Điểm tin 27/9: Việt Nam vẫn là lựa chọn số 1 của các doanh nghiệp Nhật Bản

Báo cáo của Vụ Hợp tác quốc tế tại hội nghị Việt-Nhật lần thứ 6 về xây dựng khẳng định Việt Nam vẫn là lựa chọn số 1 của các doanh nghiệp Nhật Bản. Cần thiết xây dựng Luật Cấp nước. Hà Nội đặt hàng các chuyên gia thiết kế trồng cây xanh trên địa bàn. TP HCM lại ngập trong mưa lớn, 7 ôtô bị cây đè. Vì sao phải di dời sân bay Vũng Tàu? Ứng dụng công nghệ bê tông đầm lăn (RCC) trong xây dựng... Đây là những tin tức nổi bật trên Báo điện tử Xây dựng ngày 27/9.

Việt Nam là lựa chọn số 1 của các doanh nghiệp Nhật Bản

Tại hội nghị Việt - Nhật lần thứ 6 về xây dựng do Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) tổ chức tại Hà Nội ngày 27/9, báo cáo của Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh Việt Nam vẫn là lựa chọn số 1 của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhận định: Nhiều năm qua, quan hệ hợp tác giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ MLIT Nhật Bản không ngừng phát triển và mở rộng. Nhằm phát huy các kết quả hợp tác tích cực đã đạt được trong thời gian qua và tăng cường phát triển quan hệ hợp tác ngành xây dựng Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đề xuất một số trọng tâm hợp tác. Theo đó, 2 bên hợp tác nghiên cứu, làm rõ mô hình cơ chế chính sách quản lý đầu tư xây dựng, trao đổi giải pháp công nghệ xây dựng, tiêu chuẩn quy chuẩn xây dựng; Hợp tác phát triển đô thị bền vững; Hợp tác phát triển nguồn nhân lực, bao gồm nguồn nhân lực cho ngành xây dựng, phát triển nguồn nhân lực xây dựng có tay nghề cao...

Cần thiết xây dựng Luật Cấp nước

Nội dung hội thảo về xây dựng Luật Cấp nước và Điều chỉnh định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 do Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cùng với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Phần Lan, Chương trình Nước Phần Lan tổ chức tại Đà Nẵng cho thấy sự cần thiết phải xây dựng Luật Cấp nước.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi về sự cần thiết phải xây dựng Luật Cấp nước Việt Nam, các kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng Luật, giới thiệu các Bộ luật về quản lý nước tại một số quốc gia khác và đề xuất một số nội dung nên đưa vào trong Luật Cấp nước từ các góc độ của cơ quan quản lý, từ các đơn vị cấp nước, từ các tổ chức quốc tế… Ngoài ra, một lộ trình xây dựng Luật bước đầu cũng đã được đưa ra thảo luận tại Hội thảo.

Hà Nội đặt hàng các chuyên gia thiết kế trồng cây xanh trên địa bàn

Để việc trồng cây xanh đạt hiệu quả, đáp ứng các lợi ích về bóng mát, cảnh quan, giảm chi phí, thành phố Hà Nội có chủ trương sẽ đặt hàng và tham vấn ý kiến các nhà chuyên môn lâm nghiệp về việc nên hay không nên trồng cây xanh tại một số vị trí, dải phân cách trên địa bàn thành phố.

Khởi động chương trình 1 triệu cây xanh, thành phố Hà Nội đã huy động từ nguồn xã hội hóa, đầu tư từ ngân sách, từ các tỉnh thành trong cả nước tặng cây cho Hà Nội. Theo quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong khu vực nội đô có 60 công viên, vườn hoa đô thị. Trong số này sẽ có 18 công viên, vườn hoa xây mới và 42 công viên, vườn hoa hiện có được cải tạo lại.

TP HCM lại ngập trong mưa lớn, 7 ôtô bị cây đè

Chiều tối 27/9, sau cơn mưa kéo dài hơn một giờ, nhiều tuyến đường ở TP HCM lại ngập, có nơi mực nước cao 0,5m. Mưa lớn kèm gió mạnh khiến cây lim xẹt cao hơn 20m, đường kính 20cm trong công viên 23/9 (quận 1) bật gốc ngã ra đường Lê Lai.

Cây đổ kéo trụ điện cùng hệ thống dây cáp đập vào 3 ôtô đậu bên dưới và một ôtô đang chạy. Ba ôtô đang đậu gần đó cũng bị hệ thống dây cáp điện đập trúng gây hư hỏng. Vụ việc không gây thương vong, song khiến các ôtô bị hư hỏng nặng, móp nhiều vị trí.

Trước đó, chiều 26/9 trận mưa gần 2 giờ khiến hàng trăm tuyến đường ở TP HCM bị nhấn chìm, nhiều nơi nước ngập đến 0,8m, khiến nhiều tuyến đường tắc nghẽn 2-3 giờ. Hàng nghìn xe máy, ôtô ngập chìm trong các hầm để xe.

Vì sao phải di dời sân bay Vũng Tàu?

Theo ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở GTVT Bà Rịa Vũng Tàu (BR-VT), việc di dời sân bay Vũng Tàu ra khỏi khu vực trung tâm TP Vũng Tàu càng sớm càng tốt, vì rất có lợi cho địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị cũng như thực hiện quy hoạch các dự án.

Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho việc di dời sân bay này sang Gò Găng (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) đang được Sở GTVT gấp rút hoàn thiện. Trong đó, việc quy hoạch, di dời được thể hiện rõ tại Quy hoạch xây dựng vùng TP HCM đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh BR-VT giai đoạn 2006 - 2015, Quy hoạch chung xây dựng TP Vũng Tàu đến năm 2020 và Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đến năm 2020.

Ứng dụng công nghệ bê tông đầm lăn (RCC) trong xây dựng

Công nghệ bê tông đầm lăn (RCC) lần đầu tiên ở Việt Nam đã được ứng dụng tại dự án thủy điện Plêikrông từ năm 2003, do TCty Sông Đà làm tổng thầu, đến nay công nghệ này đã ghi dấu trên nhiều dự án thủy điện lớn.

Do được làm chủ công nghệ, chất lượng bê tông đáp ứng được yêu cầu thiết kế, tiến độ thi công nhanh, giảm giá thành xây dựng, công nghệ mới này đã được nhiều nhà thầu trên thế giới không nghừng đúc rút kinh nghiệm và cải tiến nhằm làm cho chất lượng bê tông ngày càng tốt hơn, tiến độ thi công nhanh, giá thành hạ.

Báo điện tử Xây dựng

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/diem-tin-279-viet-nam-van-la-lua-chon-so-1-cua-cac-doanh-nghiep-nhat-ban.html