Điện Biên đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Dựa trên ba trụ cột chính: Du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, tỉnh Điện Biên xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; là đầu tàu để tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Hùng tráng, kỳ vĩ và tự hào là cảm nhận của bất cứ ai khi đứng trước bức tranh Panorama lớn nhất Đông Nam Á, khắc họa rõ nét “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, được vẽ tại tầng 2 của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Điện Biên xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Dựa trên 3 trụ cột chính là du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, thể thao.

Những hình vẽ sinh động, kết nối liền mạch theo diễn biến của chiến dịch, từ trùng trùng từng đoàn quân ra trận; đồng bào các dân tộc trèo non lội suối cung cấp lương thực cho tiền tuyến; hay những hầm hào, dây thép gai, quả bộc phá phát nổ trên đồi cao A1, cho đến hình vẽ thể hiện sự đối lập giữa từng đoàn tù binh phía bên kia và đoàn quân của bộ đội ta vùng lên, điểm nhấn là lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries... Tất cả đã làm cho những người khi có dịp đến chiêm ngưỡng như được sống lại với không khí hào hùng năm xưa, để thấu hiểu hơn sự mất mát, hy sinh của cha ông để có được cuộc sống hòa bình hôm nay.

Toàn tỉnh hiện có hơn 30 Di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Bức tranh Panorama lớn nhất Đông Nam Á, khắc họa rõ nét “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá, phát triển các sản phẩm du lịch.

Du khách Kiều Thị Trang, tới từ thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La chia sẻ: "Mình cảm thấy rất xúc động và tự hào khi đến đây. Những hình ảnh ở đây giúp mình hiểu hơn về những gian lao, mất mát mà ông cha đã đánh đổi để có được ngày hôm nay; mình rất hy vọng sẽ có nhiều dịp quay lại đây để nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn về những trang sử hào hùng mà ông cha ta đã để lại."

Bên cạnh lợi thế về du lịch với hơn 30 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, Điện Biên còn là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa các dân tộc và có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng.

Điện Biên còn là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa các dân tộc và có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng.

Nhằm quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, tiềm năng du lịch, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Điện Biên, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động gắn với bản sắc văn hóa con người, thiên nhiên nơi đây.

Nổi bật trong số đó phải kể đến Lễ hội Hoa Ban được tổ chức vào trung tuần tháng 3 hằng năm, cùng nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn đã thu hút đông đảo du khách đến với mảnh đất Điện Biên thân thiện, mến khách.

Điện Biên từng bước khẳng định thương hiệu du lịch qua nhiều hoạt động gắn với bản sắc văn hóa con người, thiên nhiên nơi đây.

Tín hiệu vui là năm vừa qua, lần đầu tiên Điện Biên đạt mốc đón 1 triệu lượt du khách tới tham quan, trải nghiệm, cho tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 1.700 tỷ đồng, tăng gần 27% so với năm 2022.

Nộm hoa ban - một trong những món ăn đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.

Theo ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Điện Biên, việc cán mốc 1 triệu lượt khách du lịch và các hoạt động quảng bá đã được triển khai sẽ tạo đà tăng trưởng vững chắc cho ngành du lịch trong Năm du lịch quốc gia – Điện Biên 2024.

"Con số 1 triệu lượt khách du lịch đến với Điện Biên là một tín hiệu rất mừng mặc dù trong thời gian vừa qua cảng hàng không Điện Biên phải tạm dừng để phục vụ cho việc nâng cấp, sửa chữa. Để có được điều này là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc hết sức trách nhiệm, tích cực của cả hệ thống chính trị, nhận thức của cộng đồng xã hội và người dân về du lịch đã được nâng lên', ông Minh Phú bày tỏ.

Du khách thích thú trải nghiệm, hòa mình vào không gian văn hóa của 19 dân tộc anh em ở Điện Biên.

Với chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận”, năm nay, Điện Biên vinh dự được chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia. Đây là điều kiện, cơ hội để ngành du lịch Điện Biên “cất cánh”, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Lễ hội Hoa Ban được tổ chức vào trung tuần tháng 3 hằng năm đã trở thành hoạt động văn hóa hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách gần xa.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia – Điện Biên 2024 sẽ có gần 170 chương trình, sự kiện hưởng ứng, nổi bật là Lễ Khai mạc Năm du lịch quốc gia gắn với Lễ hội hoa Ban Điện Biên diễn ra vào ngày 16/3 tới đây.

Năm vừa qua, lần đầu tiên Điện Biên đạt mốc đón 1 triệu lượt du khách tới tham quan, trải nghiệm.

Ông Đô cho biết: "Đến thời điểm hiện nay, tất cả công tác chuẩn bị đã được hoàn tất, Điện Biên đã sẵn sàng đón du khách đến trải nghiệm những danh lam thắng cảnh, nét đẹp bản sắc văn hóa của 19 dân tộc anh em; cũng như tham quan, tìm hiểu về Di tích lịch sử của chiến trường Điện Biên Phủ cách đây 70 năm về trước."

Đây là tín hiệu vui, tạo đà tăng trưởng vững chắc cho ngành công nghiệp không khói của Điện Biên trong những năm tiếp theo.

Hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Điện Biên đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp “không khói” theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả với quan điểm lấy khách du lịch làm đối tượng phục vụ, mục tiêu là đón 1,3 triệu lượt khách du lịch trong năm nay.

Thu Thùy-Trấn Long/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/dien-bien-dua-du-lich-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-post1082518.vov