Điểm tựa miền phên giậu

Về biên giới những ngày đầu năm mới, thấy đời sống ấm no hiện rõ trên những tuyến đường quê bêtông phẳng lì, những đồng lúa trĩu bông và đường cờ đỏ rực. Vùng biên bình yên, phát triển nhờ có sự chung sức, đồng lòng, ý Đảng hợp lòng dân. Mỗi người dân vùng biên đều là nhân tố quan trọng, 'điểm tựa' vững chắc cho miền phên giậu Tổ quốc.

Theo ông Võ Văn Cường (bên phải) (Trưởng ấp Vinh, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ) việc thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân sẽ góp phần giữ gìn bình yên biên giới

1. Sáng đầu xuân, trời còn se lạnh, Trưởng ấp Vinh, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An - Võ Văn Cường đã trầm mình xuống ao, sửa lại lưới nuôi cá của gia đình cho chắc chắn. Chiều muộn ngày hôm trước, sau khi cùng lực lượng bộ đội biên phòng và đoàn thể địa phương đi kiểm tra, dọn vệ sinh quanh các cột mốc trên địa bàn ấp trở về, ông Cường thấy lưới nuôi cá của gia đình bị lỏng vài chỗ nên sáng sớm đã tranh thủ xuống ao sửa lại. “Lát nữa tôi còn ghé thăm nhà mấy hộ dân làm ruộng dọc đường biên, buổi chiều đi họp nên phải tranh thủ làm sớm cho xong" - ông Cường vừa mạnh tay siết dây buộc lưới, vừa nói.

Là bí thư chi bộ, trưởng ấp nhiều năm liền, ông biết rõ từng hộ gia đình làm ruộng hoặc có nhà cạnh đường biên. Mỗi tuần đôi lần, ông lại ghé thăm, nói vài câu chuyện, uống ly nước trà, nhắc nhở người dân chú ý bảo vệ đường biên, cột mốc, ngăn chặn việc qua lại biên giới trái phép, cảnh giác với người lạ xuất hiện ở khu vực biên giới và đặc biệt không để người thân tham gia vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới,...

“Tất cả đều được ký cam kết hàng năm nhưng để người dân hiểu và làm theo thì phải nhắc nhở, giải thích thường xuyên. Với lại, gần gũi nhiều thì hiểu được tâm tư, nguyện vọng, có chuyện gì, người dân trong ấp cũng báo cho tôi. Ở vùng biên giới, không dựa vào dân thì dựa vào ai!” - ông Cường nói.

2. Dựa vào dân để bảo vệ biên cương cũng là nguyên tắc cốt lõi trong cách làm việc của Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Bưng Ràm, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng - Nguyễn Văn Đẹp. Vốn sinh sống tại ấp Kinh Mới, 5 năm nước, khi đang là Phó Bí thư Chi bộ ấp Kinh Mới, anh Đẹp được phân công về làm Bí thư Chi bộ ấp Bưng Ràm, ấp biên giới còn nhiều khó khăn, đảng viên tại chỗ ít, dân nhập cư đến tạm trú, canh tác trên địa bàn nhiều.

Là Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Bưng Ràm, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, anh Nguyễn Văn Đẹp "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ đường biên, cột mốc

Suốt 5 năm, anh Đẹp “đi từng ngõ, gõ từng nhà” làm quen, xây dựng quan hệ gần gũi, thân thiết với người dân. Vừa tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay cho buôn lậu, mua bán trái phép ma túy, xuất, nhập cảnh trái phép,... anh vừa xây dựng mạng lưới thông tin cho mình. Đó là những người dân đáng tin cậy, nhiệt tình, khi phát hiện khu vực biên giới có bất thường, dù chuyện lớn hay nhỏ, đều thông tin ngay cho bí thư chi bộ ấp.

Sau thời gian dài bám đất, gần dân, giờ đây, anh Đẹp có quyền tự hào về thành quả của mình. Anh Đẹp chia sẻ: “Khi mới nhận nhiệm vụ, tôi cũng bỡ ngỡ do chưa quen biết được nhiều người, giờ thì ổn hơn rồi.

Người dân ở đây còn đồng lòng cùng chúng tôi bảo vệ đường biên, cột mốc. Đường biên giới qua địa bàn ấp Bưng Ràm dài khoảng 5km, dọc theo kênh Cái Cỏ, việc quản lý đường biên nếu không có người dân sẽ rất khó khăn”.

