Điểm tựa vững chắc vùng biên giới Kiên Giang

Công tác quản lý, bảo vệ biên giới có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, dân tộc. Thực hiện đề án, kế hoạch xây dựng chốt chiến đấu của dân quân trên địa bàn các xã biên giới, cùng với tỉnh An Giang và Đồng Tháp, từ năm 2018 đến nay, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng được các chốt dân quân thường trực trên địa bàn huyện Giang Thành và TP Hà Tiên. Từ khi đi vào hoạt động, các chốt dân quân thường trực đã mang lại hiệu quả thiết thực, thực sự là lực lượng chính trị tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Huyện Giang Thành (Kiên Giang) có đường biên giới dài hơn 42km, nơi đây có Cửa khẩu Quốc gia Giang Thành, cùng rất nhiều đường mòn, hệ thống sông, kênh, rạch nên công tác chốt chặn, kiểm soát biên giới, cửa khẩu gặp không ít khó khăn.

Một chốt dân quân thường trực tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.

Theo chia sẻ của Thượng tá Bùi Cảnh Nha, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Giang Thành, những năm qua, nhằm ngăn ngừa các hành động xâm canh, nhập cư, vượt biên trái phép, phòng, chống dịch bệnh, Ban CHQS huyện đã chỉ đạo cho lực lượng dân quân tại các chốt phối hợp với lực lượng công an, biên phòng và các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, bảo vệ đường biên, mốc giới; kịp thời đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia; phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, lực lượng dân quân tại các chốt còn phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia quản lý, giữ vững an ninh trật tự; ngăn chặn kịp thời các trường hợp có dấu hiệu vi phạm quy chế biên giới ngay từ cửa ngõ biên giới.

“Các chốt dân quân được bố trí xen kẽ với đồn, trạm biên phòng, điểm tựa, cụm điểm tựa, cụm dân cư trong thế trận làng xã, xã chiến đấu và thế trận khu vực phòng thủ địa phương. Việc triển khai tổ chức thực hiện mô hình chốt chiến đấu của dân quân thường trực lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn, nhưng được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp và đạt được những kết quả quan trọng”, Thượng tá Bùi Cảnh Nha, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Giang Thành nói.

Chiến sĩ tại chốt dân quân thường trực huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang huấn luyện tháo, lắp súng tiểu liên AK.

Chiến sĩ chốt dân quân thường trực giao ban rút kinh nghiệm sau mỗi ca trực.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, các công trình chốt dân quân thường trực xây dựng đều có bếp ăn, nơi nghỉ, sinh hoạt, bảo đảm yếu tố kỹ thuật, yêu cầu chiến thuật trong thực hiện bảo vệ biên giới.

Cùng với tổ chức tốt các hoạt động, thời gian qua cơ quan quân sự các cấp của tỉnh Kiên Giang đã tập trung lãnh đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập cho lực lượng dân quân các chốt chiến đấu biên giới, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Song song đó, nhằm góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết quân dân, chốt chiến đấu của dân quân các xã biên giới còn là chỗ dựa cho nhân dân lao động sản xuất, làm ăn, giao lưu qua lại, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa nhân dân trên tuyến biên giới hai nước; bảo vệ và phòng, chống cháy rừng, thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn... Bất cứ lúc nào, nếu cần các chiến sĩ dân quân luôn có mặt kịp thời để giúp nhân dân.

Ông Trần Thanh Việt, người dân ấp Đồng Cừ, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành nhớ lại: “Cuối năm 2018, do ảnh hưởng của triều cường cùng với mưa to nên hơn 10 hecta lúa chuẩn bị thu hoạch của gia đình tôi bị đổ rạp, ngập sâu trong nước. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng dân quân chốt Đồng Cừ gia đình tôi đã giảm được thiệt hại rất đáng kể. Lúc về giúp bà con, bất chấp khó khăn các chiến sĩ dân quân ai cũng làm việc tích cực, không ngại khó, ngại khổ. Có chốt dân quân, bà con không còn lo lắng nữa, địa bàn biên giới rất bình yên”.

Quy hoạch tổng thể của một chốt dân quân thường trực tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Ngành, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 9 trong xây dựng khu vực phòng thủ, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng các chốt dân quân thường trực ở địa bàn biên giới. Mỗi chốt rộng khoảng 2.000m2. Bằng nguồn kinh phí của địa phương và vận động từ các mạnh thường quân, hiện nay các chốt đều được trang bị đầy đủ hệ thống phương tiện nghe, nhìn, lắp đặt internet. Ngoài ra, mỗi tháng còn hỗ trợ 200 nghìn đồng tiền điện thoại cho đồng chí chốt trưởng, 1 triệu đồng để hoạt động chung; 100% cán bộ, chiến sĩ đều được mua bảo hiểm xã hội miễn phí…

“Từ những việc làm và kết quả đạt được, thời gian tới để các chốt dân quân thường trực tại các địa bàn biên giới hoạt động đạt hiệu quả thiết thực hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt “Đề án hoạt động của lực lượng Dân quân tự vệ 2021 - 2025”; hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chốt chiến đấu của dân quân thường trực biên giới trong thế trận khu vực phòng thủ địa phương; tiếp tục quan tâm, làm tốt công tác xây dựng, tổ chức, biên chế; đảm bảo cơ sở vật chất, kinh phí tốt nhất cho lực lượng ở các chốt…”, Đại tá Nguyễn Văn Ngành khẳng định.

Bài, ảnh: QUANG ĐỨC - PHƯƠNG VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/diem-tua-vung-chac-vung-bien-gioi-kien-giang-749133