được một dân tộc có ý chí quyết tâm cao, biết đoàn kết dưới sự lãnh đạo của một Bộ Chỉ huy có bản lĩnh, trí tuệ tư duy sáng tạo.

Kỳ II: Cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc

Trần Công Huyền

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nguoi-co-cong/dien-bien-phu-chien-thang-cua-ban-linh-tri-tue-viet-nam-20240412203813899.htm