Điện ảnh thỏa mãn những giấc mơ

Sáng 3.11, trong cuộc gặp gỡ, giao lưu với đạo diễn, diễn viên của các đoàn làm phim tham dự Liên hoan phim quốc tế Hà Nội - Haniff 2016, những câu chuyện thú vị về điện ảnh và cuộc sống đã được chia sẻ qua những phỏng vấn ngắn, trả lời ngắn.

Tôi không ủng hộ đồng tính, nhưng đây là thế giới nghệ thuật

Đạo diễn Leona Hirota - sinh năm 1963, từng nhận giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại LHP Yokohama với bộ phim Yumeji (1991): “Những chàng trai kẹo ngọt” chiếu tại Haniff 2016 chi phí gấp đôi các phim khác, đề cập đến đồng tính nam, nhưng ở mức độ trẻ em cũng xem được. Tôi không ủng hộ đồng tính nam, tuy nhiên trong phim là một thế giới khác với những chàng trai rất đẹp.

* Lao Động: Điểm nhìn của bà trong phim như thế nào?

- Không hẳn tôi phản đối vấn đề đồng tính, bản thân tôi làm diễn viên ballet và thấy đồng tính là vấn đề tự nhiên của xã hội. Ở Nhật, nhiều người dân phân biệt đối xử với đồng tính, tôi không thích điều đó và muốn chuyển tải nó sang điện ảnh. Phim làm về đồng tính ở Nhật không phải là nhiều.

Hai nghệ sĩ Iran dự Haniff 2016.
Ảnh: V.V

* Lao Động: Vì sao bà học múa ballet cổ điển từ nhỏ nhưng lại quyết định chuyển sang làm đạo diễn? Và nghệ thuật múa có giúp bà nhiều trong việc chỉ đạo diễn xuất?

- Tôi giành học bổng ở École Mudra - một trường ballet tại Bỉ, dành cho đối tượng là diễn viên múa ballet trẻ, và tôi được học về nghệ thuật nói chung, học về diễn xuất nói riêng. Điều đó đóng góp rất nhiều cho tôi trong công tác đạo diễn.

Nam diễn viên Hiromu Takahashi: Lần đầu tiên tôi đóng vai đồng tính nam. Tôi chỉ quan tâm tới ý tưởng của đạo diễn, dựa trên tác phẩm “Hồ thiên nga” và tôi đóng vai một con thiên nga đen.

* Nhà biên kịch Lý Phương Dung: Phim khi phát hành tại Nhật có gặp khó gì không và mối quan tâm của xã hội Nhật tới vấn đề đồng tính nam?

Đạo diễn Leona Hirota: Không gặp khó khăn gì, có em bé 4-5 tuổi theo gia đình đi xem. 90% người xem phim là khán giả nữ và 30% đi xem lần thứ hai - một tỉ lệ rất hiếm ở các phim Nhật. Các nhà sản xuất phim ở Nhật đánh giá cao. Phim dự kiến tháng 11 và 12 năm nay sẽ chiếu lại và chúng tôi đang hoàn thiện phần 2.

Giá trị truyền thống luôn tồn tại

Đạo diễn Hiroki Hayashi - sinh năm 1974, làm phim đầu tiên vào năm 2003 với tác phẩm Rakuda Ginza - bộ phim đã được mời tới LHP Quốc tế Tokyo 2004, LHP Quốc tế Cairo và một số liên hoan phim khác. Bộ phim “Gia đình nở hoa” là phim truyện thứ 7 của ông.

* Lao Động: Khi làm phim “Gia đình nở hoa”, ông có lấy chút kinh nghiệm nào từ chính bản thân? Làm sao kể một câu chuyện về gia đình vừa riêng tư, vừa có tính phổ quát?

