Điểm sáng của phong trào cựu chiến binh làm kinh tế giỏi ở Thăng Bình

Thời gian qua, cùng với việc giữ vững tư tưởng chính trị, đẩy mạnh 'Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh', cán bộ, hội viên cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn huyện Thăng Bình đã nỗ lực vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế.

Mô hình trồng nấm rơm của CCB Võ Trung Năng (áo cam) tại xã Bình Chánh. Ảnh: TOÀN TRÀ

Làm giàu trênđất quê hương

Xuất ngũ năm 1994, đến năm 2000, CCB Võ Trung Năng (thôn Tú Trà, xã Bình Chánh) bén duyên với nghề trồng nấm rơm, song ban đầu khi triển khai làm nấm lại gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, phương tiện sản xuất, kỹ thuật trồng...

Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, đi nhiều nơi trong ngoài tỉnh để học hỏi, dần dần mô hình trồng nấm rơm trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình.

Hiện nay, mỗi tháng CCB Võ Trung Năng thu 6 đợt, mỗi đợt hơn 2 tạ nấm thương phẩm, xuất đi thị trường Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình lãi trên 250 triệu đồng.

[VIDEO] - CCB Võ Trung Năng cho rằng, môi trường quân đội rèn luyện ông ý chí và quyết tâm vượt qua khó khăn

“Làm nấm rơm không khó nhưng phải kiên trì và chịu "nhiệt" tốt. Nhờ môi trường quân đội đã tôi rèn tính kỷ luật để vượt qua khó khăn ban đầu. Đến nay, thu nhập từ việc làm nấm đã giúp gia đình có kinh phí để nuôi con cái ăn học đàng hoàng” - CCB Võ Trung Năng cho biết thêm.

Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, mô hình trồng nấm rơm của CCB Võ Trung Năng còn giải quyết việc làm cho gần 10 lao động tại địa phương.

Chị Dương Thị Tăng (thôn Mỹ Trà, xã Bình Chánh) cho biết, công việc làm nấm cũng phù hợp với sức khỏe và tuổi tác tôi hiện tại.

“Làm ở đây thuận lợi là gần nhà, ngày công trung bình 250 nghìn đồng nên gia đình cũng có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống” - chị Tăng chia sẻ.

[VIDEO] - Mô hình trồng nấm rơm của CCB Võ Trung Năng góp phần giải quyết lao động tại địa phương.

Còn với CCB Nguyễn Sở (xã Bình Quế), năm nay đã ngoài 70 tuổi song ông Sở vẫn miệt mài tận dụng diện tích đất đai để phát triển kinh tế.

Xuất ngũ năm 1982,điều kiện kinh tế khó khăn, bằng sự chịu khó, ý chí vươn lên, CCB Nguyễn Sở đã khai hoang đất gò đồi để sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi heo, gà… Điều đáng nói hơn là hiện nay mô hình nuôi bò lai của CCB Nguyễn Sở trở thành điểm sáng tại địa phương.

CCB Nguyễn Sở cho hay, sau thời gian nuôi thử nghiệm, nhận thấy bò phát triển tốt, tôi tranh thủ sự hỗ trợ nguồn vốn 70 triệu đồng của huyện để tiếp tục nhân rộng đàn bò lên 20 con.

“Ngoài ra, tôi còn trồng hơn 3ha keo lá tràm, kết hợp nuôi heo, gà, vịt… Nói chung, mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập gia đình gần 200 triệu đồng mỗi năm” – CCB Nguyễn Sở cho biết thêm.

Trợ lực từ nguồn vốn vay ủy thác

Theo ông Nguyễn Bích Nghi - Chủ tịch CCB xã Bình Hải, hiện nay, Hội CCB xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thăng Bình cho hội viên vay vốn với tổng dư nợ trên 5 tỉ đồng. Đây chính là sự trợ lực để CCB đầu tư phương tiện sản xuất, máy móc, con giống… để phát triển kinh tế.

“Đa số CCB đều siêng năng và chịu khó, một số hội viên linh hoạt sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay đã vươn lên làm giàu với các mô hình như làm bún, nuôi tôm…” - ông Nguyễn Bích Nghi cho hay.

CCB xã Bình Hải phát triển kinh tế với mô hình sản xuất bún tươi. Ảnh: VĂN TOÀN

Theo Hội CCB huyện Thăng Bình, toàn huyện hiện có hơn 3.650 hội viên CCB. Trong đó, 30% hội viên hưởng các chế độ chính sách Nhà nước…Trong số 2/3 hội viên CCB còn lại, khi trở về với đời thường, bằng ý chí của bộ đội cụ Hồ, đã vươn lên phát triển kinh tế tại địa phương bằng những mô hình phù hợp; trong đó, có sự trợ lực từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội.

[VIDEO] - Ông Triệu Phúc Cương - Chủ tịch Hội CCB huyện Thăng Bình chia sẻ về phong trào CCB phát triển kinh tế tại địa phương.

Ông Triệu Phúc Cương - Chủ tịch Hội CCB huyện Thăng Bình thông tin, đến nay, tổng nguồn vốn hội viên vay qua chương trình tín dụng chính sách với số tiền gần 131 tỉ đồng. Qua đó, giúp CCB đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Thời gian đầu khi xuất ngũ, đa số hội viên còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với bản lĩnh được rèn luyện trong quân ngũ, khi về với đời thường, mỗi CCB đều tìm tòi những mô hình, hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên, đất đai tại địa phương. Một số hội viên khi làm ăn khấm khá còn hỗ trợ cho hội viên khó khăn hơn.

“Cùng với các mô hình như hiến đất làm đường, nuôi heo đất, nghĩa tình đồng đội, dân vận khéo, hũ gạo tình thương, tổ an ninh trật tự, tuyến đường tự quản… phong trào “Hội viên CCB sản xuất, kinh doanh giỏi” đã thực sự lan tỏa, góp phần chung sức trong sự phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện” - ông Triệu Phúc Cương nói.

VĂN TOÀN - NGUYỄN TRÀ

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/xa-hoi/diem-sang-cua-phong-trao-cuu-chien-binh-lam-kinh-te-gioi-o-thang-binh-153340.html