Anh Đẹp cho biết, những thông tin từ người dân là nguồn tin tin cậy giúp cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn các loại tội phạm, giữ gìn bình yên vùng biên giới. Trong những năm qua, anh phối hợp, cung cấp thông tin cho bộ đội biên phòng ngăn chặn 2 trường hợp qua lại biên giới trái phép, 5 vụ vận chuyển hàng lậu. Sau 5 năm công tác, từ một người “chân ướt chân ráo” làm quen địa bàn, anh Đẹp trở thành người được dân tín nhiệm và yêu quý. Không chỉ xây dựng được mạng lưới thông tin tin cậy trong dân, anh còn bồi dưỡng, phát triển đảng viên tại địa phương, từng bước nâng số lượng đảng viên trong chi bộ.

3. Không chỉ xây dựng cơ sở trong nước, những “điểm tựa” vùng biên giới còn có mạng lưới thông tin từ người dân nước bạn. Những mối quan hệ qua lại thân tình giúp họ nắm được tình hình an ninh, chính trị bên kia biên giới, góp phần hòa giải các mâu thuẫn xảy ra trong đời sống hàng ngày ở dọc đường biên. Phó Trưởng ấp 1, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa - Đặng Văn Hoàng là người xây dựng được mạng lưới thông tin như vậy.

Ông Đặng Văn Hoàng (Phó Trưởng ấp 1, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) thường nhận nhiệm vụ dịch, viết, nhận, gửi thư mời giữa các địa phương 2 bên biên giới

Biết tiếng Campuchia từ khi còn nhỏ, ông Hoàng được tạo điều kiện học bồi dưỡng thêm tại TP.HCM và tham gia hoạt động đối ngoại tại địa phương từ năm 2002, khi đang là Công an xã Tân Hiệp (lực lượng bán chuyên trách).

Có thể nghe, nói, đọc, viết thành thạo tiếng Campuchia, ông Hoàng nhận nhiệm vụ viết, dịch, gửi, nhận thư mời giữa các địa phương nước ta và nước bạn. Vì thông thạo ngôn ngữ nên ông Hoàng được nhiều người dân, cán bộ nước bạn yêu quý, giữ mối quan hệ thân tình. Đó là lợi thế giúp ông Hoàng dễ dàng tìm hiểu, nắm bắt các thông tin cần thiết, góp phần vun đắp mối quan hệ giao hảo giữa 2 quốc gia.

Cũng từ đó, những vướng mắc thường gặp trong đời sống thường ngày của người dân 2 bên biên giới được ông Hoàng phối hợp chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng giải quyết êm đẹp, thuận tình.

Ông Hoàng kể: “Người dân trồng trọt, chăn nuôi dọc biên giới khá nhiều nên thi thoảng, trâu, bò của người dân nước bạn đi lạc sang bên mình, làm hư hỏng hoa màu của nông dân trong xã. Biết được thông tin đó, tôi cùng địa phương, bộ đội biên phòng vừa thương lượng với bạn, vừa giảng hòa với nông dân ta. Tất cả đều phải trên cơ sở hòa hiếu, đặt lợi ích chung lên trên hết”.

Thậm chí, có khi người tâm thần từ Campuchia lạc đường sang địa bàn xã, ông Hoàng tiếp cận và cùng chính quyền địa phương đưa họ về, bàn giao cho lực lượng chức năng nước bạn theo đúng quy định. Những việc như vậy thường xảy ra bất ngờ. Và dù mưa hay nắng, ngày hay đêm, ông Hoàng luôn sẵn sàng “cơm nhà áo vợ” hỗ trợ bất cứ lúc nào.

Nói về động lực của sự tận tình đó, ông Hoàng cười: “Có gì đâu, chỉ là tôi thấy điều đó giúp ích cho xã hội, góp phần giữ gìn mối giao hảo của các địa phương 2 bên biên giới nói riêng và 2 nước nói chung. Tôi nghĩ đó là cách thiết thực nhất để thể hiện mình là công dân có ích và yêu nước!”.

Những cán bộ cơ sở như ông Hoàng, ông Cường hay anh Đẹp làm việc bằng sự tận tâm, nhiệt tình và vô tư. Với họ, lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, quốc gia mới chính là điều to lớn và quan trọng nhất. Họ là những điểm tựa vững vàng miền phên giậu Tổ quốc./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/diem-tua-mien-phen-giau-a171464.html