Điểm hẹn của hòa bình, hòa hợp dân tộc

NGÀY 30-4, một ngày lịch sử trọng đại của dân tộc ta, nhân dân ta. Từ lâu đã có nhiều tên gọi thân thiết về ngày này. Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Ngày thống nhất đất nước. Ngày non sông ta liền một dải. Ngày đoàn tụ, cha gặp con, vợ gặp chồng. Năm 2010, kỷ niệm 35 năm Đại thắng Mùa Xuân, Lễ Thượng cờ được tổ chức tại cầu Hiền Lương, dân ta vui quá, xúc động quá, gọi là Lễ hội thống nhất non sông! Tại Lễ hội thiêng liêng này, tỉnh Quảng Trị đã đón nhận hai nắm đất thiêng và bầu nước từ nguồn Pác Bó và sông Cửu Long. Đất và nước được gửi về từ Cao Bằng và Hậu Giang. Đất và nước được dâng lên kỳ đài và đêm ấy hòa vào dòng sông Bến Hải cuồn cuộn sóng.

Mới đó đã 39 mùa Xuân miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nếu không có ngày 30-4? Một nhà thơ nữ quê miền Nam đã day dứt hỏi. Nếu không có ngày ấy sông Bến Hải sẽ mãi mãi cắt chia hai miền đất nước. Vĩ tuyến 17 mấy nghìn ngày nhức buốt thịt da. Còn ngày nào đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai gieo đau thương trên mảnh đất này, đồng bào hai miền nam - bắc còn phải trường kỳ kháng chiến, trúc chẻ ngói tan, đạp lên đầu thù mà xốc tới, tiến vào trận đánh cuối cùng - trận đánh vì hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc.

Cùng với ngày 7-5 Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, ngày 30-4 trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ 20. Từ đây đất nước ta sạch bóng quân thù, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Công cuộc đổi mới đất nước gần 30 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Ôn lại những bài học truyền thống, càng trân trọng những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh, những chiến công vĩ đại trong bản hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ngày 30-4 là điểm hẹn của hòa bình, hòa hợp dân tộc. Hòa hợp dân tộc khiến mọi tầng lớp, mọi nhà, mọi người xích lại gần nhau, hóa giải xung đột, xóa bỏ hận thù. Hòa hợp dân tộc để khai thác tốt hơn mọi tiềm năng, sáng tạo, mọi trí tuệ, tài năng của đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài, chăm lo tốt hơn những người có công với cách mạng, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội.

Trong những năm qua, cứ mỗi dịp 30-4, hàng nghìn người dân ở nước ngoài lại có dịp trở về Tổ quốc, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nơi mỗi người từng chứng kiến những năm tháng chiến tranh gian khổ trên mảnh đất bom cày đạn xới. Nay đất ấy hồi sinh, mở ra những chân trời mới. Trong số đó có cả những người một thời lầm lạc. Thậm chí có người di tản ra nước ngoài sau năm 1975, và sau đó vì nhiều lý do, tiếp tục có những hành động "chống cộng" quyết liệt, khơi dậy hận thù, kích động chia rẽ đoàn kết dân tộc. Trở về, được chứng kiến sự đổi thay của đất nước, được gặp lại những người bà con, cô bác, anh chị em, và những người dân quê tần tảo một nắng hai sương, họ đã thay đổi cách nghĩ, cách nhìn. Họ đã trở lại trái tim mình. Hòa hợp dân tộc là trở về trong vòng tay Mẹ! Một cựu sĩ quan thủy quân lục chiến, từng là nhân vật chống cộng khét tiếng ở hải ngoại, xúc động đọc những câu thơ trên boong tàu đêm 19-4 vừa qua, trên đường ra Trường Sa: Mai tôi chết xin đừng ném tôi ra biển/Ném ra biển bị ô nhiễm môi trường/Mai tôi chết, xin hãy đốt tôi thành tro/Vì khi sống tôi từng làm hại đất nước... Thơ có thể còn nôm na, nhưng thành thật và ám ảnh trên đường trở về quê Mẹ, quê Mẹ bao dung và ấm tình người.

MỪNG ngày chiến thắng, không chỉ có niềm vui, niềm tự hào, niềm khát khao vươn tới. Phía trước chúng ta còn bao gian khó, còn nhiều việc cần làm, làm thay phần việc của những người đã ngã xuống. Ý chí chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, chớp thời cơ, vượt qua thách thức, luôn thử thách tài năng, bản lĩnh người chèo lái con thuyền trong sóng to gió cả. Với sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, với tinh thần 30-4, thần tốc và táo bạo, muôn người như một nối vòng tay lớn lên đường!

HẢI ĐƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/23068102-%c3%b0iem-hen-cua-hoa-binh-hoa-hop-dan-toc.html