Điểm khác biệt của Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2023

Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2023 tại TP Chí Linh – Hải Dương sẽ diễn ra từ ngày 24/9 đến ngày 4/10. Năm nay còn diễn ra tuần lễ khai mạc Văn hóa Du lịch và xúc tiến thuơng mại. Đây chính là điểm khác biệt so với những năm trước.

Tại Lễ hội sẽ được mở đầu bằng Lễ Cáo yết ngày 25/9. Lễ tưởng niệm 723 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Lễ khai hội mùa thu, khai mạc Tuần Văn hóa Du lịch và xúc tiến thương mại, lễ khai ấn và ban ấn Đền Kiếp Bạc sẽ được tổ chức vào tối ngày 30/9 (tức 16/8 âm lịch).

Hình ảnh diễn ra tại Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ảnh CTV

Hình ảnh diễn ra tại Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ảnh CTV

Đây là một trong hai kỳ lễ hội truyền thống tại khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc. Lễ hội này đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh cộng đồng dân tộc trên khắp mọi miền đất nước.

Điểm nhấn của Lễ hội năm nay chính là mở rộng không gian lễ hội và thời gian tổ chức cả ngày lẫn đêm. Với kỳ vọng góp phần quảng bá hình ảnh các giá trị nổi bật toàn cầu của di tích trong hành trình hoàn thiện hồ sơ trình Unesco công nhận di sản văn hóa thế giới đối với Quần thể di tích di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc.

Lễ hôi Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022. Ảnh Vĩnh Quân

Lễ hôi Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022. Ảnh Vĩnh Quân

Diễn xướng Hội quân trên sông Lục Đầu sẽ diễn ra vào sáng 1/10 (17/8 âm lịch). Liên hoan diễn xướng hầu thánh sẽ khai mạc vào tối 1/10 (17/8 âm lịch) và được tổ chức vào các buổi tối từ 19 – 23 giờ, ngày 17, 18, 19/8 âm lịch. Lễ cầu an và Hội hoa đăng được tổ chức vào ngày 2/10 (18/8 âm lịch). Lễ rước bộ, lễ tế, lễ giỗ Đức Thánh Trần được tổ chức ngày 4/10 (20/8 âm lịch).

Tại Khu di tích Côn Sơn, ngày 30/9 (16/8 âm lịch) sẽ diễn ra lễ rước bộ, Lễ tưởng niệm 581 năm ngày mất của anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; lễ tế tại đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán.

UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu đối với công tác tổ chức các tiểu ban nội dung, tuyên truyền; lễ tân, khánh tiết, hậu cần; an ninh trật tự, quảng bá văn hóa du lịch và xúc tiến thương mại sau khi có quyết định thành lập, khẩn trương xây dựng kế hoạch riêng để thực hiện các nội dung lễ hội theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức lễ hội một cách trang trọng, an toàn, vui tươi, lành mạnh.

Cùng với các tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá trước, trong và sau các hoạt động nghi lễ để hoàn thiện hồ sơ trình Unesco công nhận quần thể di tích danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn – Kiếp Bạc là di sản thế giới. Ứng dụng chuyển đổi số, đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền về di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cũng như các điểm du lịch khác của tỉnh, trong đó có thể sử dụng các nền tảng công nghệ hỗ trợ để quảng bá tới du khách về du lịch Hải Dương tới du khách.

Bảo đảm an ninh trật tự, giao thông an toàn và thông suốt, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cháy rừng, hỏa hoạn trong khu vực di tích; ngăn chặn xử lý các trường hợp mê tín, dị đoan. Tổ chức tốt công tác đón tiếp khách mời, hướng dẫn và phục vụ nhân dân tận tình...

Vĩnh Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/diem-khac-biet-cua-le-hoi-mua-thu-con-son-kiep-bac-nam-2023.html