Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 13/6

Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 13/6.

Ukraine sẽ phải quyết định đánh đổi bao nhiêu lãnh thổ vì hòa bình. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, dù phương Tây sẵn sàng “trả giá” để tăng cường sức mạnh cho quân đội Ukraine, nhưng Kiev sẽ phải nhượng bộ lãnh thổ với Moscow để chấm dứt xung đột hiện tại.

“Hòa bình là có thể. Câu hỏi đặt ra là họ sẵn sàng trả cái giá nào cho hòa bình? Họ sẵn sàng hy sinh bao nhiêu lãnh thổ, bao nhiêu độc lập, bao nhiêu chủ quyền… vì hòa bình”, ông Stoltenberg nói.

Ông Stoltenberg nêu ra ví dụ của Phần Lan - quốc gia đã nhượng lại Tây Karelia cho Liên Xô như một phần của thỏa thuận hòa bình trong Thế chiến 2. Theo ông, thỏa thuận Phần Lan-Liên Xô là “một trong những lý do đưa Phần Lan ra khỏi Chiến tranh Thế giới thứ hai với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền”.

Ảnh: AP

Nghị sĩ EU nói phương Tây có quyền cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine. “Phương Tây có quyền cung cấp cho Ukraine các đầu đạn hạt nhân để nước này có thể bảo vệ nền độc lập của mình”, ông Radoslaw Sikorski thành viên của Nghị viện châu Âu đồng thời là cựu Ngoại trưởng Ba Lan phát biểu với kênh truyền hình Espreso TV của Ukraine.

Ông Sikorski cáo buộc Nga đe dọa Ukraine bằng vũ khí hạt nhân và cho rằng phương Tây phải “ngăn chặn” Moscow.

Nga phản ứng trước lời kêu gọi cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, lời kêu gọi cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine “thể hiện tư tưởng cực đoan, kích động xung đột, đe dọa an ninh khu vực và thế giới, cũng như vi phạm chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Volodin cũng cho rằng, lời kêu gọi của cựu Ngoại trưởng Ba Lan “kích động một cuộc xung đột hạt nhân ở châu Âu”. Do đó Nga không chỉ có trách nhiệm “phi quân sự hóa Ukraine, mà còn phải đảm bảo tình trạng phi hạt nhân hóa của nước này”. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Leonid Slutsky khẳng định, tuyên bố của ông Sikorsky “có thể khiến thế giới đứng trước bờ vực của một cuộc khủng hoảng hạt nhân”.

Ukraine nói Nga phá hủy cây cầu nối Severodonetsk với Lysychansk. Ông Serhiy Gaidai, Thống đốc tỉnh Lugansk, cho biết, lực lượng Nga đã phá hủy một cây cầu bắc qua sông Seversky Donets nối Severodonetsk với thành phố Lysychansk. Hiện chỉ còn lại một cây cầu nối 2 thành phố.

“Nếu cây cầu còn lại bị sập sau các đợt pháo kích mới, thành phố sẽ thực sự bị cô lập. Sẽ không có cách nào để rời Severodonetsk bằng đường bộ”, ông Gaidai nói, đồng thời nhấn mạnh, 2 bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận ngừng bắn cũng như hành lang sơ tán.

Trong một diễn biến sau đó, Ukraine thừa nhận bị Nga đẩy lùi khỏi trung tâm Severodonetsk. “Với sự hỗ trợ của pháo binh, kẻ thù đã phần nào đạt được thành công sau khi tiến hành các chiến dịch tấn công vào Severodonetsk, đồng thời đẩy lùi các lực lượng của chúng tôi khỏi trung tâm thành phố và tiếp tục các hành động giao tranh", Lực lượng Vũ trang Ukraine cho hay.

Nga đang đạt được thành công "nhờ lợi thế lớn về pháo binh", Sergey Hayday, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Lugansk nhận định trên Telegram.

Nga tuyên bố đảm bảo an toàn hàng hải tại cảng Mariupol. Một sĩ quan của quân đội Nga cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy và vô hiệu hóa 16 quả thủy lôi, 5 quả nằm trong vùng nước tại cảng, số còn lại là mình chống đổ bộ trên bãi biển. Cho đến cuối ngày, bãi biển đã được dọn sạch hoàn toàn”.

Theo người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, ông Denis Pushilin, cảng Mariupol đã hoạt động bình thường kể từ cuối tháng 5 vừa qua và hiện đã mở cửa cho các hoạt động xuất nhập khẩu.

Ukraine lo ngại sự ủng hộ của phương Tây sẽ phai nhạt khi chiến sự kéo dài. Sự lo ngại này phản ánh việc cuộc xung đột đang dần được bình thường hóa khi phần lớn Ukraine cảm thấy không liên quan đến cuộc chiến ở khu vực Donbass mặc dù nơi đây đang chứng kiến thương vong và những tổn thất kinh tế ngày càng gia tăng.

“Đó là một mối đe dọa hiện hữu, khi mà mọi người đều đã mệt mỏi với cuộc chiến này”, Lesia Vasylenko - nghị sĩ đảng đối lập Ukraine nhận định.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thảo luận với Nga và Ukraine về "hành lang ngũ cốc". Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, ông sẽ thảo luận với lãnh đạo Nga và Ukraine về đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc an toàn từ Kiev trong tuần này.

“Chúng tôi sẽ tham gia vào việc tạo hành lang an toàn cho các chuyến hàng nông sản, không chỉ cho chúng tôi mà còn cho các bên thứ ba. Các cuộc đàm phán đang diễn ra. Trong tuần tới, chúng tôi sẽ thảo luận với ông Zelensky và ông Putin về những bước có thể thực hiện”, Tổng thống Erdogan cho biết.

Phần Lan sẽ không gia nhập NATO nếu không có Thụy Điển. “Tôi muốn nói rằng trường hợp của Thụy Điển cũng là của chúng tôi. Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ đi cùng nhau”, Tổng thống Niinisto tuyên bố trong cuộc họp báo chung với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Helsinki.

Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO nói rằng, liên minh này không áp đặt bất kỳ thời hạn nào để chấp nhận nỗ lực gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, nhưng sẽ tìm cách sớm giải quyết bất đồng giữa 2 quốc gia Bắc Âu với Thổ Nhĩ Kỳ.

NATO: Không có lý do gì để tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chặn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trả lời phỏng vấn Financial Times ngày 13/6 nhận định “không có lý do gì để tin rằng” Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chặn nỗ lực của Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh.

"Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng và khi một đồng minh nêu lên những lo ngại về an ninh, chúng tôi phải giải quyết chúng”, ông Stoltenberg nói. Ông hy vọng mọi vấn đề có thể giải quyết “trong một thời gian phù hợp”. “Mục tiêu của tôi là Phần Lan và Thụy Điển có thể trở thành thành viên càng sớm càng tốt. Quá trình này vẫn có thể nhanh hơn so với các quá trình gia nhập khác”, ông Stoltenberg cho biết thêm.

Thế giới đối mặt nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân cao nhất trong nhiều thập kỷ. Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cảnh báo, nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân trên thế giới đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine và sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev đã làm gia tăng căng thẳng giữa những quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân. SIPRI cho biết, số lượng vũ khí hạt nhân đã giảm nhẹ trong khoảng thời gian từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2022. Tuy vậy, nếu các cường quốc hạt nhân không có hành động ngay lập tức, kho vũ khí hạt nhân có thể sớm gia tăng lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ./.

Hoàng Phạm/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-136-post950203.vov