Điểm toán 7,25, bé gái lớp 4 hoảng sợ bỏ nhà đi...

Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cuối tháng 5 vừa qua có một phen “thất điên bát đảo”, khi bé gái lớp 4 đột ngột “mất tích” ngay sau giờ tan học. Trời tối, công an trích xuất hình ảnh từ camera an ninh thấy bé đạp xe qua tuyến đường vắng, nhân chứng thấy bé đi lên cầu bắc qua sông Hồng, phía sau có một người phụ nữ to béo đi xe tay ga... Lực lượng chức năng, giáo viên, hàng trăm người dân đổ đi tìm; loa phóng thanh của hai tỉnh róng riết kêu gọi hỗ trợ gia đình “nạn nhân”, ảnh bé được phóng to dán khắp nơi...

“Xinh gái thế này thì bị bắt cóc là phải rồi”

Gặp chúng tôi, bố, mẹ, bà nội cháu khóc cười lẫn lộn, dường như, nỗi choáng váng hãi hùng chưa vơi cạn khi bỗng dưng thiên thần bé của mình “mất tích bí ẩn”.

Anh Cao Văn B (bố của cháu bé - Cao Thùy D) bảo: “Cháu bỏ đi vì sợ bố mẹ mắng, đánh, vì hôm đó, điểm toán trên lớp của cháu được 7,25...”. Nghe bảo, điểm ngần này thôi, mai thi học sinh giỏi làm sao D đỗ được, thế là vì sợ, thất vọng, cháu D đã đi xe đạp từ trường thẳng qua khu Xăng Dầu, qua nghĩa trang xã, thẳng ra quốc lộ 32. Trong lúc mất bình tĩnh, cháu đã lao ra cái vòng xuyến to nhất xứ Đoài, rồi thẳng lên cầu Vĩnh Thịnh, cây cầu khổng lồ bắc qua sông Hồng, nối hai tỉnh, thành Vĩnh Phúc và Hà Nội...

Hình ảnh bé D được gia đình in ra và dán khắp nơi với hy vọng tìm được trẻ lạc.

Trên đường bé đi, có hai người xã Đường Lâm nhìn thấy bé. Một anh làm nghề bó gãy xương bằng thuốc Nam, có con gái cũng học cùng lớp với bé D. Anh này chỉ hỏi: “D, mày đạp xe đi đâu đấy, hử?”. Bé đạp xe thêm 1km nữa, gặp một chị vốn là trưởng thôn, có con học cùng trường với bé D, biết rõ bố mẹ D, chị này có thắc mắc... trong lòng nhưng cũng “cho qua” và đi tiếp.

Từ camera an ninh của một hộ dân dọc đường bé đi, người ta trích xuất hình ảnh bé D đạp xe qua rất nét. Lộ trình “biến mất” của cô bé càng rõ hơn khi có nhiều người làng bán bánh đặc sản cho biết: Đã nhìn thấy bé D đạp xe qua. Họ còn nhớ rõ, có một bà béo đi xe tay ga bám theo bé ở cự ly rất gần. Họ chỉ nhớ đến vậy rồi sau này bé mất tích thì kể lại. Chứ tuyệt nhiên không ai chặn lại, hoặc hỏi han, dù họ biết bé mới lớp 4 và biết rõ thậm chí đều có cả số điện thoại của bố mẹ bé.

Sau khi tin tức về việc bé D mất tích được phát đi, mọi người đều đổ xô theo hướng: Bé qua cầu, vượt sông Hồng, sang huyện Vĩnh Tường của tỉnh Vĩnh Phúc. Nhiều người đi tìm dưới sông Hồng vì nghĩ bé tự tử, hầu hết phán đoán bé bị chính người đàn bà to béo đi xe tay ga theo sát bắt cóc. Bố cháu sang huyện bên cạnh nhờ loan tin tìm cháu, cô phát thanh viên xem ảnh bé D, thở dài: “Xinh thế này, bị bắt cóc là phải. Nó theo dõi từ lâu rồi, nó sẽ theo dõi từ nhà, ra chỗ vắng, xấn tới gây mê rồi bắt đi”. Nghe vậy, anh B như chết đứng.

Hàng trăm người đổ đi tìm. Ảnh của bé D in ra dán khắp nơi, loa của các địa phương ven sông Hồng ra rả kêu gọi hỗ trợ cung cấp thông tin. Các kế hoạch án ngữ vùng trọng yếu, bủa vây kẻ bắt cóc cũng được tiến hành.

Trong đầu anh B có một ngàn lẻ một phương án thảm kịch xảy đến với con gái mình. Anh loại bỏ phương án cháu bị lạc đường. Tất cả mọi suy nghĩ dồn vào nỗi lo: Cháu D bị mẹ mìn bắt cóc. Lực lượng chức năng nhận tin báo đồng loạt ra quân, người lương thiện cũng bỏ công việc, bỏ cả bữa tối để đi tìm. Cháu đi khỏi trường lúc hơn 4 giờ chiều, 8 giờ 30 phút tối, vẫn không một hồi âm. Người ta tìm ở khu vực cầu Vĩnh Thịnh, thậm chí xuyên qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, đi thêm gần 30km, lên tận cầu Việt Trì ở tỉnh lỵ Phú Thọ để tìm.

