Điện ảnh Việt Nam sẽ không duy trì được lâu nếu cứ theo cách làm phim như hiện tại

Ông Raymond Phatthanavirangoon, nhà sản xuất phim, cựu lãnh đạo SEAFIC, khuyên điện ảnh Việt cần cẩn trọng với phim hài nhảm, phim mua nước mắt khán giả.

Ngày 8-4, hội nghị Lãnh đạo điện ảnh Đông Nam Á: Tương lai của điện ảnh Đông Nam Á trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF) lần 1 đã diễn ra tại Trung tâm hội nghị Thiskyhall Sala, TP Thủ Đức.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: VĂN HÀ

Tọa đàm có ba phiên thảo luận xoay quanh các nội dung: Xây dựng hệ sinh thái phim bền vững; bồi dưỡng tài năng mới; tương lai của nguồn tài trợ ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Điện ảnh Việt nên tránh lạm dụng phim hài nhảm

Tại tọa đàm, có nhiều ý kiến cho rằng việc tìm kiếm nhân tài, các diễn viên mới nổi so với trước đây đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là trong thời đại trực tuyến hiện nay.

"Việc tìm kiếm nhân tài không chỉ còn ở Hollywood mà đã lan rộng ra toàn cầu. Đây được xem như sự hỗ trợ cho những người mới đang tìm kiếm cơ hội, bên cạnh đó giúp cho những người làm phim đưa phim của họ vươn lên một tầm cao mới" – ông Thomas Nam, Bucheon International Fantastic film Festival cho hay.

Ông Raymond Phathanavirangoon, Nhà sản xuất phim, cựu chủ tịch SEAFIC

Đề cập đến vấn đề nhân tài trong lĩnh vực phim ảnh tại Việt Nam, ông Raymond Phathanavirangoon, nhà sản xuất phim, cựu chủ tịch SEAFIC (South East Asia Fiction Film Lab, một chương trình đào tạo mới dành cho các nhà làm phim Đông Nam Á) nhận định Việt Nam có rất nhiều tài năng bởi trong suốt năm năm qua, có nhiều dự án đạt giải tại các Liên hoan phim như Chuyện của Pao, Bên trong vỏ kén vàng, Cu li không bao giờ khóc….

Tuy nhiên, ông Raymond Phathanavirangoon lại cho rằng điện ảnh Việt Nam sẽ không duy trì được lâu nếu như cứ theo cách làm phim như hiện tại.

"Thái Lan đã từng giống như Mỹ vào giai đoạn 1990-2000 đi theo con đường này nhưng đến nay họ đã khác.

Tôi nghĩ bây giờ điện ảnh Việt Nam cần tập trung cho những dự án tốt hơn đừng tập trung cho phim hài nhảm, cũng như mua nước mắt người xem. Phim thương mại nếu không có gì mới, chiếu đi chiếu lại, đến một lúc nào đó người dân sẽ phát chán thị trường phim bản địa. Đó là điều Việt Nam cần nên cẩn trọng” – ông Raymond Phathanavirangoon nói.

Trước vấn đề này, ông Aderson Le, Giám đốc chương trình HIFF cho rằng đây là vấn đề trực diện nhưng lại mang tầm vĩ mô.
Tuy nhiên, ông cũng nhận định Việt Nam không chỉ có phim hài nhảm, phim mua nước mắt người xem mà còn có nhiều thể loại khác như phim kinh dị, phim mang chủ để gia đình,...

Điện ảnh Việt Nam cần hướng nhiều hơn ra thế giới

Chia sẻ thêm với PLO, ông Raymond Phathanavirangoon cho biết nhìn vào thị trường điện ảnh của Hàn Quốc có thể thấy những bộ phim nổi tiếng được đưa ra toàn cầu để tiếp cận với công chúng như Exhuma: Quật mộ trùng ma từng ở Liên hoan phim Berlin,… Nhưng ngược lại ở Việt Nam, những bộ phim do chính họ làm ra lại chỉ nổi tiếng và phát triển ở thị trường trong nước.

"Điện ảnh Việt Nam cần bắt đầu hướng đến việc làm phim thương mại không chỉ phát triển trong nước mà còn phải mở rộng hơn nữa ở những thị trường khác. Đó là điều mà phim Việt chưa thực sự làm được" - ông Raymond Phathanavirangoon nói .

Hình ảnh trong phim Exhuma: Quật mộ trùng ma gây sốt thời gian qua. Ảnh: Showbox/ Pinetown Prodution

Theo ông Raymond Phathanavirangoon, để thực sự bước chân ra toàn cầu, những bộ phim thương mại cũng gặp không ít khó khăn, do đó liên hoan phim chính là cầu nối để đưa thể loại phim này vươn xa hơn.

"Một trong những điều mà Hàn Quốc đã làm rất tốt là họ học hỏi từ Pháp hay những quốc gia có kinh nghiệm khác trong việc phát triển phim ra toàn cầu. Việt Nam cần học hỏi như họ, cũng như vượt qua các sự kiểm duyệt cũng như những đề tài như hài kịch phục vụ trong nước” – ông Raymond Phathanavirangoon nói thêm.

Liên hoan phim quốc tế là cơ hội cho các nhân tài

Trong khuôn khổ hội thảo, ông Jay Won Choi, đạo diễn phim hợp tuyển, cố vấn của HIFF cho rằng Liên hoan phim là cơ hội để các đạo diễn phim tiếp xúc với nhiều đề tài mới, cũng như tiềm kiếm tài năng.

"Liên hoan phim tổ chức trên các quốc gia là cơ hội cho những nhà sản xuất mới tài năng mới tiếp cận với các tài năng lớn trong phim ảnh và tạo ra một môi trường điện ảnh toàn cầu cơ hội toàn cầu để mọi người có thể tiếp xúc và giao lưu tìm kiếm tài năng lẫn nhau" - ông Jay Won Choi bày tỏ.

VĂN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/dien-anh-viet-nam-se-khong-duy-tri-duoc-lau-neu-cu-theo-cach-lam-phim-nhu-hien-tai-post784403.html