Điện ảnh Việt: Giấc mơ bom tấn

GD&TĐ - Thời gian gần đây, nhiều đoàn làm phim, diễn viên của Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ... đến Việt Nam giao lưu văn hóa sau khi những bộ phim được trình chiếu trên các kênh truyền hình và cụm rạp.

Thế nhưng, phim Việt vẫn ngậm ngùi “lép vế”, quẩn quanh sân nhà do thiếu chuyên nghiệp trong khâu quảng bá.

Tìm đường xuất ngoại

Không thể so với những phim bom tấn của Hollywood, nhưng xét về mặt doanh thu, thị trường Việt Nam trong những năm gần đây đã có những phim đủ để giới làm phim nhiều nước để mắt đến.

Tháng 6 vừa qua, một số bộ phim của hãng Lasta sản xuất như: Nghiêng nghiêng dòng nước (đạo diễn Nam Quan), Trả giá (đạo diễn Đinh Đức Liêm) Sương khói đồng hoang (đạo diễn Nguyễn Dương) đã được phát sóng giờ vàng trên MW - Kênh truyền hình quảng bá của Myanmar.

Mới đây, từ ngày 23/6, trên kênh truyền hình Hàn Quốc, bộ phim Tuổi thanh xuân đã được phát sóng trên Kênh truyền hình StoryOn, với phụ đề tiếng Hàn. Còn phiên bản tiếng Anh của phim lên sóng Channel M - mạng truyền hình trả tiền phủ sóng trên nhiều quốc gia và lãnh thổ châu Á như Singapore, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Australia, Hồng Kông, Đài Loan... Đây là một trong những phim dài tập đầu tiên của Việt Nam thông qua những câu chuyện về cuộc sống của giới trẻ, về gia đình tới các quốc gia nước láng giềng. Bộ phim là sự hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, những bộ phim kiểu này còn khá khiêm tốn, các nhà làm phim còn khá e dè với kịch bản để đem phim ra nước ngoài giới thiệu. Bên cạnh đó, hầu hết những bộ phim được phát sóng ở nước ngoài đều do mối quan hệ riêng, hoặc phim do hợp tác sản xuất với nước ngoài. Lâu nay, các đoàn làm phim đều phải dò dẫm, tự tìm đường cho mình.

Những năm 90 của thế kỷ trước, những bộ phim như Người đẹp Tây Đô, Ngọn nến hoàng cung, Mekong ký sự... đã từng được xuất ngoại. Những bộ phim này được phát sóng tại Thái Lan trên Kênh truyền hình KXLA44, VBS, phát hành DVD trên thị trường Mỹ. Gần đây, bộ phim Người cộng sự, Tuổi thanh xuân cũng được phát sóng ở chấu Á. Tuy nhiên, nhũng bộ phim ấy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn nữa những bộ phim ấy chỉ chiếu cho kiều bào Việt Nam ở nước ngoài chứ chưa được rạp bán vé.

Vài năm trở lại đây, ở một số liên hoan phim quốc tế hay khu vực, nhiều đoàn làm phim cũng mang phim ra nước ngoài quảng bá nhưng đều chưa hiệu quả.

Cần chiến lược quảng bá

Theo thống kê, mỗi năm, điện ảnh Việt Nam sản xuất hàng chục phim chiếu rạp và hàng ngàn tập phim truyền hình. Theo đó, các diễn viên điện ảnh của ta cũng có rất nhiều cơ hội xuất hiện trên màn ảnh với mật độ dày đặc. Nhưng nhìn lại, những diễn viên khiến khán giả trẻ si mê cuồng nhiệt như các diễn viên phim Hàn, phim Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan hay Ấn Độ gần đây rất hiếm. Những tên tuổi thuộc hàng ăn khách nhất của phim Việt hiện nay là các diễn viên hài kịch, đóng phim như diễn tấu hài. Những gương mặt điện ảnh thật sự lại không phải là những cái tên ăn khách. Nhiều nhà làm phim trong nước vẫn chọn cách ăn xổi nên phim Việt Nam còn khó tiếp cận được với thị trường thế giới.

Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim, Đài truyền hình Việt Nam đánh giá, chúng ta có phim hay, nhưng chưa có một chiến lược quảng bá, giới thiệu. Trên thế giới việc trao đổi bản quyền phim truyền hình là phổ biến, đây là cách quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước mình đến các quốc gia khác. Tuy nhiên, phim Việt lại chưa làm được điều ấy hoặc có vài phim được xuất ngoại nhưng cũng đang chập chững dò đường.

NSƯT Bình Trọng, Giám đốc Hãng phim Bình Minh cho biết, dù nhiều nhà sản xuất muốn mang phim ra nước ngoài quảng bá, nhưng để xuất ngoại được, nhất là các quốc gia đang phát triển, thì phim truyền hình Việt phải đạt yêu cầu khắt khe về chất lượng kỹ thuật, vì thế phim thường bị thua thiệt nhiều. Một số phim bom tấn trên thế giới, muốn hút khán giả, người ta thường khai thác những câu chuyện ngoài lề, gợi trí tò mò cho khán giả, hoặc kể những câu chuyện hay liên quan đến đời sống của dàn diễn viên nổi tiếng. Tuy nhiên, nếu phim Việt ra nước ngoài thì họ không làm thế được vì họ không biết diễn viên Việt là ai. Vì thế song song với việc có kịch bản hay cần có chiến lược quảng bá, giới thiệu phim và diễn viên với khán giả nước ngoài.

Thiết nghĩ, việc các đoàn làm phim sang giao lưu, giới thiệu phim ở các nước trong khu vực là điều cần thiết, đây là một bước tiến dài để góp phần xây dựng nền công nghiệp phim truyền hình. Nhưng để có chiều sâu, đòi hỏi một cách làm phim phải đổi khác với tư duy mới mẻ và sáng tạo để có thể hội nhập đa dạng trong làng điện ảnh quốc tế.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/dien-anh-viet-giac-mo-bom-tan-2077576-b.html