Điện Biên: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật xòe Thái

Xòe Thái không chỉ có vị trí quan trọng trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái mà còn là sợi dây kết nối cộng đồng, gắn bó với thiên nhiên, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc. Múa xòe đang trở thành một 'sản phẩm du lịch' thu hút du khách trong nước và quốc tế tham gia trải nghiệm khi đến với Điện Biên.

Xòe Thái giúp gắn kết cộng đồng

Xòe là biểu tượng văn hóa Thái góp phần gắn kết con người với con người, con người với trời đất một cách sinh động đầy tính lãng mạn nhưng cũng đậm tính xã hội. Hơn thế nữa, xòe còn là nơi con người gửi gắm tình yêu của đồng bào dân tộc, gắn kết tình cảm con người với nhau. Đặc biệt, xòe Thái có tính bình đẳng rất cao, khi đã vào vòng Xòe, không còn phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp. Người Thái múa xòe trong lễ hội mùa xuân, lễ xên bản, xên mường, lễ mừng mùa của cộng đồng, các sự kiện chính trị của các địa phương để giao lưu, kết bạn và kết nối cộng đồng trong những vòng Xòe.

Xòe Thái là sợi dây kết nối cộng đồng. Ảnh: baodienbienphu.com.vn

Mặt khác, múa xòe là hình thức múa dân gian phản ánh cuộc sống lao động và đấu tranh sinh tồn giữa con người với cuộc sống thiên nhiên cũng như sức sống mãnh liệt của dân tộc Thái trong việc đấu tranh chống ngoại xâm. Nghệ thuật múa xòe thể hiện giấc mơ của người dân về cuộc sống thanh bình, ước muốn ấm no, hạnh phúc. Trong từng động tác, từng điệu Xòe đều ẩn chứa những giá trị văn hóa nhân sinh cao đẹp, triết lý sâu sắc. Những điệu Xòe như một xã hội thu nhỏ của người Thái, phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng bằng phương thức tư duy ngôn ngữ múa dân gian Thái. Đồng thời, góp phần khẳng định bản chất con người của người Thái, kiên cường bất khuất, dũng cảm khiêm tốn, sáng tạo và cần cù hướng con người tới lý tưởng cao thượng, lối sống lành mạnh bồi đắp cho các thế hệ những tư tưởng tình cảm cao đẹp. Xòe không chỉ để thỏa mãn cảm xúc thẩm mỹ, mà còn là tri thức dân gian có tác dụng kích thích phát triển của con người, giúp con người thêm tự nhiên, sống thuận với tự nhiện, biết điều chỉnh hành vi, lối sống cho phù hợp với đạo làm người. Thông qua mỗi điệu Xòe, con người gần gũi, chan hòa với nhau hơn, yêu đời, yêu người để bước vào cuộc sống lao động, chiến đấu với niềm tin yêu sáng trong vô hạn. Xòe Thái là giá trị phi vật thể vô giá trong kho tàng văn hóa Thái nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung mang một sắc thái riêng, mang tính cội rễ từ thủa mở cõi.

Ngày 15/12/2021, nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự ghi danh này thêm một lần nữa chứng minh sức sống mãnh liệt, vị trí đặc biệt quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể này của không chỉ đồng bào người Thái, mà còn của chung cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong dòng chảy văn hóa đất nước, tăng thêm niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc Thái và phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc ở Việt Nam.

Bảo tồn, gìn giữ và phát triển xòe Thái

Trong thời gian qua, tỉnh đã xây dựng múa xòe thành sản phẩm du lịch mũi nhọn. Múa xòe hiện trở thành một “sản phẩm du lịch” thu hút khách tham quan trong và ngoài nước, không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hóa Thái mà còn góp phần mang lại nguồn thu nhập cho bà con trong dịch vụ du lịch cộng đồng.

Để bảo tồn di sản văn hóa Xòe Thái, chính quyền các cấp, các nghệ nhân và những người yêu văn hóa Thái đã dành nhiều tâm huyết, nỗ lực nghiên cứu, gìn giữ, truyền dạy cũng như phổ biến rộng rãi về nét đẹp của nghệ thuật Xòe Thái. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2876/KH-UBND ngày 9/9/2022 về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, tỉnh đề ra mục tiêu cụ thể là thí điểm thành lập 10 mô hình câu lạc bộ thực hành ”Nghệ thuật xòe Thái” tại các huyện, thị xã, thành phố nắm giữ di sản. Nghiên cứu, hỗ trợ để các di sản văn hóa trở thành sản phẩm đặc trưng phục vụ phát triển du lịch. Trong giai đoạn 2024 – 2025 sẽ triển khai công tác kiểm kê, rà soát, đánh giá hiện trạng, kết hợp nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung tư liệu; hỗ trợ mở các lớp truyền dạy nghệ thuật Xòe Thái tại cộng đồng.

Câu lạc bộ thực hành di sản Nghệ thuật Xòe Thái. Ảnh: moitruongdulich.vn

Song song với đó, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh Điện Biên tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền dạy văn hóa phi vật thể nghệ thuật Xòe Thái tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên. Đây là hoạt động triển khai Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023.

Bên cạnh đó, biên tập xuất bản sách “Di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Điện Biên”, trong đó, có nội dung giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái của tỉnh Điện Biên đã được UNESCO ghi danh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Thí điểm thành lập mô hình Câu lạc bộ thực hành di sản Nghệ thuật Xòe Thái tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đang nắm giữ di sản. Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thành lập, duy trì hoạt động ít nhất 01 Câu lạc bộ Xòe Thái tại các xã nắm giữ di sản trên địa bàn.

Đồng thời, tỉnh lựa chọn các cá nhân tiêu biểu là người dân tộc Thái trong truyền dạy, bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc để xây dựng hồ sơ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Lựa chọn, hỗ trợ Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ truyền thống của dân tộc Thái hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho cộng đồng và tạo sản phẩm du lịch từ di sản văn hóa.…

Hà My

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/dien-bien-bao-ton-va-phat-huy-nghe-thuat-xoe-thai-55671.html