Điểm hẹn văn hóa nơi xứ Đoài

Với mong muốn lưu giữ những bức tranh quý giá cùng với các cổ vật trong nhân gian, họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ đã thành lập bảo tàng mỹ thuật mang tên chính mình tại quê nhà, thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, (Hà Nội). Trải qua 16 năm, bảo tàng đã trở thành điểm đến của nhiều họa sĩ, nhà sưu tầm cổ vật và những người yêu hội họa.

Họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ (sinh năm 1948) có một cuộc đời gắn bó bền chặt với niềm đam mê hội họa. Là cháu đời thứ 15 dòng họ Phan Huy Ích và Phan Huy Chú, bà được giáo dục trong một gia đình nền nếp, gia giáo và được thừa hưởng những tài năng của các cụ trong họ, trong đó có hội họa. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã bộc lộ năng khiếu hội họa và quyết tâm theo đuổi nó bằng một quyết tâm cao. Lớn hơn một chút, bà không chỉ vẽ mà còn luôn có ý thức giữ gìn, sưu tầm những bức tranh và cổ vật có giá trị, bởi với bà ở đó hiển hiện cả một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc. Sau một quá trình tích lũy đủ dài với những kiến thức cùng các bức tranh, cổ vật sưu tầm được, năm 2006, bà đã thành lập Bảo tàng Mỹ thuật họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ.

Họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ có một cuộc đời gắn bó bền chặt với niềm đam mê hội họa.

Hơn 500m2 sàn khu biệt thự 3 tầng của gia đình đã được bà dành để trưng bày tranh, thư pháp và nhiều hiện vật đồ gốm… Suốt từ khi thành lập cho đến nay số tranh, hiện vật không ngừng tăng lên. Hiện Bảo tàng đã có hàng trăm hiện vật, bức tranh quý giá, trong đó có nhiều bức tranh của các họa sĩ tài danh của Việt Nam như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm… Bảo tàng nằm ngay Khu di tích Chùa Thầy nổi tiếng nên đường đi lối lại rất thuận lợi, dễ tìm kiếm và cũng đã trở thành một điểm tham quan quen thuộc với mỗi du khách đến với Quốc Oai. “Bảo tàng hiện nay đã trở thành một điểm hẹn văn hóa, nơi những họa sĩ, người sưu tầm tranh, cổ vật và những người yêu tranh, yêu nghệ thuật truyền thống có thể cùng trao đổi, bàn bạc và gieo trong lòng người về tình yêu với văn hóa truyền thống. Tuy vậy, tôi vẫn mong ước có được một khu đất rộng hơn để mở rộng quy mô của Bảo tàng”, nữ họa sĩ bộc bạch.

Theo quy định, Bảo tàng được phép thu phí để duy trì hoạt động. Tuy nhiên đến thời điểm này, Bảo tàng của họa sĩ Ngọc Mỹ vẫn mở cửa miễn phí hoạt động vì cộng đồng. Mỗi ngày trung bình Bảo tàng đón hàng chục khách và đông hơn vào dịp cuối tuần. Đặc biệt, trong số du khách đến với Bảo tàng có nhiều em học sinh đến từ trường học trên địa bàn huyện Quốc Oai và vùng lân cận. Đến với Bảo tàng, các em học sinh đã không chỉ được đắm mình trong thế giới màu sắc đầy lôi cuốn, hấp dẫn mà còn có cơ hội được chính chủ nhân của Bảo tàng dạy vẽ miễn phí.

Nữ họa sĩ nay đã ở tuổi 75 nhưng vẫn còn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Với bà mỗi ngày có khách đến chơi tại Bảo tàng là một niềm hạnh phúc. Bởi cho rằng, tình yêu với hội họa, với văn hóa truyền thống không thể ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình. Cứ thế, mưa dầm thấm lâu, dần dần mọi người sẽ hiểu về những bức tranh, cổ vật trong Bảo tàng của bà cũng như những việc bà đã và đang làm. “Tôi muốn truyền cảm hứng cho mọi người và nhất là thế hệ trẻ, để các em có đam mê, biết trân trọng cái đẹp về mỹ thuật, từ đó có ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống nước nhà. Với tôi học vẽ cũng chính là đánh thức sự tử tế và sự nhân văn trong chính tâm hồn chúng ta”, họa sĩ Ngọc Mỹ chia sẻ.

Mỗi ngày trung bình Bảo tàng đón hàng chục khách và đông hơn vào dịp cuối tuần.

Đánh giá về nữ họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Để hình thành nên bảo tàng tư nhân như hôm nay là biết bao công sức, tâm huyết và sự hy sinh thầm lặng của họa sĩ Ngọc Mỹ. Với vóc dáng nhỏ bé nhưng bà đã làm những việc vô cùng to lớn. Tâm hồn và tấm lòng của bà thật lớn lao. Khi khắp các làng quê đang xây dựng nông thôn mới thì chính những Bảo tàng như của họa sĩ Ngọc Mỹ đã tạo dựng nên nét đẹp văn hóa cho cộng đồng, từ đó góp phần tạo nên bộ mặt đời sống nông thôn nhiều đổi thay”.

Là người đồng hành, theo sát hoạt động của Bảo tàng suốt những năm qua, PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia khẳng định: “Họa sĩ Ngọc Mỹ đã có một cuộc đời tận tụy và sáng tạo không ngừng. Việc mở Bảo tàng giữa làng quê là một việc làm có ý nghĩa và vô cùng thiết thực để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần”.

Nói một cách hình tượng và bay bổng, nhạc sĩ Đoàn Bổng, tác giả bài hát nổi tiếng “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em”, một người bạn rất gần gũi và thân thiết với họa sĩ Ngọc Mỹ nhận xét: “Trong các bức tranh của họa sĩ Ngọc Mỹ hiện lên những nét vẽ phiêu lãng, mộng mơ và đẹp như những bài thơ, bài hát. Tôi nghĩ rằng, bằng tài năng và tấm lòng cao thượng, họa sĩ Ngọc Mỹ đã góp hương sắc cho quê hương xứ Đoài, cho mảnh đất quê lụa đầy thương mến và tự hào”.

KHÁNH LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/diem-hen-van-hoa-noi-xu-doai-724015