Điểm tin 23/11: Quan hệ sâu sắc Việt Nam - Cuba

Quan hệ sâu sắc của Việt Nam và Cuba in đậm dấu ấn ở nhiều công trình và được tăng cường hợp tác trong tương lai. Bộ Xây dựng tiếp thu lấy ý kiến cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị. Bên cạnh đó, ngày 23/11, Báo điện tử Xây dựng còn có các tin tức nổi bật như: Khánh thành cầu vượt dành cho người đi bộ đầu tiên tại Thái Nguyên; 14.000 tỷ làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái,...

Việt Nam Cuba - Mối quan hệ sâu sắc

Mối quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam - Cuba được thiết lập ngày 02/12/1960. Giữa hai quốc gia có nhiều công trình ghi đậm dấu ấn quan hệ sâu sắc, bền vững như Khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội), Bệnh viện Việt Nam - Cuba tại Đồng Hới (Quảng Bình), Tượng đài Hồ Chí Minh đã được khánh thành tại Thủ đô Lahabana (năm 2003), Trường Hồ Chí Minh (cấp II) ở tỉnh Jarugo (năm 1974), Trường Bác Hồ (cấp I) ở Lahabana (năm 1976).

Khách sạn Thắng Lợi là một trong 5 công trình Cuba tặng Việt Nam từ năm 1973.

Trong lĩnh vực xây dựng, Bộ Xây dựng Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Bộ Xây dựng Cuba về kinh nghiệm quản lý và phát triển ngành xây dựng như: phát triển nhà ở, khu đô thị, tư vấn thiết kế xây dựng công trình, quản lý chất lượng công trình xây dựng, ứng dụng công nghệ trong thi công xây dựng công trình, sản xuất vật liệu xây dựng,…

Tập trung phát triển đô thị đồng bộ, bền vững

Phát triển đô thị được coi là động lực, hạt nhân để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng, mỗi địa phương. Tuy nhiên, nhìn nhận nghiêm túc thì công tác phát triển đô thị đang đứng trước thách thức lớn, nhất là vấn đề về quy hoạch, phát triển hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội. Để giảm thiểu và tập trung phát triển đô thị đồng bộ, bền vững, Bộ Xây dựng đang tiếp thu lấy ý kiến cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.

Trong quá trình tiếp thu lấy ý kiến cho dự thảo nghị định, đại diện Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết: Qua 2 năm thực hiện, có thể thấy các quy định của Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị đã thực sự phát huy tính hiệu quả trong quá trình phát triển đô thị, đảm bảo việc quy hoạch có kế hoạch, tránh tình trạng đầu tư tràn lan lãng phí như trước đây. Tuy nhiên, để phù hợp thực tế, cần sớm sửa đổi, hoàn thiện các hệ thống cơ sở pháp lý có liên quan để giúp các địa phương có cơ sở vững chắc hơn trong việc xây dựng các chương trình phát triển đô thị; hình thành các khu vực phát triển đô thị, đặc biệt là việc kiểm soát công tác đầu tư các dự án đô thị mới…

Khánh thành cầu vượt dành cho người đi bộ đầu tiên tại Thái Nguyên

Sáng 23/11, tại Khu công nghiệp Yên Bình (thị xã Phổ Yên) đã diễn ra lễ khánh thành cầu vượt dành cho người đi bộ đầu tiên ở tỉnh Thái Nguyên.

Cầu vượt Yên Bình nằm trên đường nối Quốc lộ 3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên) đến Khu công nghiệp Yên Bình (đường 47m). Công trình do Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam-Thái Nguyên đầu tư, xây dựng. Đây là công trình giao thông cấp III, được xây dựng bằng thép và bê tông cốt thép với thiết kế rộng 8m, tổng chiều dài 116,3m. Sau 60 ngày thi công, công trình đã hoàn thiện, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật.

14.000 tỷ làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

Liên danh các nhà đầu tư vừa đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức đầu tư BOT, tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng. Dự án có quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Dự án cáo tốc Vân Đồn – Móng Cái có thời gian thi công khoảng 3 năm, thời gian thu phí dưới 25 năm; chiều dài khoảng 91,17km, điểm đầu dự án nối với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, điểm cuối nối với đường dẫn cầu Bắc Luân 2 thuộc địa phận TP Móng Cái. Dự án đi qua 5 huyện: Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long cơ bản đồng tình với hướng tuyến, quy mô dự án mà nhà đầu tư đã nghiên cứu. Tuy nhiên, ông đề nghị đơn vị tư vấn phải lưu ý khảo sát thêm địa bàn TP Móng Cái, trên tinh thần hạn chế thấp nhất việc giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo thuận lợi cho quá trình thi công dự án.

Khởi công dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 vào cuối năm 2017

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN - ông Dương Quang Thành cho biết EVN sẽ khởi công dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 cuối năm 2017 theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh và các giải pháp đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam.

EVN cũng sẽ kiến nghị với Bộ Công thương cho phép đẩy nhanh tiến độ của Nhiệt điện Quảng Trạch 2, phấn đấu đưa vào vận hành sớm hơn 5 năm so với Quy hoạch nhằm đảm bảo cấp điện cho giai đoạn 2025 trở về sau.

Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 sẽ đi vào vận hành từ năm 2021 (tổ máy 1) và 2022 (tổ máy 2); đối với Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 2 là 2028 (tổ máy 1) – 2029 (tổ máy 2). Mỗi nhà máy có công suất 1.200 MW (2 tổ máy 600 MW).

TP HCM xây bến sà lan gần cảng lớn nhất nước

Nhằm giảm tải cho đường bộ, bến sà lan được xây dựng để vận chuyển hàng hóa từ cảng Cát Lái (quận 2, TP HCM) về các tỉnh bằng đường thủy.

Ở giai đoạn 1, bến được xây với quy mô 3 cầu cảng, dành cho tàu có trọng tải 2.200 tấn. Sau khi hoàn thành, một lượng hàng hóa từ cảng Cát Lái sẽ được sà lan vận chuyển về các tỉnh thay vì chở bằng xe tải, xe container... Cảng Cát Lái được đánh giá hiện đại nhất Việt Nam và là một trong 34 cảng lớn nhất thế giới. Hiện có hơn 80% lượng container hàng hóa tại khu vực TP HCM phải lưu thông qua đây.

Báo điện tử Xây dựng

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/diem-tin-2311-quan-he-sau-sac-viet-nam-cuba.html