Không ai có thể ngờ được rằng, lý do bé D đi khỏi trường, đi khỏi nhà trong chiều muộn, trong đêm tối chỉ vì lo sợ sẽ bị mắng mỏ, đánh đập khi bị điểm toán ở mức 7,25. Bé còn sợ hơn là trước đó, bé có kiên quyết không đi học thêm môn toán theo yêu cầu của mẹ. Vì bé thích học tiếng Anh và đã được giải 3 cuộc thi học sinh giỏi cấp thị xã môn này. Càng không ai có thể ngờ được rằng, bé đi xuyên qua cầu Vĩnh Thịnh, qua mặt những người bán bánh tẻ rồi lại quay lại và đi về phía Hà Nội, khiến việc “bới đất lật cỏ” tìm kiếm bị sai hướng.

Bé D học tốt, với rất nhiều giấy khen, trong ảnh là anh C - bố cháu.

“Cháu sợ bị mẹ mìn đem đi... mổ bụng”

Bé D đi 5km về thị xã Sơn Tây, đi tiếp mấy chục cây số qua các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức rồi về... trung tâm Hà Nội. Bố cháu mẹ D, làng xóm, quá nhiều người không thể tin nổi bé D cả gan đi như vậy, xuyên đêm tối, giữa dòng xe cộ của quốc lộ 32. Về đêm, nhiều đoạn đường tối đen như mực, vắng vẻ heo hút, đi trên đê nhỏ tối om. Và đó là lý do, anh B thừa nhận, anh nghe quá nhiều lời đồn cháu bị “ma rủ” đi lang thang. “Ngay đêm hôm cháu trở về, tôi đã hỏi kỹ, con nghĩ gì mà con đi thế, lúc đi con có cảm giác thế nào? Cháu bảo, mai con mới nói chuyện, bây giờ con không nói được. Tôi càng lo. Sau mới hiểu cháu bỏ đi chỉ vì sợ điểm thấp thôi. Nghe tin cháu còn sống, mẹ cháu ngất ngay trên đồn công an, khi đang khai báo việc con mất tích. Cả tuần sau vợ tôi vẫn ngơ ngẩn như mất hồn, hai mẹ con cứ bồng bế nhau đi chơi khắp nơi, nói cười ríu rít. Suốt cả tuần, vợ chồng tôi không nấu nướng, có gì ăn nấy, cứ như trên mây”.

Cái kết của câu chuyện rất có hậu và... nhạt hoét thế này: Khi anh B nằm gục, vợ anh ngồi ở đồn công an Đường Lâm khóc nức nở chờ tin báo từ khắp các mũi kiếm tìm “mẹ mìn”, anh B đã gạt nước mắt gọi điện cho Thắng, là em trai mình đang sống ở Hà Nội. “Cô chú về ngay, cháu D mất tích từ chiều. Tình hình gay lắm”. Thắng lập tức cùng vợ lên xe máy về quê. Thật không ai ngờ, họ đi được nửa đường về Sơn Tây, thì nghe cuộc điện thoại từ người anh em đồng hao đang ở chung nhà với Thắng tại Hà Nội: “Cháu D vừa đạp xe đến nhà mình!”. Niềm vui vỡ òa. Các mũi tìm kiếm... uể oải, khóc cười thu quân.

Gặp chúng tôi, bé D hồn nhiên kể: Con cứ đạp xe, lúc xa nhà quá rồi, con sợ và khóc, nhưng nghĩ là cứ đi về phía nhà chú ruột mình ở Hà Nội thì sẽ gần hơn quay về nhà. Đường tối thì đi vào rệ cỏ cho an toàn, lợi dụng ánh sáng của xe máy và ôtô ngược chiều mà đi. Trong túi có 13.000 đồng, con mua một chai nước ngọt uống; đến khu vực Cầu Diễn, vào dần trung tâm Hà Nội, lấy nốt tiền mua một chai Cô-ca làm quà cho các em là con nhà chú ruột. Hỏi: “Cháu đi đường tối và xa thế, có sợ không?”. Cháu Cao Thùy D: “Có ạ. Đến cầu Phùng là cháu bắt đầu khóc. Cháu sợ bị mẹ mìn bắt, bị bán ra nước ngoài, mổ bụng lấy nội tạng”.

Một bé gái lớp 4 đi xe đạp rất thạo, đi trong đêm tối vài chục cây số từ Sơn Tây về Hà Nội - việc không ai khuyến khích. Nhưng ngẫm kỹ thì nó cũng sẽ không quá chấn động, nếu như trong đầu người lớn không có sẵn quá nhiều ám ảnh về tội ác, hãm hiếp, bắt cóc. Ngẫm cho kỹ, bé gái nhận điểm 7,25 không có gì đáng sợ hãi, xấu hổ đến mức phải bỏ nhà đi, nếu cha mẹ “chăm bẵm” thành tích của con một cách dịu dàng và khoa học hơn. Và, nếu những người xóm mạc của bé, thấy bé lang thang ra đường lớn một mình theo cái lối rất lạ lùng như hôm đó, biết chặn bé lại, biết gọi cho bố mẹ cháu hỏi xem có việc gì mà thả rông con ra đường khi chạng vạng thế kia, thì cơn cớ gì cả một vùng quê phải tá hỏa! Trăm thứ trăn trở về chuyến “viễn du” của bé gái thơ ngây ấy - dù thế nào, phần lỗi vẫn thuộc về người lớn.

AM THANH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/diem-toan-725-be-gai-lop-4-hoang-so-bo-nha-di-676132.bld