- Xã hội Nhật thay đổi nhanh chóng, nhưng có những giá trị truyền thống trong cuộc sống hàng ngày của người dân Nhật luôn tồn tại và không hề mất đi. “Gia đình nở hoa” làm về chủ đề gia đình, phải mất mấy năm để hoàn thành.

Khi làm phim này, nhiều đoạn tôi nghĩ về gia đình tôi, bố mẹ tôi đã mất, và tôi luôn trân trọng những giá trị gia đình. Chúng tôi đến nhiều vùng miền của Nhật và tìm hiểu không chỉ cuộc sống hiện giờ mà cuộc sống ở 40 đến 80 năm, nói chuyện với người dân về cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, nét văn hóa lễ kết hôn, ma chay… thu thập từng mảnh, tìm điểm chung nhất những gia đình Nhật Bản rồi biên tập lại thành phim.

* Báo Điện ảnh Việt Nam: Khi làm phim, ông thể hiện góc nhìn riêng hay đi vào những vấn đề mà xã hội quan tâm?

- Tôi làm phim hướng tới việc xây dựng tương lai, tôi quan tâm kết nối các thế hệ từ em bé đến cụ già.

Khó nói hình ảnh chân thực của phụ nữ Iran

Đạo diễn Mehdi Fard Ghaderi - phim “Immortality” (Bất tận, Iran) sinh năm 1986. Phim ngắn của anh đã được chiếu tại hơn 80 liên hoan phim trên thế giới và nhận được hơn 20 giải thưởng. Phim “Bất tận” là phim dài đầu tay của anh.

* Lao Động: Anh có nghĩ rằng truyền thống kể chuyện “Nghìn lẻ một đêm” của Iran đã tạo cho các đạo diễn Iran thành công trên trường quốc tế không?

- Đạo diễn Mehdi Fard Ghaderi: Khó nói về điều đó, nhưng riêng với bộ phim của tôi thì đúng là nó giống như chuyện Nghìn lẻ một đêm, điểm dừng câu chuyện này được nối tiếp câu chuyện mới. Phim được quay trên toa tàu kể về 6 câu chuyện khác nhau của những người đi trên toa tàu đó, đề cập tới những vấn đề về xã hội, gia đình.

* Lao Động: Phụ nữ Iran kín đáo, bí ẩn sau tấm mạng che, nhưng sau khi xem phim “Khô hạn và dối trá” (Drough and lies) thì lại thấy phụ nữ Iran ghen tuông, nhiều lời và cực kỳ ghê gớm, vậy đâu là hình ảnh chân thực thực sự của người phụ nữ Iran?

Nữ diễn viên Mehdi Mehbrabi - phim “Khô hạn và dối trá”: Đối với phụ nữ Iran, cuộc sống phức tạp không hiểu rõ bản thân muốn gì làm gì, với từng vai trò trong cuộc sống rất khác tại gia đình, cơ quan, việc làm, thích ứng khác nhau. Khó nói đâu là hình ảnh chân thực nhất của phụ nữ Iran.

Điện ảnh thỏa mãn những giấc mơ

Đạo diễn Shanjhey Kumar Perumal, phim “Xấu xa” (Malaysia):

* Lao Động: Thách thức lớn nhất của anh khi làm phim này?

- Là phim kinh phí thấp, chỉ có 80.000 USD (trung bình phải là 100.000 USD) nên 90% diễn viên là nghiệp dư. Phim của tôi phải dán mác +18, nhưng điều đó khiến phim tôi không bị cắt 1 cảnh nào.

* Lao Động: Điện ảnh có giúp anh thỏa mãn những gì sâu kín nhất?

- Điện ảnh là công cụ thể hiện suy nghĩ và cảm xúc. Kể bằng hình ảnh, âm thanh kết hợp diễn xuất của diễn viên để chuyển tải thông điệp. Điện ảnh thỏa mãn những giấc mơ của tôi…

VIỆT VĂN (lược ghi)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/dien-anh-thoa-man-nhung-giac-mo-607801.bld